Vị đại diện này cho biết, gần đây có nhiều đoàn đầu tư của Trung Quốc sang tìm hiểu cơ hội đầu tư, và vì thế nhu cầu thông tin về thị trường, về kinh tế và môi trường đầu tư của họ tăng lên rất nhiều.
Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kể từ năm 2019, trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ trở nên căng thẳng và tốc độ phát triển kinh tế Trung Quốc chậm lại, các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.
Chỉ trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, chiếm 29%, vượt lên trên cả Hàn Quốc - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê.
Ở Bắc Ninh, có hai dự án lớn của Trung Quốc mở rộng quy mô và tăng vốn đầu tư như Goertek đang tiếp tục đầu tư nhà máy tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh 2 có diện tích 10ha để nghiên cứu, phát triển sản xuất và kinh doanh bảng mạch có độ chính xác cao với vốn đầu tư hơn 800 triệu USD và Tập đoàn Foxconn tiếp tục đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư thêm hơn 380 triệu USD.
Quảng Ninh thu hút được dự án nhà máy sản xuất tấm quang năng trị giá 1,5 tỷ USD. Nghệ An có dự án nhà máy bán dẫn trị giá 293 triệu USD. Phú Thọ có dự án sản xuất phụ tùng ô tô 269 triệu USD. Hải Dương thu hút thêm 2 dự án của doanh nghiệp Trung Quốc, tổng vốn đầu tư gần 400 triệu USD chuyên sản xuất văn phòng phẩm.
Kể từ năm 2019, trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ trở nên căng thẳng và tốc độ phát triển kinh tế Trung Quốc chậm lại, các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh từ 2,92 tỷ USD năm 2021 lên 4,47 tỷ USD năm 2023. Trong nửa đầu năm nay, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (vốn FDI) từ Trung Quốc đạt 1,01 tỷ USD, chiếm 10,6%.
Tính đến gần đây, vốn FDI của Trung Quốc đã tăng lên 19,4% tổng số vốn FDI đăng ký tại Việt Nam, bám sát tỷ lệ 28,8% của Hàn Quốc và 23% của Nhật Bản, theo báo cáo của VCCI. Xu hướng gia tăng này được lý giải do khoảng cách địa lý của các nhà đầu tư Trung Quốc gần với Việt Nam trong khi chi phí sản xuất leo thang tại Trung Quốc và những biến động thương mại toàn cầu khiến các doanh nghiệp nước này phải hướng ra bên ngoài.
Nghiên cứu của VCCI cho biết, doanh nghiệp Trung Quốc chiếm tỷ trọng nổi trội hơn trong các ngành sản xuất máy tính/thiết bị điện tử (9%), cao su/nhựa (8%) và dệt may (5%). Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Trung Quốc ít tham gia lĩnh vực dịch vụ (2%) và hầu như không tham gia lĩnh vực thông tin - truyền thông.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký giấy phép đầu tư tại Việt Nam từ năm 2019 trở đi có khuynh hướng cao hơn hoạt động trong các lĩnh vực như bán buôn/bán lẻ; sản xuất máy tính/thiết bị điện tử; sản xuất chế biến kim loại đúc sẵn và sản xuất thiết bị điện.
Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam có xu hướng lựa chọn địa điểm đầu tư khác với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI) từ các quốc gia khác. Thay vì tập trung tại các trung tâm đô thị lớn, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội như các doanh nghiệp FDI khác, các doanh nghiệp Trung Quốc hiện diện khá đồng đều trên khắp các tỉnh thành. Bình Dương, Quảng Ninh và Long An, mỗi địa phương có 7% là doanh nghiệp Trung Quốc, trong khi tại các tỉnh công nghiệp mới nổi phía Bắc như Bắc Giang, Hải Dương và Hải Phòng, tỷ lệ này đều vào khoảng 6%. Các địa phương này hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Trung Quốc do khoảng cách địa lý và giá đất cạnh tranh.
Hơn một nửa doanh nghiệp Trung Quốc tập trung vào xuất khẩu (54%). Khoảng 50% doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI khác ở Việt Nam và 45% cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho doanh nghiệp Việt Nam. Đáng chú ý, các doanh nghiệp Trung Quốc có xu hướng hợp tác kinh doanh với các đối tác Việt Nam nhiều hơn so với các doanh nghiệp FDI khác.