Lạc vào "ma trận" camera giám sát, nhà xe lo tiền mất tật mang

Châu Như Quỳnh| 15/01/2022 08:20

Quy định xử phạt xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát có hiêu lực từ 1/1/2022; việc chào mời gắn camera diễn ra sôi động nhưng giá cả và chất lượng hỗn độn đang làm khó nhà xe.

Trước khi tiêu chuẩn quốc gia về camera được ban hành, việc lựa chọn loại camera đáp ứng pháp lý và chất lượng là vô cùng khó. Doanh nghiệp vận tải phải "căng não" tự đánh giá cả chục tiêu chí và "liều" tin lời các nhà cung cấp "quảng cáo" chất lượng tốt, đã phù hợp với Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.

Ngày 4/11/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Công an ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN13396 về camera giám sát hành trình. Cơ quan chức năng kiểm tra và cấp chứng nhận cho một số dòng camera hợp chuẩn TCVN13396. Từ đó, việc lựa chọn lắp đặt thiết bị đã thuận lợi hơn với các chứng nhận hợp chuẩn, không còn cảnh "mù mờ" như trước.

Từ ngày 1/1/2022, quy định xử phạt ô tô kinh doanh vận tải từ 9 chỗ trở lên không lắp camera giám sát có hiệu lực. Theo đó, xử phạt từ 1-2 triệu đồng đối với lái xe; 5-6 triệu đồng đối với cá nhân và 10-12 triệu đồng đối với tổ chức không lắp camera theo quy định. Đồng thời, phương tiện bị thu hồi phù hiệu 1-3 tháng.

Lạc vào ma trận camera giám sát, nhà xe lo tiền mất tật mang - 1

Quy định xử phạt xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát trên ô tô có hiệu lực từ 1/1/2022 (Ảnh: Nguyễn Dương).

Quy định xử phạt có hiệu lực từ 1/1/2022, nhưng theo số liệu từ Sở GTVT Hà Nội, hiện nay trên địa bàn vẫn có khoảng hơn 60% xe chở khách từ 9 chỗ trở lên chưa lắp camera.

Để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội vừa phối hợp với lực lượng liên quan lập 6 chốt tại cửa ngõ, bến xe từ ngày 10/1. Trước đó, ngày 6/1, Thanh tra GTVT Hà Nội ra quân kiểm tra công tác lắp đặt camera của doanh nghiệp vận tải tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Yên Nghĩa và trên nhiều tuyến đường trục chính ra vào thành phố.

Sôi động thị trường gắn camera giám sát

Theo ghi nhận, thị trường chào mời gắn camera giám sát trên xe ô tô đang diễn ra sôi động. Thị trường xuất hiện nhiều loại camera, có hiện tượng hàng kém chất lượng, giá cả thì "thượng vàng hạ cám". Một số nhà cung cấp tung chiêu trò tạo nên "ma trận" giá.

Trên thực tế, giá thành chung sản phẩm trên thị trường được các đơn vị cung cấp thiết bị đưa ra khoảng 5 triệu đồng/bộ, một số sản phẩm không đạt tiêu chuẩn hay giá thành thấp khoảng hơn 2 triệu khó thể đáp ứng theo quy định. Không ít nhà xe do không tìm hiểu kỹ đã mua nhầm những thiết bị trôi nổi bên ngoài về tự lắp, khó đảm bảo kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý Nhà nước, không liên thông với hệ thống quản lý và xử lý dẫn tới "tiền mất tật mang".

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - khuyến nghị doanh nghiệp vận tải cần chọn loại thiết bị hợp chuẩn đã được ban hành, các thiết bị đã được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng, chứng nhận rõ ràng, đáp ứng đầy đủ pháp lý.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, đại diện Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Hà Nội nêu rõ: Khi kiểm tra điều kiện kinh doanh, nếu camera không hợp chuẩn Sở GTVT sẽ mất thời gian vì phải kiểm tra kỹ, đối chiếu với các tiêu chí của Nghị định 10, Thông tư 12, Thông tư 02… nếu đạt thì mới cấp giấy phép, cấp phù hiệu.

"Tiêu chuẩn đã được ban hành, các doanh nghiệp vận tải nên chọn thiết bị của các nhà cung cấp đủ điều kiện. Tương tự như trước đây, các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình được chứng nhận hợp quy chuẩn, lần này Bộ GTVT nên công bố các nhà cung cấp có sản phẩm đạt theo tiêu chuẩn đã ban hành để doanh nghiệp vận tải biết để lựa chọn, giảm tránh lắp thiết bị không đạt, phải lắp nhiều lần gây tốn kém, lãng phí" - vị đại diện Sở GTVT Hà Nội nói.

Đồng quan điểm trên, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội - cho hay, kinh nghiệm "xương máu" ngày trước lắp thiết bị giám sát hành trình, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải lắp đặt thiết bị không hợp chuẩn. Sau đó, Nhà nước yêu cầu phải lắp hợp chuẩn nên các đơn vị vận tải lại phải "làm lại từ đầu", mất chi phí nâng cấp, thay thế lần nữa.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, hiện có tình trạng nhiều doanh nghiệp vận tải lắp thiết bị không đúng theo chuẩn Nhà nước đã ban hành. Khi lắp thiết bị không đạt chuẩn, không tích hợp được với thiết bị giám sát hành trình và chuyển đổi sang mạng 4G, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư lại thiết bị khác, gây tốn kém, nhất là trong điều kiện dịch bệnh hiện nay.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lạc vào "ma trận" camera giám sát, nhà xe lo tiền mất tật mang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO