Làm gì khi trẻ quá nhút nhát?

Thủy Nguyên| 12/04/2022 20:21

Những đứa trẻ nhút nhát, thiếu tự tin thường khó thành công trong cuộc sống sau này. Nếu muốn con tự tin, làm chủ cuộc sống của chính mình trong tương lai, cha mẹ cần can thiệp sớm.

Nhút nhát hay tự tin thường được cho là tính cách riêng của từng đứa trẻ. Tuy nhiên, nếu quan sát bạn sẽ thấy phần nhiều tính cách đó ảnh hưởng bởi cách dạy dỗ từ cha mẹ.

Vì sao trẻ nhút nhát?

Trẻ bị cha mẹ "giữ con quá kỹ", hạn chế tiếp xúc với xung quanh sẽ thường rụt rè, khó hòa nhập với môi trường bên ngoài hoặc người lạ. Rất dễ nhận biết dấu hiệu này khi đặt trẻ trong môi trường xa lạ, bởi trẻ dễ dàng khóc toáng lên hoặc thu mình lại, không muốn tiếp xúc cùng ai.

istock-683914786.jpg
Trẻ nhút nhát không phải do 'bẩm sinh' mà do cách dạy dỗ của cha mẹ. Ảnh minh họa

Không chỉ nhát người lạ và môi trường bên ngoài, ngại giao tiếp, nhiều trẻ lại có tâm lí sợ ngay trong chính gia đình mình cũng bởi cách giáo dục từ cha mẹ. Trẻ sợ mọi thứ khi tự mình thực hiện. Nguyên nhân của tình trạng này là do khi trẻ còn bé, cha mẹ hay dọa trẻ để trẻ không đi lạc, không chạm vào các thiết bị điện, gas…

Tâm lý chung của nhiều cha mẹ là thường hay dọa khi không muốn trẻ làm điều gì đó. Dần dần sự sợ hãi hình thành. Trẻ chủ yếu quanh quẩn trong nhà, làm gì cũng muốn người lớn làm giúp.

overwhelmedfearanxietyworry_11zon.jpg
Thói quen 'sợ con ngã đau' và bảo bọc mọi lúc mọi nơi có thể hình thành trong trẻ sự ỷ lại. Ảnh minh họa

Chính tâm lý sợ con ngã đau, sợ con nguy hiểm làm cha mẹ trở thành chỗ dựa dẫm cho trẻ mọi nơi mọi lúc. Khi lớn lên, sự kiểm soát bên cạnh không còn, trẻ rất khó khăn khi một mình giải quyết vấn đề. Đừng nghĩ những việc như tự cắm phích tivi, bật bếp… là việc nhỏ, bởi khi trẻ đến tuổi có thể ý thức sự an toàn và tự mình thực hiện, nếu cha mẹ tiếp tục bảo bọc trẻ, đó sẽ là mầm mống cho những ỷ lại, sợ hãi mang tính nghiêm trọng hơn.

Những bài học giúp con tự tin

Sự nhút nhát nảy sinh ngay từ ấu thơ sẽ lớn dần lên theo năm tháng và trở thành tính cách. Cha mẹ sẽ thấy trẻ rất chật vật khi bước vào cuộc sống cần sự tự lập. Bài học giúp con xóa bỏ tính nhút nhát nên được cha mẹ thực hiện ngay khi con còn nhỏ:

Giải trí cùng con
Cha mẹ nên dành thời gian ở nhà với con nhiều hơn, giúp con làm quen dần với việc xuất hiện của những vị khách, dạy con chào hỏi khách, động viên con ra ngoài, đưa con đi chơi nhiều hơn ở nơi đông người để quen và không bị lạc lõng.

t-7f7ac5fa9adc965891755e63a59e470e-shutterstock_143356600-1192x671pixels.jpg
Chơi cùng cha mẹ cũng là cách giúp trẻ tự tin hơn. Ảnh minh họa

Cha mẹ cũng có thể nói con dắt bạn về nhà nếu con thích. Càng cho con giao tiếp nhiều, trẻ càng mở lòng hơn.

Chú ý đến con
Lắng nghe khi con nói và quan tâm con bằng sự trìu mến. Nếu bạn phớt lờ con, trẻ sẽ tắt cảm hứng chia sẻ ngay lập tức. Điều này khiến trẻ nói ít hơn. Khi trẻ bị phớt lờ­­­ rất dễ thu mình bởi cảm giác không ai muốn nghe mình và mang tâm lý đó khi ra trước đám đông. Có nhiều cách để quan tâm con thay vì chỉ biết chiều chuộng. Lắng nghe con bạn sẽ hiểu tính cách, ưu và nhược điểm để giúp con phát huy cũng như khắc phục, tìm ra lý do khiến chúng nhút nhát.
Không “dán nhãn” 

Đừng mặc định suy nghĩ: con là đứa trẻ nhút nhát, rụt rè, thiếu tự tin. Đừng xấu hổ về điều đó khi có ai đó góp ý con bạn nhút nhát. Hãy giúp con tự nhận ra và khắc phục.

10f8831d-93a9-4a92-a9d1-5960642eba7e_child_anxiety3.jpg
Động viên, khen ngợi khi trẻ làm được việc nhỏ nhất, cũng là cách để rèn sự tự tin. Ảnh minh họa

Giúp con đi qua sợ hãi

Nếu con sợ hãi phích cắm, sợ một mình trên lầu trong bóng tối, sợ đi học… cha mẹ hãy tập cho con đi qua những nỗi sợ hãi ấy: tự mình làm và hướng dẫn con thực hành. Đặt ra những tình huống và cùng tham gia với con giúp trẻ quen dần với việc giải quyết. Đến nơi xa lạ, con chưa hòa nhập cùng các bạn khác, mẹ có thể chơi cùng con trước, dắt con lại và hòa mình cùng xung quanh, sau đó lùi dần để con chơi cùng các bạn.
Tạo tính tự lập

Khi trẻ còn nhỏ, hãy dạy con tự lập thay vì làm giúp tất cả. Khen ngợi khi con tự ăn cơm, mang giày, xếp quần áo... Điều này giúp trẻ phát triển tính tự giác và kích thích sự tự tin.

Nói trước đám đông
Các chuyên gia cho rằng trẻ ít nói có liên quan đến sự nhút nhát. Kỹ năng diễn đạt chính xác điều mình muốn giúp trẻ tự tin hơn. Khi trẻ còn nhỏ hãy cho con khả năng ngôn ngữ tốt nhất có thể: thực hành giao tiếp ngôn ngữ với người lạ bằng những câu chào hỏi đơn giản, lời chúc… Với trẻ lớn hơn, hãy trao đổi với giáo viên của trẻ và nhờ sự giúp đỡ để trẻ mạnh dạn phát biểu, đọc bài hay trả lời câu hỏi… Những lần nói trước lớp, trước đám đông giúp trẻ tự tin.

kids-anxiety.jpg
Không chê con nhút nhát và so sánh với những đứa trẻ xung quanh. Ảnh minh họa

Bridget Mwape, tác giả các bài viết về dạy con ở Anh chia sẻ:

  • Đừng chê trách con nhút nhát: khi nói với con điều đó, bạn sẽ vô tình tạo áp lực khiến trẻ căng thẳng hơn. Hãy động viên và góp ý tế nhị bằng cách nói khi có mặt con rằng: “Bé nhút nhát thế thôi nhưng chơi piano hay tuyệt đấy nhé!”.
  • Không so sánh sự nhút nhát của con với trẻ khác và không chấp nhận người khác làm tổn thương con mình.
  • Hạn chế những hoạt động cô lập ở con như: xem tivi, nghe nhạc… khuyến khích con tham gia hoạt động tập thể.
  • Giúp con phát hiện khả năng của mình: điều này giúp con tự tin hơn.
  • Không ép buộc làm những điều bạn biết con không thể.

Theo Mwape, nhút nhát không có gì là sai, nó chỉ đơn giản là trẻ không thoải mái trong các tình huống xã hội. Sự nhút nhát được dung dưỡng ngay từ ấu thơ sẽ lớn dần theo năm tháng. Vì vậy, hãy đồng hành và giúp con sớm vượt qua.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Làm gì khi trẻ quá nhút nhát?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO