Rau xanh tại chợ tăng giá gấp đôi, rau tại siêu thị giảm giá
Giá rau xanh tại Hà Nội sau Tết tăng cao. Ghi nhận của PV Báo Giao Thông tại một số chợ truyền thống, dân sinh tại Hà Nội vào ngày mồng 6 Tết, các mặt hàng rau xanh đắt khách, giá rau xanh bán lẻ tăng gấp đôi, thậm chí có loại tăng gấp ba so với ngày thường.
Cụ thể, bắp cải tăng giá gấp đôi, lên 15-10 nghìn đồng/kg; cải cúc, cải xanh, rau muống... từ 10-12 nghìn đồng/mớ, tăng từ 5-7 nghìn đồng/mớ); mỗi kg cà chua tăng lên 30.000 đồng, tăng gấp đôi ngày thường; rau cần tăng mạnh nhất từ 7 nghìn đồng lên 20 nghìn đồng/mớ… Một số tiểu thương cho biết, sau Tết, do nguồn cung hạn chế, cộng với thời tiết ở Hà Nội lạnh sâu và người bán không nhiều nên giá rau xanh tăng giá mạnh.
Rau củ quả đắt hàng sau Tết |
Trong khi đó, tại siêu thị, giá rau củ không neo cao sau Tết. Báo Tiền Phong cho hay, ngày 5/2 (mùng 5 Tết), các chợ, siêu thị tại TP.HCM đã mở cửa hoạt động bình thường. Tại các siêu thị lớn, rau củ quả không neo giá Tết mà đã trở lại bình thường, thậm chí còn rẻ hơn so với chợ. Đơn cử, cải thảo Đà Lạt 25.000 đồng/kg, đậu cove Đà Lạt 9.000 đồng/túi, rau muống 25.000 đồng/bó, khoai lang mật 27.000 đồng/kg...
Cá tôm rẻ hơn trước Tết
Thuỷ hải sản sau Tết thường tăng giá dựng đứng vì nhiều người chọn mua ăn giải ngấy sau nhiều cỗ toàn giò chả, bánh chưng. Song theo ghi nhận của PV VietNamNet tại một số chợ dân sinh vào sáng 3/2 (mùng 3 Tết Nhâm Dần), giá cá tôm còn rẻ hơn trước Tết khiến nhiều người bất ngờ, cảm thấy quá lạ. Anh Dũng bán cá tại chợ Phùng Khoang cho biết, cá trắm to chỉ 70.000 đồng/kg, chép giòn 140.000 đồng/kg, tôm giá dao động từ 350.000-450.000 đồng/kg tuỳ kích cỡ.
Các mặt hàng tiểu thương bán nhiều nhất ngày mùng 3 Tết là rau củ quả, đậu phụ,... Giá các mặt hàng đều ổn định, gần như không tăng. Giá thịt lợn cũng không tăng so với thời điểm trước Tết.
Cua, ghẹ khan hiếm, giá tăng cao
Giá cua, ghẹ tại TP.HCM đang tăng cao. Zing cho biết, tại một số cửa hàng hải sản ở TP.HCM, giá cua thịt Cà Mau loại lớn ở mức 800.000-900.000 đồng/kg, loại vừa 680.000-750.000 đồng/kg, loại nhỏ gần 600.000 đồng/kg, cua gạch 1 triệu đồng/kg; giá ghẹ loại 1-2 khoảng 800.000-900.000 đồng/kg. Những mức giá này cao hơn khoảng 30-40% so với cách đây 2-3 tháng. Dù giá cao nhưng nhiều cửa hàng không nhập được cua, ghẹ để bán.
Cua, ghẹ tăng giá dịp Tết. |
Trong khi đó, tại các tỉnh miền Tây, trong ngày cuối của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều loại thủy, hải sản hút hàng nhưng giá chỉ tăng nhẹ. Tôm càng xanh loại 5-6 con giá 400.000 đồng/kg, tăng 50.000 đồng so với tuần trước. Tôm sú tươi sống loại 10 con giá 500.000 đồng/kg, loại 15 con giá gần 400.000 đồng/kg.
Dưa hấu giá cao vẫn 'cháy hàng'
Trong đêm 28 Tết, dưa hấu tại một số tuyến đường ở TP.HCM bất ngờ “cháy hàng”. Theo Công An Nhân Dân, chỉ trong vài giờ đồng hồ, hàng chục tấn dưa hấu các loại được người dân mua sạch, dù giá cao ngất, tới 25.000-30.000 đồng/kg.
Một người buôn bán dưa hấu cho hay, năm nay dịch bệnh, người trồng dưa thu nhỏ diện tích lại, thương lái cũng không lấy nhiều như những năm trước nên dưa hấu bất ngờ hút hàng.
Sau Tết, giá vé máy bay tăng cao, hơn chục triệu đồng/chiều
Trước Tết Nguyên đán, giá vé máy bay khá rẻ. Giá vé máy bay chặng TP.Hồ Chí Minh - Hà Nội của nhiều hãng chỉ 1,17 triệu đồng/vé/chiều. Nhưng sau Tết, giá vé máy bay tăng chóng mặt.
Lượng khách đi máy bay sau Tết vào các tỉnh phía Nam tăng cao |
Trên trang web của Vietnam Airlines, toàn bộ vé các hạng phổ thông, phổ thông linh hoạt trên khoảng 20 chuyến bay chặng Hà Nội - TP.HCM ngày 5/2 đều báo hết, chỉ còn vé hạng thương gia với giá thấp nhất gần 8,7 triệu đồng/chiều, cao nhất hơn 10 triệu đồng/chiều. Tương tự, chặng Hà Nội – TP.HCM của Bamboo Airways hết vé phổ thông từ ngày 6-8/2, chỉ còn ở hạng thương gia. Nhiều hãng khác cũng khan hiếm vé phổ thông chặng Hà Nội – TP.HCM.
Đại diện các hãng hàng không cho biết, do nhu cầu đi lại của hành khách tăng đột biến theo hướng một chiều nên giá vé phải tăng cao để các hãng bù chi phí. Ngoài ra, các hãng cũng phải tăng thêm chi phí phòng dịch nên giá vé máy bay tăng cao so với trước.
Hàng quán phục vụ Tết: Nơi phụ thu, nơi giảm giá
Do có ít quán xá mở bán vào dịp Tết nên khách hàng thường bị "chặt chém". Tuy nhiên, năm nay, theo Báo Người Lao Động, nhiều cửa hàng giữ giá, thậm chí giảm giá để kích cầu.
Nhiều cửa hàng tại TP.HCM phụ thu trên hóa đơn mua hàng, phổ biến ở mức 10-15% với lý do trả lương nhân viên ngày Tết cao. Tuy nhiên, một vài cửa hàng có mức phụ thu khá cao, bị khách hàng phản ứng gay gắt. Chẳng hạn, một quán cà phê ở TP.HCM tính thuế VAT tới... 100%.
Còn tại Hà Nội, các hàng quán đồng loạt mở bán từ ngày mùng 2 Tết. Các quán bún, phở... đều tăng giá khoảng 20-25% với lý do "giá Tết" nhưng khách tới ăn vẫn khá vui vẻ. Song một số quán tính giá hay phụ thu quá cao khiến nhiều người bất bình. Đơn cử, một quán cà phê ở Hà Nội thu của khách hàng 50% phí dịch vụ hay một quán bún riêu ở phố cổ Hà Nội hét giá 100.000 đồng/bát.
Giá gas tăng cao từ mùng 1 Tết
Do giá gas thế giới nhập khẩu tăng mạnh khiến giá gas trong nước tăng theo từ ngày 1/2, tức mùng 1 Tết. Mức tăng phổ biến là 16.000 đồng/bình 12 kg, tương đương mức tăng 1.333 đồng mỗi kg.
Gas lại tăng giá |
Theo đó, giá gas bán lẻ đến người tiêu dùng khu vực TP HCM một số thương hiệu như sau: Saigon Petro 460.000 đồng/bình 12 kg (màu xám), PetroVietnam gas 461.900 đồng/bình 12 kg,… Như vậy, sau 2 tháng giảm giá (tháng 12/2021 và tháng 1/2022) với tổng mức giảm là 34.500 đồng/bình 12 kg, giá gas đã quay đầu tăng.
Giá lợn hơi tăng lên mức cao
Sau Tết, giá lợn hơi trên cả nước tiếp tục tăng cao. Báo Dân Việt phản ánh, ngày 6/2, giá lợn hơi tiếp đà tăng khi giao dịch cao hơn từ 1.000-2.000 đồng/kg. Tại miền Bắc, giá lợn hơi trong khoảng 57.000-59.000 đồng/kg. Tại miền Trung, Tây Nguyên, mức giá lợn hơi thấp nhất là 56.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá lợn hơi dao động từ 55.000-58.000 đồng/kg.
Tại các công ty thực phẩm, giá lợn thương phẩm hiện đang được bán trong khoảng 63.000-195.000 đồng/kg.
Hạnh Nguyên(Tổng hợp)