Lạm dụng truyền dịch trong mùa sốt xuất huyết

ANH ĐÀO| 27/07/2022 16:37

Thời gian gần đây, một số trường hợp người bệnh đã tử vong khi truyền dịch có kết quả xét nghiệm dương tính sốt xuất huyết. Nhiều người dân vẫn còn giữ quan niệm cứ mệt là truyền dịch.

truyen-dich-tai-nha.jpeg
Nhiều bệnh nhân đã tử vong khi sốt xuất huyết truyền dịch - Ảnh: Internet

Quảng cáo rầm rộ trên mạng

Chỉ cần gõ từ khóa “truyền dịch tại nhà” tại thanh công cụ tìm kiếm Facebook, hoàng loạt các trang quảng cáo dịch vụ truyền dịch tại nhà đua nhau quảng cáo.

Các trang này cam kết với khách hàng có thể truyền tất cả các loại dịch như: Nước biển, vitamin, hạ sốt… cho các bệnh như: sốt xuất huyết, viêm phế quản, bệnh lý gầy yếu, chóng mặt, đau đầu… phục vụ 24/24 với giá từ vài trăm đến 1 triệu đồng.

Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM yêu cầu phòng khám đa khoa V.P. tại quận Bình Tân tạm ngưng hoạt động để điều tra, làm rõ nguyên nhân một phụ nữ tử vong tại đây.

Cụ thể, tại đây bệnh nhân T.T.H. (28 tuổi) bị sốt, đau đầu, đến thăm khám có kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết. Để xử trí, phòng khám đã truyền dịch, ngay sau đó chị H. đột ngột chuyển nặng và được đưa đến Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu. Bệnh nhân tử vong trước khi đến bệnh viện.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) - cho biết cho biết tại bệnh viện thời gian qua có tiếp nhận, điều trị một số bệnh nhân nguy kịch do truyền dịch, tiêm thuốc tại phòng khám tư.

Điển hình, một bệnh nhi 7 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai, bị sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng mạch và huyết áp không đo được. Người nhà cho biết bệnh nhi sốt ngày thứ nhất, gia đình có liên hệ bác sĩ quen đến khám. Bác sĩ chẩn đoán nghi sốt xuất huyết và tiêm 2 mũi thuốc vào mông.

Tuy nhiên, ngày thứ 3 của bệnh, bé mệt hơn, nôn ói nhiều, đau bụng, li bì, lạnh và tím tay chân. Tại bệnh viện, bệnh nhi đã được hồi sức hô hấp tuần hoàn tích cực và đã qua cơn nguy kịch.

hinh-7-1463720839.jpeg
Truyền dịch phải có chỉ định của bác sĩ - Ảnh: Internet

Phải có chỉ định của bác sĩ

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) - cho biết hiện nhiều người “cứ mệt” là truyền dịch và thông thường sẽ được tư vấn truyền nước biển, vitamin, đạm.

Tuy nhiên, không phải ai cũng cần và không phải ai cũng được phép thực hiện truyền dịch. Hiện đã có quy định rất rõ về việc quy định các cơ sở, bác sĩ và bác sĩ có chứng chỉ bác sĩ gia đình mới được phép truyền dịch tại nhà.

Ngoài ra, trước khi truyền dịch nên xét nghiệm công thức máu. Đối với những bệnh lý thông thường, người bệnh nên bổ sung các dưỡng chất bằng đường ăn uống. Như vậy, không chỉ giúp cơ thể nhanh chóng khỏi bệnh mà còn tránh được nguy cơ có thể gặp phải khi truyền dịch.

ThS.BS Đỗ Thiện Hải - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết kỹ thuật truyền dịch khá đơn giản nhưng nếu thực hiện không đúng thì dễ xảy ra những tai biến sốc phản vệ do tốc độ truyền quá nhanh, cơ địa bệnh nhân dị ứng với thành phần trong dịch truyền.

Khi truyền dịch, với bất cứ dịch truyền nào, đều có thể có các tai biến xảy ra. Trước hết là nguy cơ nhiễm trùng, xuất phát từ nơi đưa thuốc vào cơ thể. Các bệnh nhiễm như HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, C... đều có thể lây nhiễm qua con đường tiêm chích, đặc biệt qua truyền dịch, nếu việc truyền dịch bừa bãi không đúng quy cách, không được vô trùng.

Do truyền dịch đưa vào cơ thể một số lượng nước lớn, các chất điện giải, các chất dinh dưỡng nên có thể gây rối loạn về chuyển hóa, gây các hiện tượng phù ở tim, thận... Việc bổ sung không đúng các chất dễ gây nguy hiểm đến tính mạng như bệnh nhân mất điện giải mà truyền đường sẽ làm bệnh nặng hơn, thiếu natri mà truyền đường sẽ làm máu loãng gây phù não; thừa natri mà truyền muối quá nhiều làm teo não...

Đặc biệt, dịch truyền có thể gây phản ứng toàn thân khi cơ thể không "chịu" như hiện tượng sốt run hoặc gây sốc dịch truyền rất nguy hiểm.

Khi nào nên truyền dịch?

Bác sĩ Hải khuyến cáo chỉ nên truyền dịch khi sốt quá cao, nôn quá nhiều gây mất nước, đi ngoài mất nước như những bệnh nhân bị tiêu chảy, tụt huyết áp…người bệnh không thể ăn, uống được. Những bệnh nhẹ thì không nên truyền dịch.

Nếu cơ thể mất nước mà vẫn ăn uống được thì truyền dịch không tốt hơn là mấy so với việc bù nước qua đường uống. Mọi người có thể bù nước bằng cách thông thường như với tỷ lệ 5g đường/100ml dung dịch thì việc truyền cho trẻ một chai Gglucose 5% chỉ tương đương với việc cho trẻ uống gần một thìa cà phê đường. Hay truyền một chai dung dịch muối 9% chỉ như uống một bát canh nhạt.

Dịch truyền cũng được coi là một loại thuốc, vì vậy liều dùng phải do bác sĩ chỉ định và cần theo dõi liên tục đề phòng các tai biến xảy ra. Một số trường hợp chống chỉ định như: suy thận cấp, suy thận mãn, suy gan, viêm gan nặng, chấn thương sọ cấp...

Để bảo đảm tính mạng người bệnh, nhất thiết truyền đạm phải có chỉ định của bác sĩ, truyền tại cơ sở y tế, phải có thuốc cấp cứu chống choáng, chống sốc, phải có người theo dõi kèm theo phiếu tiêm truyền để khi có tai biến xử lý được kịp thời.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lạm dụng truyền dịch trong mùa sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO