Lái xe đường dài dịp 2/9, cần lưu ý 8 bộ phận trên xe để yên tâm khởi hành

31/08/2022 14:52

Kỳ nghỉ lễ dài ngày như Quốc khánh 2/9 sắp tới là dịp để nhiều gia đình về quê hay đi chơi xa bằng ô tô. Để chuyến đi được thuận lợi nhất, bạn chỉ cần dành ra khoảng 10 phút để kiểm tra một số bộ phận sau đây trước khi khởi hành.

Quốc khánh 2/9 năm nay là lần đầu tiên người lao động được nghỉ tới 4 ngày liên tục do trùng với 2 ngày nghỉ cuối tuần. Nhiều gia đình ở thành phố đã tranh thủ những ngày nghỉ này để lên kế hoạch lái xe về quê, đi du lịch hoặc khám phá miền đất mới bằng ô tô cá nhân trước khi các con bước vào năm học mới.

Những chuyên gia có kinh nghiệm cho rằng, trước mỗi chuyến đi xa, chỉ cần bỏ ra một chút thời gian tự kiểm tra những hạng mục thiết yếu trên chiếc xe sẽ giúp chuyến đi của bạn an toàn hơn nhiều.

Dưới đây sẽ là 8 hạng mục trên ô tô mà bạn hoàn toàn có thể tự kiểm tra bằng mắt thường:

1. Lốp xe:

Lốp xe là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đến trục trặc cho chuyến đi, nhất là trên những cung đường xấu, đường nông thôn, đường đèo núi,... Do đó, trước khi đi xa, kiểm tra lốp là điều hết sức cần thiết. Các lốp xe phải đủ hơi với chỉ số áp suất theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.

Lốp xe là bộ phận cần kiểm tra đầu tiên trước mỗi chuyến đi xa.

Nếu lốp của bạn quá mòn hoặc đã hết date, đừng tiếc rẻ nữa, hãy thay ngay những chiếc lốp mới để yên tâm đi trong dịp nghỉ lễ. Các chuyên gia khuyên rằng, lốp ô tô chỉ nên dùng liên tục dưới 5 năm và không quá 10 năm sau ngày sản xuất.

Phòng trường hợp không may bị thủng lốp giữa đường, nhiều người cũng trang bị thêm một chiếc bơm mini để sẵn trong xe, có thể bổ sung hơi khi cần thiết. Bạn cũng cần kiểm tra cả lốp dự phòng và đồ thay lốp, đảm bảo lốp đủ hơi và còn hoạt động tốt.

2. Phanh xe

Hệ thống phanh có liên quan trực tiếp đến khả năng xử lý tình huống và đảm bảo an toàn cho người ngồi trên xe, nhất là trong những chuyến đi dài, những cung đường đèo dốc thường xuyên phải sử dụng phanh.

Để đảm bảo phanh hoạt động tốt, việc kiểm tra cần được thực hiện thường xuyên. Khi đi đường, nếu thấy bàn đạp phanh quá mềm hoặc quá cứng; đèn cảnh báo hệ thống phanh bật sáng, có tiếng động lạ phát ra liên tục từ hệ thống phanh,… bạn nên đưa xe vào gara để kiểm tra.

Ngoài ra, đĩa phanh cũng có thể quan sát bằng mắt thường. Nếu đĩa phanh bị cong, vênh, quá mòn,... cũng ảnh hưởng lớn đến an toàn khi di chuyển và phải xử lý sớm.

3. Ắc quy

Để kiểm tra tình trạng ắc-quy, bạn phải mở nắp ca-pô, quan sát bên ngoài ắc quy xem có bị phồng, biến dạng hay sùi ở các cọc ắc quy hay không. Nếu xuất hiện các hiện tượng trên, bạn nên thay ngay một bình ắc quy mới.

Thông thường, bình ắc quy được thay mới sau 2-3 năm sử dụng.

Vấn đề về ắc quy có thể dẫn tới những phiền phức bất thình lình khi chiếc xe của bạn khó nổ hoặc không thể nổ được, thậm chí chết máy bất ngờ khi đang đi đường. Thông thường, bình ắc quy được thay mới sau 2-3 năm sử dụng tuỳ vào điều kiện sử dụng.

4. Dầu máy:

Dầu nhớt bôi trơn cho động cơ cũng hết sức quan trọng đối với hoạt động của xe. Khi mở nắp ca-pô, mức dầu máy cũng được kiểm tra dễ dàng thông qua que thăm dầu. Nếu dầu máy ở dưới mức min, bạn nên bổ sung dầu ngay lập tức.

Dầu còn quá ít hoặc không đạt chất lượng có thể khiến xe hoạt động bị "ì", để lâu dài có thể làm hỏng các bộ phận của động cơ. Dầu máy cũng là hạng mục cần kiểm tra, bổ sung trước mỗi hành trình dài.

Loại dầu nhớt cho ô tô thường được thay mới khoảng 5.000km-10.000 km tuỳ vào chủng loại dầu và tình trạng xe. Bạn nên thay dầu định kỳ đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất để máy hoạt động được trơn tru và ổn định nhất.

5. Nước làm mát:

Kiểm tra nước làm mát và bổ sung ngay khi nước mát bị thiếu. 

