Lan hồ điệp là loại hoa được nhiều người ưa thích, có màu sắc tươi tắn và độ bền cao. Sau khi hoa tàn, mọi người thường bỏ cây đi vì cho rằng nó không thể ra hoa đợt mới. Quả thật đây là loại cây cảnh khó chăm sóc, nếu không biết cách thì cây sẽ sống lay lắt và bạn chỉ có thể chơi một lần.
Cách chăm sóc lan hồ điệp sau khi hoa tàn để tiếp tục ra nụ
Lan hồ điệp có màu sắc tươi tắn, rất thích hợp để trưng bày trong nhà. (Ảnh: Sohu)
Thực tế, cây lan hồ điệp nếu được chăm sóc tốt sẽ có thể ra hoa liên tục trong nửa năm, đặc biệt khi tiết trời không quá nóng. Để đón đợt hoa mới, bạn hãy cắt những cành đã nở và áp dụng cách chăm sóc lan hồ điệp sau khi hoa tàn sau đây:
Cung cấp đủ ánh sáng
Lan hồ điệp ưa ấm áp, không thích hợp với tiết trời lạnh giá. Mặc dù đây là loại cây thích hợp bóng râm nhưng cần ánh sáng nhẹ để kích thích việc ra hoa, giúp cho nụ hoa phát triển khỏe mạnh và có màu sắc đẹp. Vì vậy, khi trồng lan hồ điệp, bạn tránh đặt cây ở nơi tối tăm, nhưng cũng không nên để cây tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Ánh nắng quá mạnh có thể gây cháy lá, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
Cân bằng nhiệt độ
Lan hồ điệp thích môi trường ấm áp và ẩm ướt, nhiệt độ tối ưu để nó phát triển là từ 15 đến 30 độ C. Ở nhiệt độ thấp hơn 10 độ C, cây sẽ phát triển chậm lại, thậm chí nếu chăm sóc không tốt thì cây sẽ chết.
Lan hồ điệp được coi là loài hoa trưng Tết - giai đoạn thời tiết khá lạnh - nhưng thực chất lại chịu rét kém. Nếu bạn muốn cây nở hoa, nên duy trì nhiệt độ khoảng 20 độ C. Khi nhiệt độ thấp, cây sẽ chậm ra hoa hoặc nếu có thì hoa cũng rất yếu, còi cọc. Ngược lại, nhiệt độ quá cao sẽ khiến cây chết hoặc héo, Vì vậy, nếu nở hoa thường xuyên và kéo dài thời gian ra hoa, bạn phải làm tốt công việc kiểm soát nhiệt độ.
Cách chăm sóc lan hồ điệp sau khi hoa tàn sẽ giúp cây tiếp tục ra nụ. (Ảnh: Sohu)
Tưới nước đúng cách
Lan hồ điệp ưa ẩm nhưng không chịu được ngập úng, dễ thối rễ. Do đó khi trồng, bạn phải chú ý tưới nước đúng cách, không được để nước bắn vào kẽ lá vì điều này sẽ khiến nước tích tụ ở phía trên, mặt dưới của lá bị thối, khiến cây sinh trưởng kém và ảnh hưởng đến việc ra hoa.
Bạn nên phun nước lên lá, đồng thời rải một lớp rêu nước ướt lên bề mặt chậu để tăng độ ẩm. Tránh tưới quá nhiều nước, nhưng cũng không nên đợi cho đến khi giá thể khô hoàn toàn mới tưới.
Bón phân đúng cách cho lan hồ điệp
Khi bón phân cho lan hồ điệp, cần chú ý đến tỷ lệ và lượng phân. Trong thời kỳ cây sinh trưởng và ra hoa, bạn không nên bón quá nhiều phân đạm vì sẽ dẫn đến thiếu phân lân và kali, ảnh hưởng đến quá trình phân hóa của hoa hồ điệp, khiến cây khó có nụ và nở hoa.
Cách chăm sóc lan hồ điệp sau khi hoa tàn yêu cầu sự tỉ mỉ. (Ảnh: Sohu)
Khi mới mua Lan hồ điệp về, phân bón cơ bản cho cây tương đối đủ, bạn không cần bón thêm. Sau một vài tháng, nên bón phân hỗn hợp hoặc phân hữu cơ để giúp cây thêm khỏe mạnh, tần suất khoảng 10 ngày một lần.
Vào những ngày nắng nóng, cây phát triển chậm lại, có thể giảm bớt hoặc bỏ hẳn việc bón phân. Trước thời kỳ ra hoa, hãy ngừng phân nitơ và chuyển sang loại phân bón hoa chứa kali dihydro photphat để thúc đẩy sự ra hoa. Bạn cũng có thể tưới rễ bằng dung dịch kali dihydro photphat khoảng 3 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 10 ngày nhằm kích thích cây ra hoa lớn và nhiều.
Theo VTCnews