Hai tuần trước giãn cách, bãi biển Tân Thành nhộn nhịp khách Tây “ruột”. Ảnh: Santa
Quay lại thuyền thúng đi biển
Từ năm 2012 đến trước lúc dịch Covid 19 bùng phát, giá đất ở làng chài Tân Thành lên từng ngày. Nhiều ngư dân bỗng thành tỷ phú khi bán đất cho các nhà đầu tư homestay, villa ven biển. Nhiều con em ngư dân cũng trở thành chủ homestay, mở quầy tạp hóa, tiệm ăn dọc theo đường Nguyễn Phan Vinh ven biển từ An Bàng về đến Tân Thành.
Du khách nước ngoài sành điệu đến Hội An đều biết An Bàng, còn du khách cực sành sỏi sẽ tìm đến Tân Thành. Nơi đây hấp dẫn bởi bãi biển thanh bình, người làng chài vẫn duy trì nếp sống của mình bên cạnh những dãy nhà lưu trú xinh xắn, tiện nghi. Khách Tây chiều chiều đá bóng, chơi bóng chuyền, chèo thuyền kayak cùng bãi tắm của người dân quanh vùng.
Năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 98%, khách nội địa giảm 34% , hơn 260 doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn TP. Hội An đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh hoặc chấm dứt hoạt động. Trong khi 70% thu nhập của người Hội An trông vào du lịch thì có lẽ ở An Bàng và Tân Thành tỷ lệ này là 95%.
Đìu hiu chợ phiên làng chài ngày giãn cách
Chị Phạm Ánh Hồng, chủ một cơ sở lưu trú kể, khi bãi tắm Tân Thành mới được khám phá, hai vợ chồng chị được một vị khách Bỉ tốt bụng giúp cho vay vốn mở dãy nhà cấp bốn làm homestay. Làm ăn tấn tới, nhà chị mua đất làm được villa có bể bơi. Một đại gia Đà Nẵng hỏi mua, vợ chồng chị Hồng thấy được giá bán luôn rồi xây cái khác. Villa mới cho thuê 3,5 triệu/ngày, khách tây đặt kín cả tháng Noel năm 2019. Đùng cái, dịch Covid 19 ập đến, khách thuê ít dần, giá cho thuê hiện chỉ còn 20% so với trước.
May mà chị còn tìm được người thuê trọn gói 1 năm. Ba mẹ chồng chị Hồng từng mở quán không thành công, trong 2 năm Covid chuyển qua bán cháo và cá khô nướng cho khách tắm biển, ngày bán được, ngày ế cả nồi. Đợt giãn cách gần đây, ba chồng chị Hồng quay lại nghề đi biển với thuyền thúng. Trung bình kiếm được vài chục ngàn một ngày “Được 1 ký ghẹ, má chồng tôi mang ra chợ bán chỉ được 30 ngàn, không có khách các nhà thi nhau hạ giá”.
Một bãi biển vài trăm mét có tới 2 nhà đều vợ bán cháo, chồng đi biển, cũng chỉ đủ tiền ăn qua ngày. Nhiều gia đình sở hữu khoảnh đất trị giá vài chục tỷ nhưng sau dịch Covid chỉ mong bán được nửa giá cũng khó. Có người có “đất vàng” trong tay mà vẫn phải cầm sổ đỏ vay ngân hàng một hai trăm triệu để trả nợ cho những lần mở quán ăn vặt thất bại.
Chờ “mùa hè hấp hối” đi qua
Hồi đầu tháng 7, trong bài viết thể hiện góc nhìn, một CEO của Công ty du lịch tên tuổi đã gọi những tháng ngày này là “mùa hè hấp hối”. Một resort năm sao ở Hội An, đối tác lớn nhất của họ đang bị ngân hàng bắt nợ, nguy cơ phá sản.
Trong bối cảnh tổng doanh thu ngành du lịch năm 2021 giảm 58 %, 96% doanh nghiệp bên bờ đổ sập theo hiệu ứng domino, tác giả bài viết mong muốn người trong ngành dịch vụ du lịch sớm được tiêm vacxin, tạo điểm đến an toàn được đón khách quốc tế có hộ chiếu vacxin giống như Phuket (Thái Lan). Tuy nhiên chỉ 2 tuần sau bài viết, mô hình “Hộp cát Phuket” của Thái Lan lại đứng trước nguy cơ ngừng đón khách vì số ca nhiễm tăng cao, xuất hiện biến thể Delta. Các nước Âu Mỹ cũng đảo lộn kế hoạch mở cửa du lịch.
Bãi biển Tân Thành vừa mới có vài ba tuần nhộn nhịp lóe một chút hy vọng thì ngày 31/7 đã bước vào giãn cách xã hội. Năm 2020, tuy có vài đợt bùng dịch, bão lũ, cư dân trong phố gồm cả chủ các homestay (người nơi khác đến) và bà con làng chài vẫn gây dựng thành công Chợ phiên Tân Thành, hứa hẹn trở thành điểm đến mới hấp dẫn của Hội An. Mùa hè này từng được người Hội An trông đợi đón khách thế rồi nhà nhà lại đóng cửa, những vườn cây hoa lá héo rũ vì nắng hạn và vì chủ nhân không đủ lực để vận hành.
Theo ông Lê Quốc Việt - Giám đốc website Việc làm khách sạn nhà hàng (Hoteljob), năm ngoái trang web của ông vẫn còn tuyển dụng được một số lượng đáng kể người lao động cho nhiều cơ ngơi du lịch ở cả ba miền, năm nay công ty chỉ hoạt động cầm cự.
Trong những ngày này, bà con trong khu cách ly ở Quảng Nam cần nhiều sự trợ giúp nhưng Hiệp hội Du Lịch Quảng Nam không dám kêu gọi các doanh nghiệp ủng hộ mà chỉ ngỏ lời hỏi xin vì “các doanh nghiệp đều kiệt quệ rồi”. Không sa thải hay tuyển thêm dù một nhân viên trong lúc này cũng là một cách chia sẻ khó khăn với cộng đồng, ông Việt bày tỏ.
Lo sợ tình hình dịch lây lan, Dự án Streets International ở Hội An (Trường dạy nghề du lịch) phải đóng cửa. Lê Văn Thanh và Nguyễn Văn Hữu Khải là hai trong nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mắc kẹt tại đây. Hai em may mắn được nhận làm nấu bếp và pha chế tại hai cơ sở lưu trú biển Tân Thành “Nhưng tạm thời cũng phải ngồi nhà trọ đợi kết thúc giãn cách”.
Văn Thanh (19 tuổi) mồ côi cha mẹ, mong muốn TP Hồ Chí Minh sớm hết dịch để Tết em được về thăm nhà “Nhà của em là Trung tâm trẻ mồ côi, hiện đang bị cách ly rồi”. Hữu Khải (20 tuổi) quê An Giang thì mong dịch chấm dứt nhanh để đi làm kiếm tiền. “Em học nghề đúng năm Hội An không có khách nên không có dịp để luyện kỹ năng”.
Anh Lê Quốc Việt cho biết, dù tình hình u ám công ty anh vẫn lập trang web mới quảng bá du lịch Hội An-Đà Nẵng. “Tôi tin rằng sớm thôi, tình trạng bi quan này sẽ kết thúc. Hầu hết mọi người đang rất rảnh, hãy bỏ thời gian ra trau chuốt những sản phẩm mình ấp ủ”.