"Lão nghệ sĩ lập dị" Mạc Can: Vợ mất, bạn thân qua đời, lúc túng quẫn tôi bán luôn bản thảo
(Dân trí) - Trong căn phòng trọ nhỏ hẹp, Mạc Can vẫn ngày ngày viết bản thảo và chờ được gọi đóng phim. Buồn vì người vợ và các bạn thân đã mãi đi xa nhưng ông vẫn dặn lòng mình không chết được vì còn nhiều việc phải làm.
Thập niên 80-90, Mạc Can là gương mặt quen thuộc với khán giả. Từ trẻ em cho đến người già đều yêu mến ông bởi sự đa tài, duyên dáng và hài hước. Đóng phim, ảo thuật, viết sách, viết kịch bản... cái nào ông cũng để lại dấu ấn.
Phải thừa nhận rằng hiếm có nghệ sĩ nào lại bền bỉ cống hiến cho nghệ thuật như ông. Từ một anh hề trong gánh hát rong ở miền Tây Nam Bộ, trải qua gần cả trăm vai phụ ông mới được một lần giao vai chính như Mạc Can.
Sắp bước sang tuổi 80, ông vẫn miệt mài kiếm sống bằng những đồng tiền ít ỏi từ việc viết bản thảo trong căn phòng trọ, thay vì trông chờ sự giúp đỡ của người khác...
Nuôi dưỡng ước mơ từ gánh hát trên ghe
Phóng viên đến thăm nghệ sĩ Mạc Can vào một buổi chiều nắng nhẹ. Tuy sức khỏe yếu, đi lại khó khăn nhưng gương mặt ông lộ rõ vẻ vui mừng khi có khách đến căn phòng trọ nhỏ hẹp của mình.
Trước đó, Mạc Can tái hợp với vợ cũ nên dọn về sống tại quận Bình Tân (TPHCM). Sau khi vợ mắc bệnh rồi qua đời cách đây vài tháng, người nghệ sĩ lại trở về với cảnh sống đơn độc. Cách 1-2 ngày, con gái của ông lại sang thăm nom, nấu nướng. Dù được ngỏ lời về ở cùng em gái ruột nhưng ông từ chối vì không muốn trở thành gánh nặng của ai.
Mạc Can bảo ông cũng đã quen với cảnh lủi thủi. Ngày xưa, cha của Mạc Can là ông bầu, nhưng gánh hát của gia đình ông không nằm trên đất liền, cũng chẳng có vị trí cố định mà phải lênh đênh trên sông nước. "Nói gánh hát cho sang vậy thôi chứ đó chỉ là một chiếc ghe chạy nay đây mai đó", Mạc Can kể.
Nhắc về chiếc ghe đã nuôi dưỡng giấc mơ nghệ thuật của mình, ông rơi nước mắt. Người nghệ sĩ già thều thào: "Hồi đó, tôi ở dưới ghe. Nay ở nơi này, mai trôi đi nơi khác, ít khi tôi được sống trên bờ. Đến giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn nghĩ xung quanh mình là nước, là sông. Mỗi lần đi ngang dòng sông, tôi nhớ ngày nhỏ vô cùng".
Hồi tưởng về những năm tháng lênh đênh, Mạc Can bấu víu vào mảnh khăn trên tay để kìm nén cơn xúc động. Ông nói ngày xưa không có sân khấu, ghe đi đến đâu thì cả đoàn dựng sân khấu đến đấy, thường là bãi đất trống gần chợ.
Mạc Can không theo trường lớp nào. Ông chỉ theo dõi và nắm bắt từng cử chỉ, hành động của cha mình rồi cứ vậy mà bước vào nghề. Ngoài khả năng diễn xuất tự nhiên, nam nghệ sĩ còn có biệt tài ảo thuật, biến hóa nhiều tiết mục đặc sắc.
Mạc Can thừa nhận bản thân học hỏi từ cha rất nhiều, kể cả những mẹo ảo thuật. Ông nhớ lại: "Cha tôi là nhà ảo thuật nên kêu tôi diễn hài phụ họa. Đêm nào cũng vậy, tôi sẽ cầm nón để sẵn lá bài, ông thò tay vào bốc lá bài ra. Người ta thấy ngộ quá, vỗ tay rần rần. Hồi đó, có lần tôi lật tẩy "mánh" của cha trước mặt mọi người, bị ông đánh quá trời".
Xuất thân trong gia đình nghệ thuật nhưng có thời gian, Mạc Can từng bị gia đình cấm cản vì không muốn ông theo nghề. Nhiều đêm đi diễn hội chợ, ông bị gia đình bắt lại nhưng 2,3 ngày sau lại trốn nhà đi. Hỏi ra mới biết, Mạc Can làm chú hề trong các hội chợ để thu hút khách đến xem hát.
Một ngày làm việc của ông thường bắt đầu từ lúc sáng sớm đến tối mịt, bất kể nắng mưa. Khi mười mấy tuổi, Mạc Can thường được giao đứng ngoài sân, tìm cách thu hút sự chú ý của người qua đường. Ông bảo may mắn gặp được những ông bầu tử tế, đối xử tốt nên cũng an ủi phần nào.
Lớn hơn một chút, Mạc Can học thêm nhiều trò xiếc, ảo thuật và cố gắng tập luyện để được khán giả biết đến nhiều hơn. Đó cũng là lúc ông muốn sống và làm việc một mình vì không muốn dựa dẫm hay phụ thuộc vào gia đình nữa.
"Tôi làm vậy vì muốn xem mình chèo chống thế nào, người ta khen chê mình ra sao. Sự thật là có người khen, cũng có người chê. Tôi từng bị khán giả nói: "Mày làm chi vậy, cái đó không có hay đâu". Lúc đó tôi cũng cảm thấy xấu hổ", Mạc Can tâm sự.
Cát-xê không đủ sống, lúc túng quẫn phải bán tác phẩm đổi lấy bữa cơm
Từ một chú hề hội chợ, Mạc Can dần được khán giả "nhớ mặt đặt tên" qua nhiều vai diễn trong các bộ phim cổ tích của hãng phim Phương Nam. Với Mạc Can, đây là một trong những cái nôi đầu tiên giúp ông rèn kỹ năng diễn xuất.
"Ngày xưa, phim cổ tích quay rất có chất lượng, đòi hỏi phải đi nhiều nơi, hóa trang kỹ lưỡng. Sau này, những bộ cổ tích không còn hay như trước nữa", ông thở dài.
Đến nay, Mạc Can đóng hàng trăm vai diễn lớn nhỏ. Dù vai phụ nhiều hơn vai chính nhưng ông không bao giờ nề hà. Đó có thể là một Mạc Can gần gũi, dí dỏm với vai bác Ba Phi trong Đất phương Nam hay hình ảnh ông Tư Đèo lúc nào cũng đau đáu tìm con trong Cải ơi...?
Hỏi thăm về những "tai nạn nghề nghiệp", Mạc Can cười khà khà. Ông kể lại: "Tôi gặp nhiều nhưng không nặng lắm. Trong phim cổ tích Giận mày tao ở với ai, tôi phải chui qua bụi cây trong rừng. Chui vô được nhưng lại không ra được vì có rất nhiều gai đâm".
Đến vai bác Ba Phi trong Đất Phương Nam, Mạc Can phải chạy chân trần trên đất nên thường xuyên bị đứt chân. Nhưng vì đóng say sưa quá ông không thấy đau, về nhà mới nhận ra. Trong phim Cải ơi, có phân đoạn Mạc Can phải diễn dưới sông cùng một con trâu. Khi ấy, ông bị nó đạp mạnh vào chân mà không hay biết. Lúc lên bờ, nam nghệ sĩ mới phát hiện chân mình bị sưng to, tụ máu.
Ông cũng chia sẻ bản thân chưa bao giờ học lời thoại, chủ yếu là nhập vai rồi có sao diễn vậy: "Từ nhỏ đến lớn, tôi không học lời thoại, chỉ cần biết sơ qua đường dây là diễn được. Nhiều người nói như vậy là không được, nhưng riêng tôi thì thấy như vậy sẽ tự nhiên hơn. Có lẽ, nhiều người thích tôi cũng vì lý do đó. Tôi không thích thoại kiểu cứng nhắc như trả bài", Man Can chia sẻ.
Là một người đa tài nên ngoài công việc diễn viên, Mạc Can còn chăm chỉ viết sách, soạn bản thảo. Ở mỗi ngành nghề, ông đều dành tình cảm và sự trân trọng đặc biệt: "Nếu như đi diễn hay làm xiếc, tôi phải vận động thân thể. Còn khi viết văn, tôi được kể những câu chuyện mà mình quan sát và cảm nhận trong đời sống thường ngày", ông nói.
Ông chia sẻ, viết sách vì đam mê và cũng là để trang trải cuộc sống. Nhiều lần ông phải bán tác phẩm của mình để đóng tiền thuê nhà hay đổi lấy bữa cơm. Đơn cử là tác phẩm Tấm ván phóng dao (tiểu thuyết đầu tay của Mạc Can, phát hành năm 2005) từng giành được nhiều giải thưởng lớn nhưng khi có người hỏi mua để chuyển thể thành phim, ông quyết định... bán luôn.
