Cụ thể, số liệu mới nhất cho thấy, tại ngày 30/6/2022, tiền gửi của khách hàng đạt hơn 11,46 triệu tỷ đồng, tăng thêm hơn 92.400 tỷ so với cuối tháng 5/2022 và tăng hơn 522.500 tỷ so với cuối năm 2021.
Trong đó, tiền gửi của khách hàng là tổ chức kinh tế đạt gần 5,85 triệu tỷ đồng, tăng gần 42 nghìn tỷ trong tháng 6 và tăng hơn 200 nghìn tỷ trong nửa đầu năm.
Tiền gửi của dân cư tăng trưởng mạnh hơn, đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 6, tăng hơn 50 nghìn tỷ trong tháng 6 và tăng gần 320 nghìn tỷ trong nửa đầu năm.
Xu hướng này trái ngược hoàn toàn với 2 năm Covid. Giai đoạn 2020-2021, do môi trường lãi suất thấp, tiền gửi ngân hàng kém cạnh tranh hơn các kênh đầu tư khác khiến người dân rút tiền để rót vào chứng khoán, bất động sản. Trong khi đó, tiền gửi của các doanh nghiệp lại tăng mạnh do dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến họ không dám mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sau dịch bệnh, nền kinh tế mở cửa và phục hồi mạnh mẽ đã khiến dòng tiền đảo chiều rõ rệt. Các ngân hàng cũng liên tục tăng lãi suất từ đầu năm đến nay để thu hút tiền gửi của khách hàng cá nhân. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng tiền gửi tại hệ thống ngân hàng đạt 4,77%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (3,83%).
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tiền gửi vẫn còn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Theo NHNN, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đến cuối tháng 6/2022 đạt hơn 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,44% so với đầu năm.
Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, mặc dù đã tăng thời gian qua nhưng lãi suất tiền gửi vẫn còn kém hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác khiến cho tăng trưởng tiền gửi còn chậm trong 7 tháng đầu năm. Đây sẽ là một trong những áp lực khiến cho lãi suất huy động sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trên thực tế, trong tháng 7, tháng 8, mặc dù nhiều ngân hàng chưa được cấp thêm "room" tăng trưởng tín dụng nhưng cuộc đua lãi suất huy động vẫn tiếp tục.
Hiện có gần chục ngân hàng đã đẩy mức lãi suất huy động lên trên 7%/năm, một số nơi như SCB, CBBank đạt trên 7,5%/năm.
Ngoài ra, trên thị trường cũng xuất hiện những sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất rất cao. Chẳng hạn tại SeABank có chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn lên tới 7,85%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng.
Chênh lệch lãi suất giữa các nhóm ngân hàng hiện nay khá lớn. Tại nhóm Big 4 (Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank), lãi suất cao nhất chỉ 5,6-5,8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn dài. Tại nhóm top đầu ngân hàng như nhân như VPBank, ACB, Sacombank, SHB…lãi suất cao nhất khoảng 6,5-7%/năm.
Báo cáo tài chính quý 2/2022 cũng cho thấy có sự phân hoá giữa các ngân hàng. Có nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tiền gửi đạt trên 10% trong nửa đầu năm như TPBank, VIB, VPBank, HDBank…Trong đó, VPBank có tốc độ tăng trưởng cao nhất, lên tới 22%.
Ở chiều ngược lại, có nhiều nhà băng thậm chí ghi nhận sụt giảm tiền gửi, như VieABank, NCB, PGBank,…
(Theo Nhịp sống kinh tế)