Ngoài vẻ đẹp thơ mộng nổi tiếng suốt bốn mùa của Khu Du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh còn được đánh giá có nhiều tiềm năng cho các hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá kết hợp với rèn luyện thể lực khi sở hữu nhiều dãy núi cao nhất Đông Dương và cả nước cùng những cung đường đèo hùng vỹ. Đây cũng là nơi được biết đến với nhiều hình thức du lịch thể thao như: marathon, đua ngựa, đua xe đạp, leo núi với các cuộc thi được tổ chức chuyên nghiệp hàng năm, nhằm thỏa mãn đam mê của những tín đồ du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh con người, thiên nhiên và nét văn hóa đặc sắc của địa phương.
Xây dựng thương hiệu du lịch thể thao
Theo định nghĩa từ Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO), du lịch thể thao là loại hình liên quan đến trải nghiệm của du khách khi quan sát hoặc tham gia một sự kiện thể thao mang tính cạnh tranh. Sự hấp dẫn của du lịch thể thao đến từ những trải nghiệm mới mẻ, mang tính thử thách cho du khách. Vừa quan sát hoặc tham gia các hoạt động thể thao, vừa thưởng ngoạn thiên nhiên đa địa hình, vừa có tính cạnh tranh đem lại sự phấn khích cho người trải nghiệm.
Nằm ở phía Tây Bắc của Lào Cai, Bát Xát là huyện vùng cao, địa hình chia cắt mạnh, núi cao, thung lũng sâu, nhiều khe suối cùng với rừng nguyên sinh. Từ nhiều năm nay, du khách trong nước và nước ngoài đã biết đến nơi đây chủ yếu qua du lịch thể thao. Nhiều người tìm đến Bát Xát để được hòa mình vào thiên nhiên thông qua hành trình chinh phục những đỉnh núi thuộc hàng cao nhất Việt Nam như: Ky Quan San, Nhìu Cồ San, Lảo Thẩn và những cung đường đẹp nổi tiếng như: Mường Hum, Y Tý, Trịnh Tường, cột cờ Lũng Pô...
Trong đó, chinh phục núi Lảo Thẩn là một trong những trải nghiệm được nhiều khách du lịch lựa chọn khi đến với Bát Xát. Ngọn núi Lảo Thẩn cao 2.860m so với mực nước biển, được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan hoang sơ hùng vĩ cùng khí hậu mát mẻ quanh năm. Cung đường chinh phục núi Lảo Thẩn giúp du khách khám phá được những nét đẹp đa dạng của núi rừng Lào Cai, thử thách ý chí và sức bền của bản thân.
Chị Tố Như (thành phố Hải Dương) cho biết, dù mệt nhưng khi nhìn thấy thiên đường mây trên đỉnh núi, mọi người đều công nhận đó là một món quà vô cùng xứng đáng. So với các cung đường trekking (đi bộ leo núi đường dài) khác, con đường chinh phục núi Lảo Thẩn có phần dễ dàng hơn. Vì vậy, đây là địa điểm thích hợp cho những người lần đầu lựa chọn trải nghiệm loại du lịch này.
Giải chinh phục đỉnh Lảo Thẩn được tổ chức hàng năm tại Bát Xát và Giải đua xe đạp địa hình xuyên rừng già Y Tý với tên gọi “Đi giữa mùa hoa đỗ quyên” là những hình thức du lịch thể thao hấp dẫn; thu hút hàng trăm vận động viên trong và ngoài tỉnh, thậm chí cả vận động viên nước ngoài tham gia hàng năm.
Năm 2021, Bát Xát đón 37.000 lượt du khách, trong đó có 8.000 lượt khách leo núi. 6 tháng đầu năm, địa phương đón khoảng 50.000 lượt khách, trong đó có trên 4.000 lượt khách tham gia các hình thức du lịch thể thao như: leo núi, đua xe. Dự kiến, tháng 9/2022, trong khuôn khổ Lễ hội mùa Thu, huyện sẽ tổ chức Giải bán Marathon “Về thượng nguồn Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Đây là cơ hội để địa phương quảng bá cảnh đẹp thiên nhiên, tăng lượng khách du lịch ưa thể thao khám phá.