"Cô Nguyễn Phan Linh Đan (đạo diễn phim "If wood could cry, it would cry blood" chuyển thể từ tiểu thuyết "Tấm ván phóng dao" - PV) giỏi lắm, chưa 30 tuổi mà đã học đạo diễn bên Mỹ. Khi đọc tác phẩm của tôi, cô thấy thích và ngỏ ý muốn mua lại, vì nghèo khổ quá nên tôi bán rồi", Mạc Can nói và cho biết phim này sau đó đã đoạt giải trong khuôn khổ Liên hoan phim Busan năm 2021.
"Tôi chưa muốn chết, vì còn nhiều việc phải làm"
Ngẫm lại những vai diễn đã qua, Mạc Can cho biết nhiều vai giống hệt cuộc đời ông. "Bởi vì tôi hay đóng vai nghèo khổ và ngoài đời tôi cũng như vậy", lão nghệ sĩ nói với ánh mắt đượm buồn.
Làm đủ thứ nghề, cống hiến cho nghệ thuật hơn 50 năm nhưng Mạc Can cho biết cát-xê với ông vẫn không đủ sống, làm bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu. Trong căn phòng trọ hơn 10 m2, vật giá trị nhất có lẽ là chiếc máy tính xách tay ông được bạn tặng, để viết bản thảo hàng ngày. Dù từng được một số nghệ sĩ và nhà hảo tâm giúp đỡ, Mạc Can vẫn muốn tiếp tục cống hiến và kiếm tiền bằng chính đôi tay của mình.
Dẫu đi qua gần hết đời người, lão nghệ sĩ cho biết vẫn cảm thấy xúc động, lâng lâng mỗi lần được khán giả khen diễn hay, có hồn. Gần đây nhất, vai diễn của Mạc Can trong Chuyện ma gần nhà được nhiều khán giả yêu thích. Ông nấc nghẹn: "Tôi nghe nói người ta khen vai diễn của tôi nhiều. Ở tuổi này mà còn được khen, tôi xúc động lắm".
Mạc Can kể lúc nhận vai, đoàn phim cho xe và bác sĩ đến tận nhà, đưa ông ra phim trường. Tới nơi, người ta bế ông lên lầu, lúc có phân cảnh thì mời ông ra diễn. Do khó khăn trong việc đi lại nên nghệ sĩ thường ngồi một chỗ. Đạo diễn nhắc sao thì ông diễn y vậy. "Tôi diễn cái nào ra cái đó. Tôi được khen nhất là đôi mắt. Vì cặp mắt tôi có thể biến hóa từ vai thiện đến vai ác", Mạc Can nói.
Tuy tuổi đã cao, đi lại khó khăn nhưng người nghệ sĩ già vẫn muốn cống hiến thật nhiều cho nghệ thuật. Ông bảo chỉ là nhớ nghề, muốn diễn cho vui chứ không quan tâm đến cát-xê dù bản thân cũng chẳng dư dả. "Người ta đưa vai diễn, hỏi tôi giá bao nhiêu. Tôi trả lời rằng các ông có cơm thì tôi cũng có cháo, chứ tôi không ra giá", người đã cống hiến cho nghệ thuật hơn 50 năm trải lòng.
Ở tuổi gần đất xa trời, Mạc Can hiếm khi ra ngoài, phần vì sức khỏe giảm sút, phần vì những người bạn thân cũng đã lần lượt ra đi. Ông bảo: "Tôi chỉ có vài người bạn như Nguyễn Chánh Tín, Hồng Sến, Hồ Kiểng. Họ mất rồi, giờ chỉ còn mình tôi. Buồn lắm nhưng tôi vẫn thường nói mình không chết được vì còn nhiều việc phải làm".
Bây giờ có người gọi đi phim là ông mừng đến không ngủ được. Lúc không có vai, nghệ sĩ thường ở nhà gõ bản thảo. "Tôi để máy tính kế bên mình, mỗi ngày viết vài trang sách, mệt thì ngủ, nằm chiêm bao lại nghĩ ra chuyện để viết", lời Mạc Can.
Ông tâm sự bản thân đang ấp ủ 2 tiểu thuyết hài kịch và bi kịch, hứa hẹn sẽ ra mắt trong thời gian tới. Ông cũng hy vọng mình có thêm nhiều cơ hội để cống hiến với nghề. Nếu bộ phim nào cần, ông sẵn sàng tham gia diễn xuất.
Nôi dung: Triết Lý - Hân Nguyễn
Ảnh: Quang Ninh
Video: Phương Nhi
03/10/2022