Nước làm mát đóng vai trò kỳ quan trọng giúp làm mát động cơ. Khi bị rò rỉ nước, nắp bình nước phụ không kín khít hay bục đường ống, chiếc xe của bạn sẽ bị hết nước. Hệ quả của điều này là nhiệt độ động cơ tăng rất cao dẫn đến bó máy và nằm đường, nặng hơn có thể dẫn tới hỏng máy, phải sửa chữa rất tốn kém.

Để khắc phục tối đa rủi ro này, bạn có thể kiểm tra nước làm mát bằng cách mở nắp bình nước phụ và kiểm tra mức nước xem còn ở mức an toàn hay không? Nếu ít hơn mức Min, bạn cần bổ sung nước làm mát đúng chủng loại ngay lập tức.

6. Gạt mưa, nước rửa kính:

Khác với nước làm mát, nước rửa kính không phải quá quan trọng trong việc vận hành ô tô. Tuy nhiên, nước rửa kính đột ngột hết vào lúc mưa phùn nhẹ hoặc đoạn đường bụi bẩn thì thật phiền phức, gạt mưa khô mà không có nước rửa kính sẽ không sạch, ảnh hưởng đến tầm nhìn và còn dễ làm xước, hỏng kính.

Nhiều người gần như không bao giờ để ý đến nước rửa kính và thường là đến khi hết nước mới biết và bổ sung. Những lái xe có kinh nghiệm khuyên rằng, trước mỗi chuyến đi dài như dịp lễ, bạn nên bổ sung đủ nước rửa kính chuyên dụng ngay cả khi chưa hết.

Ngoài ra cũng cần kiểm tra tình trạng của gạt mưa, nếu gạt mưa của bạn đã quá cũ, đừng ngại ngần thay một đôi gạt mưa mới để bảo vệ kính lái và giúp lái xe có tầm nhìn tốt nhất.

7. Hệ thống đèn: 

Hệ thống đèn trên chiếc xe ô tô bao gồm khá nhiều loại: Đèn chiếu sáng (pha, cos), đèn xi-nhan, đèn gầm, đèn chiếu hậu, đèn phanh, đèn soi biển số. Hãy bật tất cả các loại đèn và kiểm tra một lượt để chắc chắn rằng chúng còn hoạt động tốt, kể cả đèn phanh và đèn soi biển số.

Kiểm tra, vệ sinh đèn pha ô tô giúp lái xe an toàn hơn.

Những trục trặc về đèn không mấy liên quan đến vận hành của chiếc xe nhưng lại ảnh hưởng lớn đến điều kiện an toàn khi lái xe, đặc biệt là vào ban đêm ở miền núi, nông thôn và nơi có thời tiết xấu.

Ngoài ra, nếu một trong những bóng đèn trên xe bị hỏng, không sáng còn có thể bị cảnh sát giao thông dừng xe để xử phạt rất nặng theo quy định.

8. Hệ thống lọc gió

Khi lọc gió quá cũ hoặc quá bẩn sẽ dẫn tới tình trạng tiêu tốn nhiều năng lượng, nhanh nóng máy. Lọc gió cần được tháo ra và làm sạch thường xuyên. Nếu lọc gió của bạn đã quá cũ, đừng ngại ngần thay mới chúng.

Lọc gió là bộ phận thường xuyên cần được kiểm tra, vệ sinh. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Ngoài 8 hạng mục kỹ thuật cần kiểm tra ở trên, đương nhiên bạn phải mang theo các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, giấy tờ xe, bảo hiểm, giấy đăng kiểm. Đồng thời cần kiểm tra tài khoản ETC của mình xem có đủ tiền để đi qua các trạm trên lộ trình di chuyển hay không. Nếu thiếu phải nạp tiền vào ngay để tránh phiền phức, mất thời gian.

Trước mỗi chuyến đi xa, cũng nên kiểm tra cả bộ cứu hộ như bơm, kích, cà-lê, tuốc-nơ-vít,... xem chúng còn hoạt động tốt không, phòng trường hợp bất trắc có thể "sơ cứu" xe được ngay. Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị nước uống, đồ ăn nhẹ, túi ni-lon trên xe.

Như vậy, chỉ mất khoảng 10 phút, bạn đã có thể "soi" những hạng mục cơ bản trên xế cưng của mình, đảm bảo rằng mọi thứ hoạt động tốt. Các chuyên gia khuyên rằng, khâu chuẩn bị càng kỹ càng bao nhiêu thì chuyến đi lại càng an toàn bấy nhiêu.

Chúc quý vị và gia đình có dịp nghỉ lễ đáng nhớ và an toàn trên mọi nẻo đường!

Hoàng Hiệp

Bạn có góc nhìn nào về câu chuyện trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Mọi câu hỏi tư vấn về sử dụng, mua bán xe xin gửi tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/lai-xe-duong-dai-dip-2-9-can-luu-y-8-bo-phan-nay-tren-xe-de-yen-tam-khoi-hanh-2055101.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/lai-xe-duong-dai-dip-2-9-can-luu-y-8-bo-phan-nay-tren-xe-de-yen-tam-khoi-hanh-2055101.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lái xe đường dài dịp 2/9, cần lưu ý 8 bộ phận trên xe để yên tâm khởi hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO