Chính phủ Mỹ đang có mối lo ngại lớn về TikTok khi yêu cầu tất cả nhân viên liên bang xóa ứng dụng này khỏi điện thoại di động do chính phủ cấp. Các chính phủ phương Tây khác cũng ban hành các lệnh cấm tương tự với lý do lo ngại về bảo mật thông tin, theo hãng tin AP.
Xem thêm: Hướng dẫn bán hàng trên TikTok nổ trăm đơn chỉ với 4 bước đơn giản
Chính phủ nhiều nước yêu cầu nhân viên xóa TikTok khỏi các thiết bị do chính phủ cấp. Ảnh: AP |
Các nước nào cấm TikTok?
Ngày 27-2, Nhà Trắng cho biết họ sẽ cho các cơ quan liên bang 30 ngày để xóa TikTok khỏi tất cả thiết bị di động do chính phủ cấp. Trước đó, quốc hội, Nhà Trắng, lực lượng vũ trang Mỹ và hơn một nửa số bang của nước này đã cấm TikTok trong bối cảnh lo ngại dữ liệu người dùng bị lộ. Đồng thời, giới chức Mỹ cũng cho rằng TikTok có thể được sử dụng như một công cụ lan truyền các thông tin mà nước này cho rằng sai lệch.
Ủy ban châu Âu đã tạm thời cấm TikTok trên điện thoại của nhân viên. Trong khi đó, Đan Mạch và Canada cũng yêu cầu không cài đặt TikTok trên điện thoại do chính phủ cấp.
Trước hành động trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc (TQ) ngày 28-2 cáo buộc Mỹ đang mở rộng quá mức khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng quyền lực nhà nước để áp chế các công ty nước ngoài.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 28-2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Mao Ninh nói: “Siêu cường hàng đầu thế giới không tự tin đến mức nào mà lại sợ một ứng dụng yêu thích của giới trẻ như vậy?”
“Mỹ đã quá phóng đại khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng quyền lực nhà nước để áp chế các công ty nước ngoài. Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động sai trái đó” - bà nói thêm.
Xem thêm: TikTok Shop tràn lan hàng giả, người bán đủ chiêu trò qua mắt nền tảng
Trụ sở chính của TikTok tại Mỹ, ở thành phố Culver, California. Ảnh: REUTERS |
Ai là người khởi xướng ý tưởng cấm TikTok?
Vào năm 2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền của ông đã tìm cách buộc ByteDance (công ty mẹ của TikTok) bán bớt tài sản ở Mỹ và cấm TikTok trên các cửa hàng ứng dụng.
Các tòa án sau đó đã không ủng hộ của đề nghị của ông Trump. Tổng thống Joe Biden khi lên điều hành nước Mỹ cũng đã hủy bỏ các mệnh lệnh của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, ông Biden cũng ra lệnh nghiên cứu sâu thêm về vấn đề này. Kế hoạch bán tài sản của TikTok tại Mỹ sau đó đã bị hoãn lại.
Tại quốc hội Mỹ, các nhà lập pháp của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đều thể hiện mối quan ngại về ứng dụng này. Tháng 12-2022, quốc hội Mỹ đã thông qua “Đạo luật không có TikTok trên các thiết bị của chính phủ”. Theo đó, luật này cho phép các cơ quan sử dụng TikTok trong một số trường hợp nhất định, bao gồm mục đích nghiên cứu, an ninh quốc gia và thực thi pháp luật.
Các đảng viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện dự kiến xúc tiến dự luật mới vào ngày 28-2, cho phép ông Biden có quyền cấm TikTok trên toàn quốc. Đạo luật do Hạ nghị sĩ Mike McCaul đề xuất, được cho là có thể giúp chính quyền ông Biden tránh được những rào cản trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với công ty mẹ của TikTok.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là người khởi động các lệnh cấm TikTok. Ảnh: CNN |
Các chính trị gia, chuyên gia nói gì về TikTok?
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Lisa Monaco đã bày tỏ lo ngại TikTok có thể thu thập dữ liệu người dùng.
“Tôi không sử dụng TikTok và tôi sẽ khuyên mọi người không sử dụng nó”, bà Monaco nói hồi đầu tháng 2.
Trong một thông báo vào tháng 6-2022, TikTok cho biết họ sẽ chuyển tất cả dữ liệu của người dùng Mỹ về máy chủ do công ty Oracle ở Thung lũng Silicon kiểm soát.
Tuy nhiên, TikTok vẫn còn đang lưu trữ các bản sao lưu dữ liệu người dùng trong các máy chủ của họ ở Mỹ và Singapore. Công ty này cho biết họ dự kiến xóa dữ liệu người dùng Mỹ khỏi máy chủ của mình, nhưng không đề cập cụ thể về thời gian làm điều này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết lượng thông tin mà TikTok thu thập có thể không khác nhiều so với các trang mạng xã hội khác.
Trong một phân tích được công bố vào năm 2021, ĐH Toronto (Canada) cho biết TikTok và Facebook thu thập lượng dữ liệu người dùng tương tự nhau. Các dữ liệu mà những trang mạng xã hội này thu thập được là thông tin có giá trị cho các nhà quảng cáo.
“Nếu bạn không cảm thấy thoải mái với mức độ thu thập và chia sẻ dữ liệu đó, bạn nên tránh sử dụng TikTok”, báo cáo của ĐH Toronto khuyến nghị.
Bà Evan Greer, giám đốc của nhóm vận động phi lợi nhuận Fight for the Future, cho rằng: “Nếu các nhà hoạch định chính sách muốn bảo vệ người Mỹ khỏi bị giám sát, họ nên ủng hộ luật riêng tư cơ bản và cấm tất cả công ty thu thập nhiều dữ liệu nhạy cảm về chúng ta ngay từ đầu. Hành động hiện tại không có tác dụng gì bảo vệ bất cứ ai”.
Tuy nhiên, một số người khác cho rằng có lý do chính đáng để lo lắng về TikTok.
Ông Anton Dahbura, giám đốc điều hành của Viện An ninh Thông tin - ĐH Johns Hopkins (Mỹ), cho rằng thông tin quan trọng không chỉ là về các nhà máy điện hạt nhân hay cơ sở quân sự, nó còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như chế biến thực phẩm, tài chính và thông tin của các trường đại học.
TikTok dần trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà sáng tạo nội dung video ngắn. Ảnh: BBC |
TikTok nói gì?
Chưa rõ lệnh cấm TikTok trên các thiết bị điện tử của chính phủ có thể ảnh hưởng ra sao đến công ty này. Bà Oberwetter, người phát ngôn của TikTok, cho biết họ “không có cách nào” để biết liệu người dùng có phải là nhân viên chính phủ hay không.
Công ty này cho rằng họ không được có cơ hội giải thích những điểm thắc mắc của các chính phủ. Đồng thời, TikTok nhấn mạnh các chính phủ đang tự cô lập mình khỏi một nền tảng được hàng triệu người yêu thích.
Bà Oberwetter nói: “Những lệnh cấm này không khác gì là một bước đi chính trị”.
Theo AP, Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew sẽ ra điều trần vào trước quốc hội Mỹ vào tháng 3. Theo đó, Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện sẽ hỏi về các hoạt động bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư và mối quan hệ của công ty này với các bên khác.