Đóng cửa phiên cuối tuần (17/12), cổ phiếu LCM của CTCP Khai thác và Chế biến khoáng sản Lào Cai tiếp tục tăng trần để đóng cửa tuần ở mức giá 6.900 đồng/c. Đây là phiên tăng giá thứ 5 liên tiếp của LCM và cổ phiếu này đã có tới 4 phiên tăng trần trong chuỗi 5 phiên tăng giá trên. Qua đó, giá của LCM đã tăng thêm 32,69% trong tuần qua. Diễn biến gần đây cho thấy dấu hiệu của một “hiện tượng mới” trên thị trường chứng khoán.
Dù cổ phiếu chỉ nhỉnh hơn ly trà đá, nhưng mức giá 6.900 đồng của hiện tại cũng đã là mức đỉnh của LCM kể từ tháng 5/2014. Thậm chí, cổ phiếu này từng trải qua 3 năm liên tiếp (từ đầu năm 2018 đến hết năm 2020) giao dịch dưới mức giá 1.000 đồng, phổ biến ở mức giá 600 – 700 đồng/cp.
Đáng chú ý, cổ phiếu LCM bị HOSE đưa vào diện kiểm soát từ tháng 4/2017 do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ bị âm. Cụ thể, ngày 05/04/2017, HOSE đưa cổ phiếu LCM chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 13/04/2017 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2015 là -31.411.518.616 đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là -8.858.431.983 đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2016 là -40.269.950.599 đồng. Ngày 28/8/2021, HOSE đã nhận được báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2021. Sau khi xem xét, HOSE tiếp tục giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu LCM và việc xem xét xử lý tiếp theo sẽ được căn cứ vào báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của công ty.
Khoáng sản Lào Cai hoạt động thua lỗ và nợ thuế. |
Kết thúc quý 3/2021, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ chỉ đạt 187 triệu đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất cũng giảm 21% so với cùng kỳ, đạt 736 triệu đồng.
Giải trình về kết quả kinh doanh nói trên, LCM cho biết quý 3 công ty có chi phí quản lý doanh nghiệp cao, trong khi doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ thấp hơn so với cùng kỳ.
Tại ĐHCĐ năm 2021, LCM đặt mục tiêu doanh thu năm nay từ 20-50 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 2-5 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh bết bát, HĐQT và Ban Kiểm soát chỉ nhận thù lao mỗi người vỏn vẹn 1 triệu đồng/tháng. Trường hợp công ty không hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh như đại hội đề ra, các thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát sẽ nhận mức thù lao 0 đồng như đã từng thực hiện trong năm 2020.
Hiện HĐQT của LCM có 5 thành viên do ông Vũ Đình Vinh làm Chủ tịch HĐQT, trong khi Ban Kiểm soát có 3 thành viên do ông Nhữ Ngọc Quang làm Trưởng ban.
Theo cập nhật đến ngày 30/06, ông Vũ Đình Vinh hiện không sở hữu cổ phiếu nào tại công ty. Ông Vinh mới chỉ đảm nhận ghế Chủ tịch từ tháng 6/2021. Trong khi đó, người tiền nhiệm của ông Vinh là ông Nguyễn Khắc Kim, hiện là thành viên HĐQT, nắm giữ 15.000 cổ phiếu LCM, tương ứng 0,06% vốn điều lệ. Ông Nguyễn Đức Thắng, Tổng Giám đốc công ty, nắm giữ 14.000 cổ phiếu. Cổ đông cá nhân lớn nhất tại LCM là ông Lê Tuấn Điệp với 1,79 triệu cổ phiếu, tương ứng 7,30% vốn điều lệ. Tuy nhiên, ông Điệp không có tên trong HĐQT của công ty.
CTCP Khai thác và Chế biến khoáng sản Lào Cai tiền thân là Công ty TNHH Gia Long được thành lập từ năm 2002, sau đó được đổi tên thành Công ty CP Khai thác và Chế biến khoáng sản Lào Cai. Các sản phẩm truyền thống của Công ty bao gồm: Tinh quặng chì kẽm Pb, Zn> 55%; Vàng thương phẩm 99,9%; Tinh quặng sắt kích cỡ từ 0.1mm đến 1mm; Đá xây dựng các loại; Phân bón và hóa chất (soda, kẽm sunfat, đồng sunfat).
Những thông tin về doanh nghiệp này rất hiếm khi xuất hiện trên truyền thông. Thậm chí website của doanh nghiệp từ lâu đã không thể truy cập.
Đáng chú ý, theo báo cáo Cục Hải quan tỉnh Lào Cai về 53 doanh nghiệp nợ cưỡng chế thuế XNK tính tới tháng 4/2021 trên địa bàn tỉnh này, Công ty CP Khai thác và Chế biến khoáng sản Lào Cai nợ cưỡng chế trên 67,48 tỷ đồng, đứng đầu danh sách các doanh nghiệp nợ thuế tại Lào Cai.
Hiền Anh