Cưới được hơn một năm, tôi sinh đôi hai bé trai, cả nhà hai bên nội ngoại ai cũng mừng. Tuy nhiên đi đôi với niềm vui là áp lực song hành, chăm 2 đứa trẻ một lúc không hề đơn giản, hơn nữa là hai con của tôi sinh non thì càng khó khăn, vất vả hơn gấp bội.
Nhà ngoại ở xa nên mẹ không thể tới chăm sóc tôi khoảng thời gian ở cữ, mẹ chồng tuy ở gần nhưng vì sức khỏe yếu nên không đỡ đần được bao nhiêu. Sau 6 tháng sinh con, tôi tính sẽ thuê giúp việc về trông con để đi làm lại, nhưng rồi vì không yên tâm nên hai vợ chồng bàn nhau chồng sẽ đi làm, tôi ở nhà chăm con lo nội trợ. Tuy kinh tế khó khăn hơn nhưng sức khỏe của các con được đảm bảo, chứ thả con cho giúp việc nhỡ chăm lo không chu đáo thì con lại bị ốm, đến lúc đó vừa tốn kém vừa xót con.
Mặc dù vậy nhưng không phải ai cũng hiểu cho chỗ khó của vợ chồng tôi, nhất là bà chị chồng quá lứa của tôi. Từ khi mới về làm dâu, chị đã không ưa tôi ra mặt, dù nhiều lần em dâu cố làm thân, biếu tặng quà cáp thì chị vẫn thường xuyên gây khó dễ, đâm chọc tôi. Sau khi nghỉ việc ở nhà trông hai con, chị lại càng tỏ vẻ coi thường.
Mỗi lần về nhà nội chơi, chị lại móc mỉa: “Có mấy ai sướng như em dâu đâu, chỉ việc ăn với đẻ rồi ở nhà chồng nuôi, tiêu tiền không phải nghĩ”. Hay khi con tôi ốm, chị lại đá xoáy: “Ở nhà có mỗi việc chăm con thôi cũng không xong, để cháu tôi ốm thế này đây”. Tôi ức chế vô cùng nhưng để êm nhà êm cửa nên đành nín nhịn cho qua chuyện, không muốn đôi co với chị chồng làm gì.
Chị dâu thường xuyên móc mỉa, đá xoáy tôi nhưng tôi vẫn cố nín nhịn cho êm nhà êm cửa. (Ảnh minh họa)
Có lần giỗ bà nội chồng, chồng tôi đang đi công tác nên chỉ có ba mẹ con tôi về. Vì bố chồng là con trưởng, có trách nhiệm lo hương hỏa, thờ cúng ông bà nên đám giỗ được làm ở nhà bố mẹ chồng tôi. Song các cô dì chú bác đều ở xa nên chủ yếu đến ăn là chính hoặc phụ rửa bát, dọn dẹp về sau chứ việc đi chợ, nấu nướng đều là tôi làm hết. Mẹ chồng trông 2 cháu, phụ được con dâu chút nào thì phụ.
Sau khi ăn uống, dọn dẹp xong xuôi, tôi xin mẹ chồng gói chút thức ăn mang về. Không ngờ lúc chuẩn bị ra xe thì đụng mặt chị dâu. Thấy tôi xách túi thức ăn, chị liền bĩu môi dè bỉu:
- Các cụ nói cấm có sai, nhà giàu tham việc, thất nghiệp tham ăn. Cô đi ăn cỗ xong còn xách túi lớn túi nhỏ mang về, cô không thấy xấu hổ à? Không biết câu miếng ăn là miếng nhục à?
Chị chồng vừa nói vừa nguýt dài khiến tôi ngây người, phút chốc chưa biết đáp trả ra sao, không ngờ chị em trong nhà nhưng chỉ vì chút thức ăn mà chị lại sỉ nhục tôi như vậy. Lúc đó mẹ chồng tôi xách theo túi hoa quả, bánh kẹo đi ra, vừa hay nghe những lời chị chồng vừa nói. Dúi túi hoa quả vào tay tôi, mẹ quay sang chị chồng nghiêm mặt quát:
Thấy tôi xách túi thức ăn mang về, chị dâu liền móc mỉa. (Ảnh minh họa)
- Người cần xấu hổ ở đây là con đó, con có biết hai chữ đó viết thế nào không hả? Nhà có việc đến muộn thì chớ, đến nơi rồi còn viện cớ mệt nằm trong phòng bấm điện thoại tới giờ ăn mới ra. Ăn xong lại ngồi chơi, bát cũng không rửa. Con không đỡ đần cho em dâu còn nói gì. Mẹ muốn giữ mặt mũi cho con nên tính khi nào sẽ nói riêng, nhưng đến nước này thì quá đáng lắm rồi, mẹ không thể nhịn thêm được nữa.
Mà nói cho con nghe, em dâu con tuy ở nhà nhưng nó không hề thất nghiệp. Nó vừa chăm hai đứa trẻ vừa bán hàng online lại góp vốn mở quán ăn với bạn, thu nhập của em nó hiện tại còn gấp đôi, gấp 3 con đấy. Nó vất vả hơn con rất nhiều nhưng chưa một lời than vãn. Còn con, không giúp đỡ các em được gì thì thôi đi, còn suốt ngày cạnh khóe, làm khó nó.
Còn mấy túi thức ăn này là em nó đưa về cho thằng Tuấn (tên chồng tôi). Tối nay nó mới về, mẹ đã cất phần từ trước rồi. Mà kể cả đồ thừa mang về thì đã sao, để đó bố mẹ cũng ăn không xuể, hỏng bỏ đi lại uổng. Chỉ có con chẳng kiếm được mấy đồng mà suốt ngày chê bai nọ kia, tiêu xài hoang phí thôi.
Bị mẹ mắng, chị chồng tái mặt không nói được lời nào, tức giận bỏ về. Tôi không ngờ mẹ lại bênh tôi, mắng chị như vậy, trong lòng thầm cảm ơn bà. Sau hôm ấy, mối quan hệ chị chồng em dâu cũng bớt căng thẳng hơn, mỗi lần gặp mặt, chị chồng không còn hoạch họe, bóng gió xem thường tôi như trước nữa.
Theo Thời báo văn học nghệ thuật