Sáng 1/6, Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập.
Tại buổi lễ, cô Văn Thùy Dương - Phó Hiệu trưởng nhà trường nhớ lại, cuối năm 1988, nhà giáo Văn Như Cương đã viết một lá đơn xin mở trường dân lập để gửi tới lãnh đạo Bộ GD-ĐT, UBND TP Hà Nội và được đăng trên báo "Người giáo viên nhân dân" - nay là Báo Giáo dục và Thời đại.
Ngày 1/6/1989, thầy Văn Như Cương đã nhận được quyết định thành lập ngôi trường dân lập đầu tiên trong thời kỳ đổi mới. Trường Lương Thế Vinh chính thức ra đời, thầy Cương chính thức được biết đến là người đặt viên gạch đầu tiên cho giáo dục ngoài công lập kể từ khi đất nước thống nhất.
Từ lúc cả nước chỉ có một trường dân lập duy nhất thì đến nay, toàn quốc đã có 4.077 cơ sở giáo dục ngoài công lập với gần 1,9 triệu học sinh, sinh viên. Sự phát triển rất nhanh hệ thống trường ngoài công lập càng chứng tỏ nhu cầu thực sự của toàn xã hội.
Sau 35 năm thành lập, từ lúc không có một nơi ở cố định thì nay Trường Lương Thế Vinh đã có hai cơ sở khang trang, sạch đẹp và thân thiện. Từ chỗ có 800 học sinh trên một khóa thì số lượng học sinh một khóa đã đạt tối đa sức chứa của trường, lên đến hơn 4.000 em. Nhà trường tuyển chọn học sinh đủ tiêu chí và kiên quyết không tăng số lượng để giữ vững chất lượng.
"Điều duy nhất mà Trường Lương Thế Vinh không bao giờ thay đổi, đó là triết lý giáo dục mà cố Nhà giáo Văn Như Cương đã để lại - triết lý học làm người tử tế. Nhà trường không chỉ trao nền tảng tri thức, phát triển tư duy cho học sinh mà còn rèn cho các em nhân cách, thói quen lao động và ý thức kỷ luật. Đó là phẩm chất không thể thiếu của những người đứng đầu, những người tiên phong", cô Văn Thùy Dương nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ kỷ niệm 35 năm thành lập Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), chia sẻ về triết lý giáo dục "học để làm người tử tế" của cố nhà giáo Văn Như Cương, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho hay: “Sở dĩ nhà giáo Văn Như Cương lấy tên của nhà toán học xuất sắc thế kỷ XV là Lương Thế Vinh đặt tên trường nhằm lan tỏa thông điệp, cho dù học gì, ngôi vị cao ra sao, trước hết phải có phẩm chất làm người lương thiện, tử tế.
Học trong nhà trường chỉ một số năm nhất định nhưng khi ra trường, các em lập thế cho mình ở đời. Các em học không phải để được lời khen ngợi mà để đứng vững vàng, có tư cách đóng góp cho xã hội. Bởi vậy ngay cả tên trường cũng mang thông điệp học để làm người tử tế, tư tưởng này cần được nhân lên nữa".