Nhắc đến du lịch thể thao không thể bỏ qua Giải đua ngựa truyền thống trên cao nguyên trắng Bắc Hà - điểm nhấn thu hút du khách đến với địa phương. Trong 9 ngày diễn ra Festival (từ ngày 4-12/6), Bắc Hà đã thu hút được trên 60.000 lượt khách du lịch. Riêng vòng chung kết, Giải đua ngựa Bắc Hà lần thứ 15 có khoảng 15.000 lượt khách đến xem, cổ vũ. Sau cả 2 vòng đua (từ vòng loại đến vòng chung kết), địa phương bán ra được trên 11.000 vé xem, đạt gần 90% số lượng vé phát ra.
Tăng thu nhập cho người dân địa phương
Loại hình du lịch thể thao chinh phục các đỉnh núi cao, các cung đường đẹp ngày càng phát triển không chỉ giúp du khách có cơ hội khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, mà chính người dân địa phương cũng được hưởng lợi bằng việc cung cấp các dịch vụ du lịch cộng đồng.
Thường xuyên tham gia các giải leo núi, chị Cao Hương (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) cho biết, du lịch thể thao giúp chị rèn luyện sức khỏe, khám phá bản thân. Trên các chặng đường đó, điều thú vị, ấn tượng là được trải nghiệm không khí các chợ phiên như: Mường Hum, Bản Xèo, Y Tý, Trịnh Tường - những nơi còn lưu giữ được bản sắc độc đáo riêng của các dân tộc thiểu số. Ngoài ra, thôn San Lùng (Bản Xèo), làng nghề nấu rượu thóc truyền thống nổi tiếng của dân tộc Dao đỏ, Mường Hum nổi tiếng với nghề chạm Bạc, điểm du lịch cộng đồng thôn Choản Thèn và các lễ hội của người Hà Nhì (Y Tý)… đều là những địa danh được ưa thích trong hội nhóm những người thích du lịch thể thao khi đến với Bát Xát. Bởi vì, tham dự vào những sinh hoạt mang tính cộng đồng ấy là cách để du khách trải nghiệm cuộc sống vùng cao Bát Xát chân thực nhất.
6 tháng đầu năm, tổng doanh thu du lịch của huyện Bát Xát đạt gần 60 tỷ đồng. Huyện hiện có 49 cơ sở lưu trú du lịch, 6 điểm du lịch được công nhận. Số lao động trực tiếp và gián tiếp trong lĩnh vực du lịch của địa phương là khoảng 600 người, chủ yếu làm việc tại các nhà nghỉ, homestay và người dân mang vác đồ cho khách leo núi… Anh Sùng A Trừ, chủ một lán nghỉ trên núi Ky Quan San cho biết: Nhờ phục vụ du khách leo núi, gia đình anh có thêm thu nhập. Mỗi du khách nghỉ tại lán sẽ trả tiền ngủ 100.000 đồng/tối và tiền ăn, uống theo nhu cầu. Tùy theo lượng khách, trừ các chi phí, thu nhập của chủ lán mỗi tháng có thể được từ 5 -7 triệu đồng, có khi được chục triệu đồng. Du lịch phát triển cũng góp phần giúp người dân bản địa nâng cao nhận thức, chuyển dần từ làm nông nghiệp sang phát triển du lịch, dịch vụ; có ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để thu hút du khách.
Tại Bắc Hà, mỗi năm, Giải đua ngựa thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước theo dõi, mang lại nguồn thu không nhỏ cho địa phương. Huyện đang chuẩn bị cho ra mắt 8 tour du lịch với nhiều thời lượng khác nhau như: 3 giờ, 1/2 ngày, 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày kết hợp nhiều loại phương tiện như: đi bộ, xe đạp, ô tô, cano, chạy bộ, cưỡi ngựa... để du khách lựa chọn theo sở thích. Đây là một trong những dự án của chương trình hợp tác giữa vùng Nouvelle-Aquitaine (Cộng hòa Pháp) và tỉnh Lào Cai với nhằm tạo công việc, nguồn thu nhập cho người dân bản địa khi tham gia vào công tác cung ứng dịch vụ du lịch, nhân sự trong quá trình tổ chức khai thác các sản phẩm du lịch thể thao.
Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai Hà Văn Thắng cho biết, Sở đã và đang phối hợp cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu tham mưu xây dựng Khung chiến lược phát triển du lịch Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng đến năm 2050, Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực. Trong đó, Bát Xát và Bắc Hà được định hướng phát triển theo tiêu chuẩn du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) với nội dung cốt lõi là du lịch xanh gồm những sản phẩm được tạo ra từ các thành tố thích ứng, hòa hợp và thân thiện với môi trường, đem đến những giải pháp an toàn với môi trường tự nhiên, môi trường sống, sức khỏe của cộng đồng cư trú và du khách.
Hương Thu