Làm sao nhận biết một người đang gặp vấn đề sức khoẻ tâm thần?

22/04/2024 13:51

Những năm gần đây, các vấn đề liên quan sức khoẻ tâm thần có xu hướng tăng. Đáng chú ý, thống kê của Bộ Y tế cho thấy gần 15 triệu người Việt mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp. Do đó, nhiều người quan tâm làm sao để nhận biết sớm một người đang gặp vấn đề sức khoẻ tâm thần?

TS Phạm Phương Thảo, Trưởng Khoa Tâm lý lâm sàng-Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết khi tiếp cận một người cần theo dõi hoặc hỏi họ việc ăn, ngủ và hứng thú. Nếu bình thường, họ không gặp vấn đề về ăn uống, giấc ngủ và có hứng thú với sở thích song đột nhiên 3 yếu tố này không còn như ban đầu thì phải nghĩ đang gặp về vấn đề sức khỏe tâm thần.

Làm sao nhận biết một người đang gặp vấn đề sức khoẻ tâm thần?- Ảnh 1.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy gần 15 triệu người Việt mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp. Làm sao để nhận biết sớm một người đang gặp vấn đề sức khoẻ tâm thần là vấn đề được nhiều người quan tâm. Ảnh: AI

“Ví dụ, bình thường thích coi hài, xem phim, nghe nhạc nhưng bây giờ không còn thấy vui, hứng thú với việc này. Bên cạnh đó, giấc ngủ bị rối loạn, mất ngủ… đây là sự chuyển biến cho thấy là hành vi, dấu hiệu này cần phải đến gặp chuyên gia tâm lý để được giải toả, tư vấn” - TS Thảo chia sẻ.

Ngoài ra, một số biểu hiện bất thường khác như tính tình nóng nảy hơn, thiếu tập trung, hay quên và đặc biệt có ý nghĩ tự tử xuất hiện. “Đừng chờ đến lúc các triệu chứng nặng mới đến gặp chuyên gia tâm lý mà chỉ cần xuất hiện yếu tố khác thường hãy đến để được giãi bày. Đồng thời, bản thân sẽ được nhìn lại để thấy vấn đề mình đang gặp phải” - TS Thảo nhấn mạnh.

Theo TS Thảo, nhận biết và điều trị sớm các vấn đề tâm lý sẽ giúp người bệnh sớm trở về thực tại, ngăn ngừa các hệ lụy nguy hiểm khác tác động xấu đến chất lượng cuộc sống mỗi ngày.

Nếu có các dấu hiệu dưới đây bạn cần khám sàng lọc và thực hiện test trầm cảm. Cụ thể: Mất hứng thú hoặc niềm vui trong các hoạt động yêu thích; cảm thấy buồn hoặc lo lắng; cảm giác tội lỗi, vô dụng hoặc bất lực; cảm giác vô vọng về tương lai; hạ thấp giá trị bản thân; rối loạn giấc ngủ như khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều; mệt mỏi và thiếu năng lượng; khó tập trung, ghi nhớ chi tiết hoặc đưa ra quyết định; những thay đổi về cân nặng; xuất hiện ý nghĩ làm tổn thương bản thân hoặc tự tử.

Giai đoạn trầm cảm có thể được phân loại: nhẹ, trung bình hoặc nặng. Điều này tùy thuộc vào số lượng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cũng như tác động của bệnh lên đời sống cá nhân.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Làm sao nhận biết một người đang gặp vấn đề sức khoẻ tâm thần?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO