Lạm thu đầu năm học: Cần có chế tài xử lí thật nghiêm

19/09/2022 09:45

Mặc dù ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có những quy định rất rõ về các khoản nhà trường được phép và không được phép thu nhưng tình trạng lạm thu vẫn luôn là vấn đề khiến phụ huynh trăn trở mỗi đầu năm học mới.

Xem thêm: Phụ huynh choáng váng khi ước tính đóng thêm gần 10 triệu đồng mỗi năm

Trăm khoản thu đổ đầu phụ huynh

Đến hẹn lại lên, khi bắt đầu vào năm học mới cũng là lúc nhiều phụ huynh phải than ngắn thở dài vì những khoản phải đóng góp cho nhà trường. Bên cạnh tiền học phí, nhiều khoản thu được cho là từ trên trời rơi xuống.

Nhẩm tính các khoản dự kiến phải đóng góp đầu năm, chị Nguyễn Thị Vân Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) thở dài khi nghĩ đến số tiền phải xoay xở để đóng cho 2 con.

Đầu năm học, giáo viên kê danh mục gồm rất nhiều các khoản khác nhau: Tiền đồng phục, tiền photo tài liệu, quỹ lớp, tiền điều hòa, tiền tổ chức trung thu, quỹ lớp…

“Không năm nào đi học mà con phải đóng dưới 5 triệu vào dịp đầu năm. Gia đình tôi có 2 con trong độ tuổi đến trường nên gánh nặng càng lớn hơn” – chị Vân Anh than thở.

Đây không chỉ là nỗi trăn trở của riêng chị Vân Anh mà của hàng triệu ông bố, bà mẹ trên khắp cả nước mỗi dịp đầu năm học.

“Phụ huynh nào cũng sợ con bị trù dập, bị để ý nên gần như không ai dám lên tiếng. Chưa kể, một số khoản dù nói là tự nguyện, nhưng phụ huynh đều ngầm hiểu bắt buộc phải mua cho con.

Chẳng hạn tiền đồng phục, quy định không ép học sinh mua, may đồng phục. Nhưng nội quy lớp lại yêu cầu rất rõ thứ 2,4,6 mặc đồng phục. Vậy, phụ huynh nào dám không mua cho con?" - chị Vũ Thanh Thảo (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.

GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam nhận định, phụ huynh hiện đang phải gánh quá nhiều khoản phí, trong đó có sách giáo khoa giá cao, xây dựng trường lớp, mua điều hoà, máy chiếu, ăn bán trú, đồng phục… Cộng tất cả các khoản lại sẽ là khoản lớn cho phụ huynh.

"Ngành giáo dục nên có quy định rõ ràng về các khoản thu nhằm giảm áp lực cho phụ huynh. Với mức lương của cán bộ, công nhân viên chức chỉ 5-6 triệu đồng, số tiền phải đóng đầu năm học sẽ là gánh nặng cho các gia đình" - GS.TS Phạm Tất Dong bày tỏ quan điểm.

Cần có chế tài xử lí thật nghiêm

Bàn về câu chuyện lạm thu đầu năm học, Luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, hiện nay đã có quy định cụ thể về các khoản được phép, không được phép thu. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, tình trạng lạm thu vẫn diễn ra khiến dư luận bức xúc.

"Để xảy ra tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục, có trách nhiệm của nhiều bên liên quan. Trong đó, chịu trách nhiệm cao nhất là Bộ GDĐT khi chưa phát huy hết vai trò của cơ quan quản lí nhà nước.

Ngoài ra, còn có trách nhiệm của các Sở GDĐT, Phòng GDĐT và sau đó là đến cấp trường. Cần truy rõ trách nhiệm của hiệu trưởng khi để xảy ra tình trạng lạm thu, vi phạm các quy định của pháp luật" - Luật sư Bùi Đình Ứng nói.

Để tránh tình trạng lạm thu, ông Ứng cho rằng, cơ quan quản lí cấp trên, Sở GDĐT, Phòng GDĐT, UBND các cấp phải có quy định rõ ràng, quán triệt các đơn vị trường mình quản lí. Cần có chế tài cụ thể để xử lí thật nghiêm, răn đe và uốn nắn các trường hợp vi phạm.

Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các cổng thông tin đại chúng về các khoản được thu, không được thu với từng cấp học để phụ huynh nắm rõ.

“Phải có kênh phản hồi công khai để nếu xảy ra tình trạng lạm thu ở trường nào, cấp nào, phụ huynh, giáo viên có thể phản ánh trực tiếp kèm theo bằng chứng. Có như vậy, tình trạng lạm thu mới được giải quyết dứt điểm”  - Luật sư Bùi Đình Ứng nêu quan điểm.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lạm thu đầu năm học: Cần có chế tài xử lí thật nghiêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO