Nhộn nhịp những khu chợ
Tôi đến Kathmandu một chiều tháng 11 trời se lạnh, rất thích thú, rất vui, rất hào hứng. Kathmandu, Thamel… cổ kính, bụi bặm, kẹt xe, nhỏ bé… tất cả những gì từng đọc, từng xem trong phim Doctor Stranger đang hiện hữu trước mắt, sống động, đầy âm thanh.
Niềm vui khi đặt chân đến miền đất mơ ước
Khu Thamel Thamel vừa cổ kính vừa hiện đại bán kính chưa tới 1km, như kiểu phố cổ Hà Nội trộn với phố Tây Bùi Viện. Một đứa chẳng mấy thích mua sắm như tôi nhưng cũng bị mê hoặc khi nhìn những cửa hàng bán dụng cụ trekking rực rỡ sắc màu.
Những lá cờ lung ta sắc màu bay phấp phới. Tây balo, khách du lịch đủ mọi quốc tịch trên đường phố. Tất cả hòa quyện đầy âm thanh huyên náo, kéo chúng tôi nhập cuộc.
Bức tranh sắc màu rực rỡ
Chúng tôi dành buổi tối đầu tiên ở đây để ăn thử Momo – một món ăn phổ biến hàng đầu của người Nepal, giống như há cảo, chấm với thứ nước chấm dậy mùi cà ri và uống bia Everest.
Beer ở Kathmandu siêu to khổng lồ, bọn tôi chưa biết mặt mũi chai lọ nhà người ta thế nào đã kêu mỗi đứa một chai. Beer mang ra cả đám xỉu ngang xỉu dọc, 650ml, vỏ chai nào cũng in hình núi tuyết lạnh ê cả răng.
Momo – món ăn truyền thống phổ biến ở Nepal
Nhiều khi tôi nể sự nhiệt tình của chính mình, khi có thể thức dậy giữa cái lạnh để rủ mọi người… đi chợ. Thủ đô Kathmandu nằm ở độ cao không lớn nhưng tháng 11, buổi sớm nhiệt độ cũng dưới 20.
Nhưng giờ đó, phút đó, thứ tôi muốn là đi chợ lúc 5h sáng. Phố xá còn đóng cửa im lìm, cất hết cái nhộn nhịp của đêm qua. May quá, khu chợ sớm cách đó vài km ở gần quảng trường lại vô cùng sống động. Bạn có thể mua những vòng hoa vạn thọ để dâng lễ, treo trước cửa nhà hoặc tặng bạn bè như một lời chúc may mắn.
Một góc chợ bày bán vòng hoa vạn thọ
Tôi rủ mọi người sà vào một hàng bán trà sữa đông người. Lạ một nỗi là ở đây đàn ông đi uống trà sữa nhiều hơn phụ nữ nhé, thấy bọn tôi vào, họ đứng lên nhường chỗ. Món trà sữa Nepal phổ biến như trà đá, cafe ở nước mình vậy, nhưng tôi nghĩ ly trà sữa đầu tiên mà tôi uống ở khu chợ đông đúc ấy là ly ngon nhất.
Người phụ nữ nấu sữa, đổ lá trà đen vào khuấy đều rồi nhanh chóng đổ ra ly nóng hổi. Chúng tôi cứ thế ngồi xem nấu trà, nhấm nháp hương vị, nghe âm thanh chợ sáng xung quanh.
Người phụ nữ khuấy trà sữa
Món ngon thứ hai ở khu chợ là món lassi. Món này gồm có sữa chua, một chút sweet cheese kèm với topping là nho khô, đậu phộng. Quanh khu Durbar Square có rất nhiều quán bán lassi, một điều lạ nữa là người bán chỉ toàn là nam giới, thắc mắc này tôi cũng không biết hỏi ai.
Sữa chua lassi – món ngon phải thử khi đến Kathmandu
Tôi nghĩ việc dành thời gian khám phá một khu chợ cũng là cách để hiểu văn hóa địa phương. Phần lớn người dân Nepal theo đạo Hinđu (Ấn Độ giáo), chiếm khoảng hơn 80%. Chính vì vậy quan sát kĩ ở khu chợ sớm, chủ yếu chỉ bắt gặp những sạp bán rau củ quả, gần như không thấy bày bán thịt (người theo đạo Hinđu không ăn thịt bò).
Một góc chợ bán vải và các loại khăn choàng
Tôi đi leo núi hơn 2 tuần, đã tưởng tượng rất nhiều cảnh mình cuộn một lát thịt ba chỉ heo xèo xèo với lá rau xà lách chấm nước sốt, sau những ngày ăn tuna và spaghetti trợn mắt...
Nhưng ai mà ngờ người Nepal không ăn thịt bò, mà đến thịt heo cũng hiếm có khó tìm. Đúng vào lúc sắp từ bỏ, chúng tôi tìm được một quán ăn Hàn Quốc nằm trong một con hẻm yên ắng phục vụ món thịt heo. Tôi thích quán ăn này vô cùng.
Quán ăn Hàn Quốc hiếm hoi ở Kathmandu có bán thịt heo
Cũng phải cảm ơn Kathmandu đã dạy chúng tôi bài học vỡ lòng về bộ môn trả giá trên nước bạn bằng tất cả đam mê và sự nhiệt huyết, từ những món đồ lưu niệm nhỏ bé nhất như cái vòng tay, móc khóa, đến những món “hàng hiệu” như khăn Kashmiere bày bán ê hề.
Trả nửa giá mà thấy bán ngay là biết hố hàng, trả xong bỏ đi mà bị gọi lại vẫn cứ là hố, nay trả giá này không bán mai rảnh quá quay lại trả giá khác rẻ hơn nhiều khi lại bán.
Durbar square chứng nhân lịch sử
Ngày đó đứng trước khu di tích ở quảng trường Durbar giữa thủ đô Kathmandu, bạn tôi phân tích:
– Giá vé vào tham quan là 1000 ruppi, khoảng 200 ngàn VND. Tao từng vào đây rồi, cũng “chẳng có gì đâu”. Năm 2015 động đất 1 trận phá hủy gần hết rồi.
Lúc đó tôi chẳng biết lấy đâu ra dũng khí, cũng chẳng thấy tiếc tiền, bảo bạn: Vào đi, tôi chưa đi bao giờ, đi cho biết. Thế là bạn cũng đồng ý, mua vé 4 đứa dắt nhau đi tham quan, dù đã từng đi. Lúc đó tôi bảo:
– Nó từng bị động đất sập mất quá trời rồi, ai biết sau này còn cái gì mà xem không. Hơn nữa, biết mình có quay lại đây nữa không. Đi chơi cho chán rồi không quay lại nữa.
Bây giờ nghĩ lại lúc đó, có khi tôi có chút linh cảm thật, không phải Nepal quá xa xôi đến mức không quay lại nữa mà là dịch COVID-19 đã trói chân tất cả chúng tôi.
Vé tham quan Durbar square
Ngày 25/4/2015, trận động đất 7,8 độ richter với tâm chấn nằm ở làng Barpark ở Gorkha, cách thủ đô Kathmandu 80km về phía Tây Bắc, làm thiệt mạng hơn 8000 người.
Trận động đất này làm các tòa nhà di sản thế giới UNESCO Kathmandu Durbar Square cũng như tháp Dharahara được xây năm 1832 sụp đổ hoàn toàn. Ghé thăm bảo tàng trong khu quảng trường, ngay lối vào có thể nhìn thấy ngay những bức ảnh ghi lại trận động đất lịch sử này.
Ngay giữa những tòa tháp, những ngôi đền hiếm hoi còn trụ lại sau trận động đất là bức tranh nhiều mảng màu có phần hỗn độn nhưng cũng yên bình của Durbar : từng đàn chim bồ câu nhẩn nha dạo chơi, người khất thực, ăn xin ngồi hàng dãy dài, những chú chó cuộn mình ngủ trên thảm giữa trời.
