Lãnh đạo TPHCM: Nông dân chịu khổ cực nhưng người khác lại hưởng lợi

Q.Huy| 13/09/2023 15:49

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM nêu thực trạng, nông dân chịu khổ cực sản xuất nhưng không tiếp cận được thị trường. Người tiêu dùng trả giá cao cho sản phẩm nhưng người hưởng lợi lại là phía trung gian.

Ngày 13/9, UBND TPHCM tổ chức chương trình lãnh đạo thành phố gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân thành phố năm 2023. Sự kiện có sự tham dự của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM; ông Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM và bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, cùng 100 đại biểu là đại diện hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và cán bộ, hội viên Hội Nông dân trên địa bàn.

Qua các ý kiến đóng góp tại hội nghị, ông Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, ghi nhận các kết quả mà hội viên Hội Nông dân thành phố đạt được trong sản xuất, kinh doanh, nhất là thời điểm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Lãnh đạo TPHCM khẳng định sẽ chỉ đạo các sở, ngành sớm giải quyết kiến nghị, giải pháp đưa ra tại buổi đối thoại.

Lãnh đạo TPHCM: Nông dân chịu khổ cực nhưng người khác lại hưởng lợi - 1

Ông Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Hoàng Quy).

Trong số các vấn đề chính được lưu ý, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành cần nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết 98 về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù để hướng dẫn thực hiện thí điểm xây dựng công trình phụ trợ sản xuất nông nghiệp.

Ông Hồ Hải điểm lại, vấn đề lợi dụng, biến tướng trong chính sách xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp đã phát sinh từ trước khi địa phương thực hiện thí điểm. Một số trường hợp, thành phố đã xử lý đến cán bộ lãnh đạo quận, huyện liên quan đến vấn đề này.

"Có những công trình biến tướng đến thời điểm này không thể và chưa thể khắc phục. Đơn cử như khi có phong trào trồng lan, các nhà lưới biến tướng thành khu nhà trọ", ông Hồ Hải nêu rõ.

Lãnh đạo TPHCM cũng đặt câu hỏi về việc, trên địa bàn có bao nhiêu thửa đất là đất nông nghiệp trên giấy nhưng ngoài thực địa lại là đất khác. Để giải quyết vấn đề về hiệu quả sử dụng đất và mâu thuẫn xã hội, trước tiên, thành phố chỉ cần để quy hoạch đất nông nghiệp, hiện trạng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân trùng khớp.

"Rất nhiều nơi quy hoạch đất nông nghiệp, trên giấy là đất nông nghiệp nhưng hiện trạng không thể canh tác mà có thể làm việc khác, tạo ra giá trị gấp nhiều lần. Cũng có người muốn làm nông nghiệp nhưng xung quanh họ không thể làm. Đó là mâu thuẫn của xã hội, chúng ta cần có chính sách quản lý, khai thác hiệu quả", ông Hồ Hải phân tích.

Lãnh đạo TPHCM: Nông dân chịu khổ cực nhưng người khác lại hưởng lợi - 2

Sự kiện có sự tham dự của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM (Ảnh: Hoàng Quy).

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cũng chia sẻ, diện tích đất nông nghiệp ở địa phương không lớn. Tuy nhiên, điều cần suy nghĩ là mỗi mét vuông đất nông nghiệp của địa phương sẽ sinh ra bao nhiêu tiền.

Vị lãnh đạo thành phố cũng chia sẻ, ông thấu cảm với những khổ cực của người nông dân "một nắng hai sương", phải chịu nhiều thua thiệt. Người nông dân có thể sản xuất được sản phẩm nhưng không tiếp cận được thị trường. Qua một vài chặng trong khâu phân phối, người tiêu dùng phải trả giá cao cho sản phẩm, nhưng người hưởng lợi lại là phía trung gian.

"Tôi mong muốn cần làm thế nào đó để người nông dân thành phố có thể làm giàu trên mảnh đất của mình chứ không phải thoát nghèo nữa. Người nông dân có thể sản xuất nông nghiệp thật sự, sống và làm giàu trên mảnh đất của mình", Phó Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ.

Bài liên quan
  • TPHCM sẽ cho nông dân đi du học?
    TPHCM dự kiến đưa 80-90 người đi học tập, trao đổi kinh nghiệm giới thiệu tiềm năng sản xuất nông nghiệp của TPHCM tại các nước có nền sản xuất nông nghiệp phát triển tương đồng giai đoạn 2023-2025.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lãnh đạo TPHCM: Nông dân chịu khổ cực nhưng người khác lại hưởng lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO