Trả lời câu hỏi của Zing về trách nhiệm của Bộ GTVT trong việc xử lý 4 tiếp viên "xách tay" 327 tuýp kem đánh răng và 17 chai nước súc miệng (bên trong chứa ma túy) từ nước ngoài về Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn khẳng định sai phạm sẽ phải được xử lý. Bộ GTVT đã giao trách nhiệm này cho Cục Hàng không.
Theo Thông tư 13/2019, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Hải quan trong việc phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép trên các chuyến bay quốc tế; chỉ đạo việc bố trí thiết bị soi chiếu chung giữa lực lượng kiểm soát an ninh hàng không và hải quan.
"Sai phạm phải xử lý"
Đề cập đến trách nhiệm của hãng hàng không khi để xảy ra vụ việc, ông Lê Anh Tuấn cho biết Vietnam Airlines hiện nay không còn thuộc Bộ GTVT mà thuộc Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
"Các cán bộ, nhân viên và cả tổ chức trong triển khai đều phải thực hiện nghiêm theo pháp luật. Sai phạm phải xử lý. Bộ đã giao Cục Hàng không có chỉ thị yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm và phải kiểm tra kết quả thực hiện theo quy định", thứ trưởng Lê Anh Tuấn khẳng định.
Nhóm tiếp viên Vietnam Airlines mang hàng hóa chứa ma túy từ Pháp về Việt Nam. Ảnh: Hải quan TP.HCM. |
Cùng ngày, Zing trao đổi với một lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT). Vị này cho biết phía Hải quan TP.HCM đến nay chưa thông báo cho Bộ GTVT biết thông tin cụ thể về hành vi của nhóm tiếp viên này nên phía Bộ cũng chưa có cơ sở để báo cáo Ban chỉ đạo 389.
Liên quan đến công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực vận tải, lãnh đạo Vụ Vận tải cho biết thời gian qua Bộ GTVT có những chỉ đạo thường xuyên, tuy nhiên do "lòng tham" nên vẫn có trường hợp vi phạm.
Hiện nay, Vietnam Airlines đã tạm đình chỉ công tác với 4 tiếp viên mang chất cấm từ Pháp về Việt Nam. Sau khi các tiếp viên được cơ quan điều tra trả tự do, hãng chưa thông báo thêm về hướng xử lý tiếp theo.
Luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch) nhận định khi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, 4 tiếp viên này vẫn phải đối mặt với 2 nấc chế tài ở mức thấp hơn như quy định xử phạt hành chính có liên quan và nội quy lao động của hãng hàng không.
Trách nhiệm của hãng hàng không
Trao đổi với Zing, lãnh đạo Phòng an ninh hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết Thông tư 46/2013 ra đời là để trao thẩm quyền cho người sử dụng lao động, cụ thể ở đây là hãng hàng không, trong việc xử lý những vi phạm của nhân viên. Cục Hàng không chịu trách nhiệm quán xuyến việc thực thi thông tư nhưng vai trò của hãng hàng không là trước hết.
Vietnam Airlines yêu cầu tổ bay không vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không mang hộ hàng hóa, hành lý trên các chuyến bay của hãng. Ảnh: Ngọc Tân. |
Ngày 20/6/2022, ngay sau vụ 9 tiếp viên Vietnam Airlines bị nhà chức trách sân bay Melbourne (Australia) giữ lại vì mang theo lượng ngoại tệ lớn, Cục Hàng không ban hành chỉ thị 2677 về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại của các thành viên tổ bay của hãng hàng không. Đây là chỉ thị gần nhất liên quan đến hoạt động chống buôn lậu của ngành, bên cạnh các kế hoạch cụ thể được ban hành vào mỗi dịu lễ tết, cao điểm đi lại.
Chỉ thị 2677 một lần nữa yêu cầu các hãng hàng không nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đồng thời, các hãng phải thực hiện nghiêm quy định tại Thông tư 46/2013: Không sử dụng làm việc tại vị trí nhân viên hàng không ở bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng đối với các trường hợp 'Lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa".
"Câu hỏi đặt ra là Vietnam Airlines đã thực hiện chỉ thị này thế nào? Có bao nhiêu nhân viên của hãng đã bị thôi việc sau khi vi phạm? Chỉ thị có rồi nhưng vẫn để xảy ra vụ việc, xong vẫn nhận thành tích, vẫn khen thưởng", lãnh đạo Phòng Anh ninh hàng không chia sẻ và cho biết gần một năm sau khi biên soạn chỉ thị 2677, ông đang phải ngồi soạn dự thảo chỉ thị tiếp theo với mục đích tương tự chỉ thị cũ.
Trước đó, Vietnam Airlines khẳng định đã quán triệt đến toàn thể người lao động, đặc biệt là phi công, tiếp viên các chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Hàng không về phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép, gian lận thương mại... hãng yêu cầu tổ bay không vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, đồng thời không mang hộ hàng hóa và hành lý trên các chuyến bay.
Tại họp báo chiều 23/3, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết việc khởi tố hành vi vi phạm pháp luật phải đảm bảo các yếu tố cấu thành. Tuy nhiên trong sự việc 4 nữ tiếp viên, yếu tố lỗi về mặt chủ quan tội phạm chưa được chứng minh. Quá trình thu nhập tài liệu, cơ quan điều tra không chứng minh được căn cứ này nên không đủ cơ sở khởi tố bị can.
"Nếu các tiếp viên ý thức đó là vận chuyển ma túy sẽ không nhận tiền vận chuyển (10 triệu đồng) bằng giá vận chuyển hàng tiêu dùng (kem đánh răng)", thượng tá Hà phân tích và cho biết sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra và khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chứng cứ khác, cơ quan sẽ tiến hành biện pháp điều tra làm rõ.