Theo một báo cáo từ Redfin, tỷ lệ hợp đồng mua bán nhà bị hủy trong tháng 6 chiếm gần 15% tổng giao dịch, mức cao nhất kể từ đầu năm 2020. Con số này cũng cao hơn so với mức hủy 11% năm ngoái.
Lãi suất vay thế chấp cao hơn và lạm phát nóng lên là nguyên nhân khiến nhiều người mua nhà tiềm năng ở Mỹ cân nhắc lại việc xuống tiền.
Lãi suất trung bình đối với vay thế chấp cố định 30 năm vào đầu năm nay ở mức khoảng 3%, sau đó bắt đầu tăng đều đặn và chỉ trong một thời gian ngắn đã vọt lên trên 6% vào giữa tháng 6, trước khi thu hẹp về khoảng 5,75% hiện nay, theo Mortgage News Daily.
Mức lãi suất vay thế chấp cao hơn cũng khiến một số người đi vay không đủ điều kiện để vay mức mà họ muốn. Các tổ chức tín dụng thường sử dụng tỷ lệ nợ trên thu nhập (DTI) trả trước là khoảng 28% làm mức trần cho các khoản vay mua nhà.
Theo một báo cáo từ Attom, nhà cung cấp dữ liệu bất động sản, chi phí để sở hữu một căn nhà giá tầm trung trong quý II cần 31,5% mức lương trung bình của người Mỹ. Đây là tỷ lệ phần trăm cao nhất kể từ năm 2007 và tăng so với mức 24% của năm ngoái, đánh dấu mức nhảy vọt lớn nhất trong hơn 2 thập kỷ.
Một lý do nữa là người mua nhà đang chứng kiến thị trường bất động sản hạ nhiệt nhanh chóng sau thời gian tăng nóng. Họ không còn cảm thấy phải mua gấp một căn nhà mà có thể mất giá trong năm tới.
"Mức ganh đua trên thị trường nhà đất chậm lại đang tạo cơ hội cho người mua thương thảo. Đó là lý do khiến nhiều người mua hủy bỏ các giao dịch", nhà kinh tế Taylor Marr tại Redfin cho biết.
Các nhà xây dựng cũng đang chứng kiến tỷ lệ hủy bỏ cao hơn. Ngay cả trước khi tỷ lệ này tăng mạnh nhất trong tháng 6, theo một khảo sát của John Burns Real Estate Consulting (JBREC), tỷ lệ hủy bỏ trong tháng 5 cũng đã vọt lên mức 9,3% so với mức 6,6% cùng kỳ năm ngoái.
"Sự hối hận và hủy bỏ giao dịch của người mua ngay sau khi ký kết hợp đồng cũng đang tăng lên. Các nhà xây dựng cho biết người mua đang lo lắng đến khả năng suy thoái kinh tế, lưỡng lự giữa việc chấp nhận mức giá cao hơn hoặc đợi giá nhà giảm xuống", Jody Kahn, Phó chủ tịch cấp cao tại JBREC cho biết. Theo bà, cuộc khảo sát của hãng vào giữa tháng 6 tiếp tục cho thấy việc hủy bỏ hợp đồng của người mua đang tăng lên.
Trong khi đó, Lennar - một trong những công ty xây dựng nhà ở lớn nhất ở Mỹ - cho biết trong báo cáo thu nhập quý gần đây nhất, tỷ lệ hủy bỏ đã tăng lên 11,8% nhưng vẫn thấp hơn so với mức trung bình trong lịch sử. Công ty này cũng cho biết họ đang tăng cường các biện pháp khuyến khích để bù đắp cho nhu cầu sụt giảm khi lãi suất tăng.
"Có vẻ như những xu hướng này sẽ ngày càng khó khăn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục chính sách thắt chặt cho đến khi lạm phát đi xuống. Mặc dù chúng ta có thể chọn cách chống lại xu hướng đó nhưng thực tế là thị trường đã và đang thay đổi và chúng ta phải đón đầu bằng mọi điều chỉnh cần thiết", ông Stuart Miller - Chủ tịch của Lennar - nói.