Làng nhang Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TPHCM) là một trong những làng nghề sản xuất nhang lâu đời nhất khu vực Nam Bộ với tuổi đời gần 100 năm. Người dân ở đây sản xuất quanh năm, tập trung vụ chính vào các dịp lễ lớn như Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, rằm tháng 7... Làng nhang Lê Minh Xuân được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2012.
Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay các hộ làm nhang tại xã Lê Minh Xuân cũng dần thưa thớt. Tuy nhiên, dọc tuyến đường Mai Bá Hương (huyện Bình Chánh) vẫn còn nhiều hộ bám nghề, gìn giữ truyền thống làm nhang của gia đình.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (52 tuổi) làm nhang thuê hơn chục năm cho biết, nguyên liệu được đưa đến giao tại nhà hàng tuần, bà làm ra thành phẩm rồi giao lại cho chủ. Mỗi thiên nhang (1.000 cây nhang) bà được trả thù lao 4.500 đồng, mỗi ngày bà Thúy làm ra được chừng 100 thiên.
"Nghề này bấp bênh nhưng bây giờ tôi già rồi, không làm nhang thì biết làm gì để kiếm tiền", bà Thúy (52 tuổi) nói.
Để làm ra một cây nhang chất lượng, người làm nghề sử dụng bột được làm từ mùn cưa của thân cây bầu dó, lồng mức hoặc mạt cưa gỗ trộn thêm keo để kết dính. Tùy vào nhu cầu khách hàng mà có thể trộn thêm hương trầm, hương quế… giá mỗi thiên nhang dao động 27.000 - 47.000 đồng/thiên.
Hiện đa phần các hộ làm nhang tại đây đều áp dụng máy móc vào việc sản xuất giúp tăng năng suất, cây nhang làm bằng máy sẽ đồng đều, đẹp và có chất lượng cao.
Bên cạnh những hộ làm nghề quy mô lớn, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ vẫn tận dụng nắng tự nhiên để phơi khô nhang mà không dùng máy sấy.
"Phơi nhang mất nhiều thời gian, công sức hơn so với việc sấy nhang bằng máy, khi phơi cũng phải theo dõi kĩ để nhang không bị cháy khi ở ngoài nắng quá lâu", bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ (55 tuổi) cho biết.
Để làm ra một nén nhang, trước tiên phải làm chân nhang, sau đó nhúng sơn đỏ vào một phần phía dưới rồi đem đi phơi nắng, tiếp đó là khâu nghiền bột, trộn bột nhang, se nhang, phơi khô và đóng gói.
Những tháng cận Tết, công việc của những người công nhân thường bắt đầu từ 3h sáng đến tận đêm muộn. Thù lao cho mỗi ngày làm việc thường rơi vào khoảng 300.000 đồng.
Tương tự ở cơ sở sản xuất của ông Hoàng Văn Long (53 tuổi) cũng có gần chục công nhân đang tất bật làm việc. Ông Long cho biết, những ngày cuối năm, đơn hàng đi các tỉnh nhiều nên gia đình ông phải thuê thêm thợ nhằm đảm bảo số lượng.
Bà Đỗ Thị Thanh Ngà (65 tuổi) làm thuê tại cơ sở của ông Long cho biết những năm trở lại đây, số hộ làm nhang tại xã này đã giảm đi rất nhiều, đa phần những người còn theo nghề đều đã quá tuổi lao động.
"Năm nay tôi đã ngoài 60, sức khỏe cũng không đủ để làm từ sáng đến tối được, tranh thủ dậy sớm làm đến 9,10h là nghỉ, kiếm ít tiền để trang trải cuộc sống", bà Ngà nói.
"Trước đây tôi làm công nhân may, nhưng sau dịch công ty cắt giảm nhân sự, tôi phải về nhà và học làm nhang. Tuy thu nhập không cao nhưng ở thời điểm này có việc làm để kiếm ra tiền, vừa có thể chăm con nhỏ thì quá tốt", chị Minh (40 tuổi) nói.
Năm nay, theo tình hình chung các hộ làm nhang phải đối mặt với khó khăn khi đơn đặt hàng ít hơn nhưng giá nguyên liệu lại tăng cao. Tuy vậy, các hộ dân ở làng nghề vẫn cố gắng duy trì sản xuất lượng hàng ổn định để cung ứng cho thị trường cũng như đảm bảo thu nhập cho người làm công.
Sau khi phơi/sấy xong, những cây nhang sẽ được bó lại thành từng thiên, mỗi thiên gồm 1.000 cây nhang, nặng khoảng 1,5kg.
Anh Long đang chất những kiện hàng để đưa ra bến xe, gửi về thương lái ở các tỉnh miền Tây.
Ngoài việc cung ứng cho thị trường TPHCM, những bó nhang thành phẩm còn "tỏa hương" khắp các tỉnh miền Tây và thị trường phía Bắc.