Một sự lộn xộn có phần kì lạ và khó hiểu. Nhưng người Nepal rất hiền hòa, dường như chẳng ai làm gì phật lòng du khách. Họ không chèo kéo bạn mua hàng hay năn nỉ xin tiền, mọi thứ đều từ tốn, chậm rãi.
Khách du lịch chụp ảnh với chim bồ câu
Những tòa tháp còn trụ vững sau động đất.
Chúng tôi đi tham quan quảng trường, ra khu chợ trời trả giá vài món đồ lưu niệm rồi ăn sáng trên một cái rooftop nghe rõ tiếng búa, tiếng khoan từ những đại công trình bên cạnh. Họ đang tu sửa những ngôi đền từng bị phá hủy do động đất, và chắc phải làm sao để nó cổ kính một chút.
Khung cảnh chợ trời
Một vài món đồ lưu niệm bày bán
Miền đất huyền bí tâm linh
Nhiều năm trước, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc có ngày mình sẽ đi Nepal. Rất nhiều truyền thuyết, câu chuyện tâm linh về nơi này lưu truyền trong dân gian. Nhưng dường như đó lại là điều làm nơi này càng thêm phần cuốn hút những kẻ ưa mạo hiểm.
Không chỉ là đất nước sở hữu những đỉnh núi cao nhất thế giới, tương truyền, đây còn là nơi Đức Phật sinh ra ở Lumbini – nơi các tín đồ Phật giáo trên thế giới tìm về hành hương.
Một lễ hội trên đường phố của người Nepal
Trong bộ phim Doctor Strange – Phù thủy tối thượng, bác sĩ Strange vốn có niềm tin mãnh liệt vào khoa học nhưng sau một vụ tai nạn khiến ông mất đi khả năng điều khiển đôi tay đã phải tin vào phương pháp vô cùng thần bí. Strange đã sang tận Nepal và vô tình khám phá ra được thế giới phép thuật ẩn giấu suốt hàng ngàn năm là Khamah Taj để chữa trị.
Xa trung tâm chừng nửa tiếng đi bộ là ngôi đền Swayambhunath, hay còn gọi là đền Khỉ linh thiêng bậc nhất trong tín ngưỡng Nepal. Trong đền có rất nhiều khỉ sinh sống và loài vật này được coi là linh vật của ngôi đền. Hình ảnh đặc trưng là khuôn mặt Phật với con mắt thứ 3 trên trán.
Đền Khỉ
Người Nepal có rất nhiều truyền thuyết, cùng các lễ nghi tôn giáo lâu đời, một trong số đó là xoay chuông chuyển kinh luân để tích công đức và treo cờ phướn lungta để cầu may mắn. Buổi chiều đứng trên đỉnh đồi nơi đặt ngôi đền, bạn sẽ có thể nhìn hoàng hôn bao phủ quả thủ đô Kathmandu, xen lẫn cả sương mù, bụi và khói, một đặc trưng rất Nepal.
Chuông chuyển kinh luân và cờ lung ta
Đền Khỉ nằm khá cao nên bao quát toàn cảnh thủ đô Kathmandu
Dịch Covid tràn lan khắp thế giới, láng giềng Nepal là Ấn Độ rơi vào khủng hoảng vì số ca lây nhiễm, số người chết mỗi ngày. Nepal cũng không tránh khỏi làn sóng này, dù núi sông ngăn cách. Tôi đọc báo thấy bảo phải đem xác người chết vì Covid ra hỏa thiêu ở đền thiêng Pashupatinath. Ngôi đền này vốn nổi tiếng với tục đốt xác ngay bên sông.
Nếu có thể vẫn mong một ngày trở lại Kathmandu đứng giữa quảng trường đầy nắng, uống một ly trà sữa hay lassi, thăm lại nơi chốn nhiều kỷ niệm.