Vấn nạn video xấu độc, tin tức giả, câu view, …đã tồn tại từ lâu trên TikTok. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nền tảng này với công nghệ vượt bậc đã giúp thông tin độc hại dễ dàng tạo thành thành xu hướng, lan tỏa mạnh hơn, ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ.
Trước những tác động tiêu cực đối với xã hội, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu TikTok có nên bị cấm tại Việt Nam? Tiến sĩ ngành Quan hệ quốc tế Ngô Di Lân đã có những chia sẻ với phóng viên VTC News vấn đề này.
- Thời gian đầu, TikTok thường phổ biến những video ngắn mang tính chất giải trí, vui vẻ. Tuy nhiên, vì sao trong thời gian gần đây, trên nền tảng này lại thường xuất hiện những thông tin độc hại?
TikTok là một ứng dụng kĩ thuật số với mục tiêu chính là giải trí. Sản phẩm của nó là những đoạn clip rất ngắn, đánh trúng vào tâm lý của người dùng bây giờ là thích những thứ ngắn, nhanh, vào thẳng vấn đề với sức hấp dẫn, lôi cuốn cao.
Với cấu trúc của TikTok hiện nay thì nền tảng này vô tình trở thành công cụ hữu hiệu để phát tán nội dung xấu độc. Nhưng việc kinh doanh của TikTok cũng phụ thuộc những đoạn clip như vậy nữa nên theo tôi, ở đây cũng có phần cố tình để những nội dung này tràn lan mà thiếu sự kiểm soát thật sự triệt để.
- Theo anh, những nội dung xấu, độc như thế tác động thế nào đến đối tượng sử dụng TikTok đa phần là những người trẻ, thanh thiếu niên đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện nhận thức?
Về mặt lối sống, những nội dung, trào lưu xấu này đã, đang và sẽ bóp méo cái nhìn của người trẻ về chuyện đâu là lối sống tích cực. Tôi lấy ví dụ TikTok có nhiều nội dung dạng khuyến khích người trẻ chỉ mải mê đi kiếm tiền, coi giá trị vật chất (túi váy hàng hiệu, xe hơi tiền tỷ...) là tất cả. Đây là một trong những quan điểm rất nguy hiểm đang được chia sẻ rộng rãi…
Về mặt văn hoá, những thông tin sai lệch về các giá trị truyền thống, lịch sử sẽ dẫn đến việc hiểu sai về gốc gác, danh tính của chúng ta với tư cách là một dân tộc. Cùng với đó, việc vội vã tiếp thu, du nhập những trào lưu, tư tưởng từ nước ngoài quá vội vàng có thể khiến một bộ phận giới trẻ đánh mất bản sắc và về lâu dài dễ cảm thấy mông lung trên hành trình đi tìm bản thân. Nói cách khác, với tốc độ trao đổi thông tin xuyên lục địa trong tíc tắc như ngày nay, hoà nhập mà không hoà tan đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Một mối hiểm hoạ khác là từ những nhận thức sai lệch về giá trị lịch sử, văn hoá của dân tộc đồng thời tiếp nhận luồng thông tin từ nước ngoài không có chọn lọc sẽ có thể dẫn đến những suy nghĩ sai lệch về chính trị. Điều này sẽ làm gia tăng những nguy cơ, bất ổn về chính trị trong nước và đẩy mâu thuẫn xã hội lên cao.
Hơn nữa, cơ chế vận hành của các nền tảng như TikTok, Facebook đang tạo ra hiện tượng “echo chamber” (căn phòng vang) tức là người dùng chỉ xem, chỉ đọc, tương tác với những người có quan điểm giống mình. Thế nên dần dần, sẽ càng khó chấp nhận, khó khoan dung hơn với những thứ trái tai với mình. Mà xã hội thì không thể vận hành như vậy. Nếu không ngăn chặn nhanh, điều này sẽ đặt ra nhiều hiểm hoạ về lâu dài.
- Có ý kiến cho rằng từ những clip giải trí, TikTok đang thao túng toàn bộ hành vi, nhận thức của giới trẻ. Theo anh có phải như vậy không?
Tôi nghĩ ý kiến này có phần đúng tuy nhiên chưa hoàn toàn chính xác vì đa phần các nội dung trên TikTok là sản phẩm của những người dùng như chúng ta. Do đó, TikTok chủ yếu đóng vai trò là công cụ còn việc sử dụng công cụ đó như thế nào nằm ở chính chúng ta.
Dù vậy, cũng phải nhìn nhận rằng với định dạng chính là những đoạn clip siêu ngắn, TikTok đang tiếp tay cho những nội dung mang tính chất giật gân. Vì thế những người làm content rất ít động lực để sản xuất những nội dung “sạch”. Thay vì làm những đoạn clip có giá trị thông tin hữu ích, mang tính chất giáo dục cao thì họ lựa chọn tạo ra những đoạn clip có yếu tố giật gân, câu view, gây sốc, nhất là trong 10 giây đầu tiên để dễ dàng lan toả (viral).
Trong khi đó, nhiều người có ảnh hưởng trên TikTok lại không sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để đóng góp tích cực cho cộng đồng mà lại dùng vào mục đích cá nhân. Họ chia sẻ những quan điểm độc hại, thông tin sai lệch mà không cần biết tác động của nó đối với người xem ra sao. Nhiều người lợi dụng TikTok để quảng cáo, bán hàng kém chất lượng, hay tuyên truyền các quan điểm mang tính đả phá, gây chia rẽ.
Với những người trưởng thành, có kinh nghiệm và mức độ hiểu biết tương đối dày dặn thì họ có thể tự sàng lọc thông tin nhưng đối với những bạn trẻ đang chập chững bước vào đời thì sẽ dễ hiểu sai, dẫn tới học theo những trào lưu đó. Vấn đề quan trọng là trách nhiệm với xã hội của mỗi cá nhân.
- Bộ Thông tin và Truyền thông công bố 6 sai phạm của TikTok tại Việt Nam và sẽ tiến hành thanh tra toàn diện nền tảng này. Anh đánh giá thế nào về những sai phạm này của TikTok?
Những sai phạm này của TikTok ở Việt Nam không mới. TikTok cũng gặp vấn đề này ở nhiều quốc gia. Cách đây mấy tuần, CEO của TikTok phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia cũng có những lo ngại về tác động tiêu cực, hệ luỵ nghiêm trọng mà TikTok gây ra đối với đời sống xã hội.
Theo quan sát, TikTok có những thay đổi nhưng vẫn chưa đủ nhiều để lấp những lỗ hổng trong hệ thống hay cải thiện ứng dụng để bảo vệ người dùng khỏi các tác động xấu nhất. Lý do TikTok không làm vậy vì nó ảnh hưởng đến chuyện kinh doanh của nền tảng này và cũng bởi họ là một phần của công ty mẹ là ByteDance của Trung Quốc. Hơn nữa, một khi TikTok bắt đầu thoả hiệp với một quốc gia thì nó rất có thể sẽ tiếp tục phải thoả hiệp với các nước khác nữa. Do đó, tôi tin họ muốn hạn chế phải thoả hiệp ít nhất có thể, tránh tạo các tiền lệ bất lợi cho công việc kinh doanh của mình.
Cá nhân tôi ủng hộ Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện những sai phạm và tiến hành thanh tra toàn diện TikTok, từ đó gây sức ép lên nền tảng này để có những điều chỉnh phù hợp.
- Với những tác động xấu từ TikTok gây ra, phần đông dư luận cho rằng cần cấm nền tảng này tại Việt Nam. Ý kiến của anh về điều này như thế nào?
Biện pháp cấm chỉ thực sự hiệu quả khi nếu cấm triệt để, toàn diện. Bởi sau khi TikTok ra mắt, các nền tảng công nghệ khác như Youtube, Instagram nhận thấy định dạng clip ngắn rất hiệu quả, có tính lan toả rộng nên cũng chạy theo, làm ra những sản phẩm tương tự như thế. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể cấm hết các nền tảng đó không?
Nếu chỉ cấm mỗi TikTok, về mặt doanh nghiệp, họ sẽ cho rằng chúng ta phân biệt đối xử. Hơn nữa, cấm một nền tảng, người dùng có thể tìm đến các nền tảng khác mà nhu cầu thì không thay đổi đáng kể.
Cấm đoán luôn là lựa chọn bất đắc dĩ cuối cùng. Vì thế chúng ta nên giữ nó là một trong những khả năng nhưng không nên là biện pháp đầu tiên. Song không có nghĩa để thể thả nổi các mạng xã hội, bởi điều đó sẽ gây hại cho người trẻ và có thể đe dọa an ninh dữ liệu quốc gia. Điều quan trọng là tìm ra những giải pháp sáng tạo để vừa bảo vệ người dùng, vừa cho phép họ tận hưởng thành quả của khoa học, công nghệ.
Cần phải có biện pháp răn đe, một chế tài xử phạt thật nặng đối với những người dùng TikTok gây hại với cộng đồng, để họ hiểu rằng việc tạo ra những nội dung “bẩn” với lợi ích ngắn hạn sẽ phải trả giá rất đắt.
Tiến sĩ Quan hệ quốc tế Ngô Di Lân
- Một số quốc gia trên thế giới cũng đã có những chính sách rõ ràng để hạn chế TikTok. Chúng ta có thể học hỏi gì từ cách làm của họ?
Mối quan tâm lớn của các quốc gia hiện nay vẫn là vấn đề rò rỉ thông tin cá nhân. Việc TikTok liên tục thu thập và lưu trữ khối lượng dữ liệu khổng lồ của người dùng cũng đặt ra nguy cơ tiềm tàng về bảo mật dữ liệu cá nhân. Từ đó một số quốc gia khác có thể tiếp cận, sử dụng nó để triển khai những dạng nội dung thao túng tâm lý người dùng.
Trước lo ngại này, một số quốc gia như Mỹ, Australia, Canada, Anh,... đã có động thái quyết liệt để ngăn chặn sự phổ biến của TikTok hoặc cấm ứng dụng này được cài đặt TikTok trên tất cả thiết bị sử dụng cho công việc của chính phủ. Một số quốc gia đã có biện pháp quyết liệt hơn, ban hành lệnh cấm hoàn toàn như Jordan, Ấn Độ và Afghanistan.
Tôi cho rằng cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị công vụ là giải pháp hiệu quả, ít cực đoan và phù hợp với chúng ta hơn là cấm toàn diện. Đây là bước đầu để dần dần kiểm soát TikTok, hạn chế nguy cơ rò rỉ dữ liệu người dùng kéo theo những rủi ro đối với an ninh quốc gia.
Còn ở mức độ cộng đồng thì nhiều quốc gia vẫn đang loay hoay, chưa tìm được một giải pháp mang tính triệt để. Tôi nghĩ trong tương lai, điều này chỉ có thể giải quyết được khi có một sản phẩm thay thế, đảm bảo được độ bảo mật và kiểm soát được các nội dung xấu, độc.
- Vậy chúng ta cần làm gì để ngăn chặn những nội dung xấu, độc có tác động tiêu cực đến xã hội trên TikTok?
Về phía các cơ quan quản lý thì cần phải làm việc với những người điều hành TikTok để đưa ra những yêu cầu chi tiết, những điều chỉnh nhất định, cải thiện về mặt vận hành để ngăn chặn phổ biến các video có nội dung độc hại, bảo vệ người dùng. Sau đó, cần phải giám sát để đảm bảo TikTok tuân thủ đúng theo những yêu cầu.
Tôi nghĩ một trong những điều chỉnh cần thiết là bổ sung nút report ngay phía dưới thả tim và hiển thị số lượt một clip đã bị report bởi người dùng. Nếu như nút thả tim hiện đang nổi bật, dễ nhìn thấy khi sử dụng thì nút report, báo cáo nội dung xấu độc lại đang bị ẩn đi. Chính những tính năng như nút report này sẽ cho thấy mức độ đánh giá của cộng đồng đối với các nội dung xấu, độc và người sáng tạo ra nội dung đó.
Tuy nhiên TikTok chỉ là một công cụ nên nếu người dùng vẫn còn nhu cầu sản xuất nội dung xấu, họ vẫn sẽ tìm ra cách để lách luật. Vì thế tôi cho rằng cần phải có biện pháp răn đe, một chế tài xử phạt thật nặng đối với những người dùng TikTok gây hại với cộng đồng, để họ hiểu rằng việc tạo ra những nội dung “bẩn” với lợi ích ngắn hạn sẽ phải trả giá rất đắt. Tôi nghĩ nếu chúng ta thật sự mạnh tay và triển khai đồng đều, chỉ vài tháng đến một năm, sẽ thấy được hiệu quả rõ rệt.