Làng Thủy Trầm có gần 250 hộ nuôi cá chép đỏ với diện tích hơn 30ha. Tết Quý Mão năm nay, cả làng nghề dự kiến cung cấp 40 - 50 tấn cá chép đỏ ra thị trường.
Xung quanh ngôi làng nổi tiếng là những ao hồ được chia nhỏ. Ghi nhận của PV, những ngày này, hầu như lúc nào người dân cũng tất bật xuống kéo lưới vớt cá lên.
Trước khi đem bán, cá được đánh bắt từ ao và nhanh chóng chuyển sang một lưới ở ao bên cạnh để giúp cá không bị ngạt bùn, quen với môi trường mới.
Theo ông Nguyễn Huy Luận (57 tuổi, người có kinh nghiệp nuôi cá chép đỏ gần 20 năm), thời tiết năm nay thuận lợi nên cá khoẻ, sản lượng tốt, hy vọng sẽ có một mùa bội thu.
“Dịp 23 tháng Chạp năm nay dự kiến sẽ thu hoạch được khoảng 1 tấn cá. Hiện, cá đã được chốt đơn vận chuyển đi nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Bình, Đà Nẵng”, ông Luận nói.
Cũng theo ông Luận, để có cá bán đúng ngày 23 âm lịch, từ giữa tháng 6, ông đã phải ép cá bố mẹ đẻ và ấp nở ra cá con vào đầu tháng 7. Cá phải được chăm sóc cẩn thận, sao cho đến khi thu hoạch có kích cỡ khoảng 3 ngón tay là vừa đẹp.
Tương tự, bà Hoàng Thị Thắm (59 tuổi) cho biết, các ao cá chép đỏ đã được tiểu thương đặt hàng từ nửa tháng trước nên đến ngày ông Táo là về vận chuyển đi tiêu thụ theo số lượng, kích cỡ.
“Năm ngoái, sản lượng cung không đủ cầu, giá cá chép đỏ lên tới 130.000 – 160.000 đồng/kg tùy loại. Năm nay, nắng ấm thuận lợi nên sản lượng cá nhiều, giá dao động từ khoảng 60.000 – 100.000 đồng/kg”, bà Thắm cho hay.
Theo bà Thắm, khi xuất bán, cá phải đạt những tiêu chuẩn như khỏe mạnh, đẹp, có màu đỏ như màu cờ và không có đốm, thường sẽ rơi vào khoảng 50-60 con/kg. Tiêu chuẩn này cũng liên quan đến văn hóa tâm linh khi nhiều người quan niệm, cá chép càng đỏ sẽ càng giúp công danh thuận lợi, rực rỡ hơn.
Theo quan niệm dân gian, cá chép là phương tiện ông Táo cưỡi về trời trong ngày 23 tháng Chạp. Trong tâm thức người Việt, “cá chép vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn là biểu tượng của sự thăng hoa, của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục khó khăn để đi tới thành công.