Lầm tưởng tai hại của cha mẹ khi cho con uống 'thuốc tăng cân'

Phương Linh| 02/06/2022 17:30

Theo các bác sĩ, hầu hết thuốc tăng cân có thành phần corticoid giúp trẻ ăn ngon miệng nhưng dễ gây phù, gây rối loạn chuyển hóa lipid và làm đọng mỡ ở trên mặt, cổ, lưng khiến nhiều người nhầm con mình đang béo lên.

Bé gái 7 tuổi mọc lông sau 6 tháng uống thuốc tăng cân

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vừa nhận được chia sẻ của một người mẹ liên quan đến loại thuốc giúp trẻ tăng cân do một bác sĩ ở trạm y tế kê. Chị đã chụp ảnh vỉ thuốc gửi cho bác sĩ Sang kèm nội dung: “Bác sĩ ơi, đây là thuốc tăng cân, các mẹ ở chỗ tôi đang truyền tay nhau cho con nhỏ uống. Thuốc này do một bác sĩ ở trạm y tế kê, giá 150.000 đồng/hộp, được mở sẵn bao bì.

thuoc-tang-can.jpg
Loại thuốc người mẹ gửi cho bác sĩ Sang. Ảnh: BSCC.

Khi uống các loại thuốc này, tôi thấy nhiều bé tăng cân. Tuy nhiên, các bé uống sữa rất nhiều nhưng ít ăn. Tôi hoang mang quá. Tôi muốn khuyên mọi người nhưng không được, vì con tôi cũng đang nhẹ cân. Có người còn khuyên tôi, nên cho con uống để bé lên cân sau đó ngưng cũng không sao”.

Theo bác sĩ Sang, loại thuốc mà người mẹ trên chia sẻ là 1 ống kẽm, 1 viên vitamin dòng B, 1 viên corticoid loại mạnh và 1 viên canxi… Trong đó, ống kẽm giúp trẻ ăn ngon miệng và có cảm giác thèm ăn. Viên corticoid có tác dụng chính là chữa viêm, được dùng dưới sự chỉ định của bác sĩ, có tác dụng phụ là kích thích ăn và giữ nước.

Bác sĩ Sang cũng cho biết hiện nay, rất nhiều ông bố bà mẹ có con nhẹ cân, suy dinh dưỡng cũng tìm đến thuốc giúp trẻ ăn ngon và hỗ trợ tăng cân mà không có kiểm chứng.

Vị bác sĩ lý giải, hầu hết thuốc tăng cân đều có chứa thành phần corticoid có tác dụng giữ nước, chất khoáng natri trong cơ thể. Các chất này có tác dụng phụ dễ gây phù, gây rối loạn chuyển hóa lipid và làm đọng mỡ ở trên mặt, cổ, lưng. Người uống thuốc lâu ngày sẽ béo lên, mặt tròn như mặt trăng nhưng thật ra cơ thể lại bị teo cơ.

“Khi trẻ uống loại thuốc này, cơ thể sẽ phù lên khiến nhiều người tưởng con tăng cân. Điều này hoàn toàn xấu nên các phụ huynh đừng nhầm lẫn”, bác sĩ Sang nhấn mạnh.

Đặc biệt, thành phần corticoid có trong thuốc làm tiết nhiều dịch vị ở dạ dày, gây cảm giác đói, ăn ngon nhưng có thể làm loét dạ dày, gây xuất huyết tiêu hóa. Nguy hiểm hơn, người uống thuốc có thể bị loãng xương, tăng huyết áp, gây huyết khối làm nghẽn mạch, làm giảm sự đề kháng của cơ thể dễ mắc các bệnh: lao hoặc các bệnh nấm và có nguy cơ teo tuyến thượng thận.

thuoc.jpg
Loại thuốc hỗ trợ tăng cân mà bé gái 7 tuổi đã được mẹ cho uống. Ảnh BVĐHYD TP.HCM.

Cụ thể, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã tiếp nhận bé gái 7 tuổi được đưa đến trong tình trạng mọc râu, lông toàn thân ngày càng nặng. Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã xác định, bệnh nhi mắc hội chứng Cushing – bệnh lý nội tiết do rối loạn chức năng thận, gây tăng hóc môn không kiểm soát. Người mắc triệu chứng này sẽ có biểu hiện béo phì do tích nước, lông mọc khắp mặt, miệng và tay chân.

Lúc này, gia đình bé mới cho biết đã cho con gái uống thuốc tăng cân. Loại thuốc bé dùng là thuốc nam gồm 10 gói, mỗi gói 5 viên nhiều màu sắc không rõ nhãn mác, không kê đơn. Mỗi ngày, mẹ bé hòa một gói thuốc vào siro cho con uống. Sau khi uống thuốc được 6 tháng, bé gái tăng được hơn 10kg, nhưng cơ thể lại bắt đầu mọc lông.

Sau khi nhận các gói thuốc gia đình đưa, các bác sĩ xác định đó và những viên Dexamethasone (còn gọi là đề-xa). Đây là một corticosteroid có tác dụng kháng viêm, kích thích ăn ngon, chữa biếng ăn nhưng người uống dễ bị biến chứng đến gan, thận…

Bác sĩ Lê Ngọc Duy, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết bệnh viện từng có nhiều cảnh báo về việc sử dụng thuốc cam dễ gây ngộ độc chì cho trẻ, nhưng vì tin rằng loại thuốc này là “thần dược” có thể giúp trẻ tăng cân, chữa lành một số bệnh thông thường nên nhiều phụ huynh vẫn mua cho con dùng. Kết quả, nhiều trẻ phải nhập viện vì ngộ độc chì nghiêm trọng. Cụ thể là trường hợp bé trai 7 tháng tuổi, ở Thanh Hóa được chuyển đến Khoa Cấp cứu và chống độc bệnh viện trong tình trạng li bì, nôn trớ, đi ngoài.

Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị ngộ độc chì do dùng thuốc cam. Sau hai tuần điều trị bằng thuốc thải chì đặc hiệu bệnh nhi mới dần ổn định.

Đừng làm cho trẻ... sợ ăn

Theo ThS.BS Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng quốc gia cho rằng, các sản phẩm hỗ trợ tăng cân hiện nay có thể là thuốc hoặc thực phẩm chức năng, có chứa các loại vitamin, axít amin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

image002-1-.jpg
Theo bác sĩ Lê Ngọc Duy, Bệnh viện Nhi Trung ương, loại thuốc cam này đã được cảnh báo có thành phần chỉ, dễ gây ngộ độc nhưng nhiều phụ huynh vẫn mua cho con dùng vì tin rằng là "thần dược" giúp trẻ tăng cân. Ảnh Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tuy nhiên, bác sĩ Hải khuyên cáo, thuốc hỗ trợ tăng cân chỉ được uống khi thật cần thiết và phải được dùng theo sự chỉ định của bác sĩ. Trước khi cho trẻ uống thuốc, cha mẹ cần xác định rõ nguyên nhân biếng ăn của con để tìm được loại thuốc trị đúng bệnh, loại bỏ đúng nguyên nhân đó. Ngoài ra, phải tìm hiểu thật kỹ loại thuốc định cho trẻ uống, đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng, tuân thủ đúng liều lượng và quy định của thuốc.

Còn bác sĩ Sang khuyến cáo phụ huynh có con nhỏ: “Tôi chia sẻ câu chuyện của người mẹ trên là để các bậc phụ huynh có đủ kiến thức trong việc nuôi dạy con mình. Quan trọng là chúng ta chọn cách chăm sóc con như thế nào thôi”.

Theo các bác sĩ, để giúp trẻ ăn ngon miệng, thích được ăn, cha mẹ không nên ép con ăn nhiều và hạn chế cho trẻ ăn thức ăn nhanh. Việc ép con ăn sẽ làm trẻ có tâm lý sợ ăn, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy.

Điều cha mẹ cần làm là chọn các thực phẩm chất lượng, an toàn, có lợi cho sức khỏe của trẻ và tạo bữa ăn vui vẻ cho con. Tốt nhất là, ngoài bổ sung các thực phẩm thịt, trứng, sữa thì cần khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây. Ngoài ra, cần khuyến khích trẻ tăng cường vận động thể lực nhằm giúp tiêu hao năng lượng, từ đó giúp con ăn uống ngon miệng hơn.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lầm tưởng tai hại của cha mẹ khi cho con uống 'thuốc tăng cân'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO