Lá thư cuối cùng của người vợ liệt sĩ bị chôn vùi gần 30 năm dưới hầm sâu

27/04/2023 07:44
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Gần 30 năm sau ngày hy sinh, hài cốt liệt sĩ Lê Binh Chủng mới được tìm thấy cùng nhiều di vật quý giá, đặc biệt trong đó có lá thư cuối cùng mà người vợ nơi quê nhà gửi ra tiền tuyến.

Gần 30 năm sau ngày hy sinh, hài cốt của liệt sĩ Lê Binh Chủng mới được tìm thấy cùng nhiều di vật quý giá, đặc biệt trong đó có lá thư cuối cùng mà người vợ nơi quê nhà gửi ra tiền tuyến, được ông bọc cẩn thận trong túi nilon.

Lá thư cuối cùng của người vợ liệt sĩ bị chôn vùi gần 30 năm dưới hầm sâu - 1

Giữa những ngày tháng 4, tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với chủ nhân của một trong những lá thư đang được lưu giữ tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Bà là Phan Thị Biển Khơi - vợ liệt sĩ Lê Binh Chủng - nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn 3, thuộc Tỉnh đội Quảng Trị.

Chiến tranh đã lùi xa, vết thương lòng của cô gái làng biển Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình năm nào giờ đã nguôi ngoai, nhưng ký ức về mối tình đầu với người lính Lê Binh Chủng vẫn luôn nồng ấm trong bà.

Lật lại ký ức về những năm tháng thanh xuân, khi vừa tròn 18 - tuổi đẹp nhất của người thiếu nữ, cô gái trẻ Phan Thị Biển Khơi đăng ký vào bộ đội.

Sau khóa huấn luyện, nữ tân binh được điều động về Tiểu đoàn 3, thuộc Tỉnh đội Quảng Trị (chiến trường B5). Tại đây, bà có duyên gặp gỡ Trung úy Lê Binh Chủng và cảm mến ngay từ cái nhìn đầu tiên, bởi sự hiền lành, chân chất của anh lính trẻ.

Lá thư cuối cùng của người vợ liệt sĩ bị chôn vùi gần 30 năm dưới hầm sâu - 3

Khói lửa chiến tranh đã gắn kết hai con người ấy, họ yêu nhau từ lúc nào không hay. Cô gái có cái tên đặc biệt - Biển Khơi, cùng chàng trai xứ Nghệ - Lê Binh Chủng đã dệt nên mối tình đẹp trên tuyến lửa Thành cổ anh hùng trong những năm đánh Mỹ.

Mối tình đầu chân thành, nồng nàn đã trở thành động lực giúp hai người vượt qua những ngày tháng gian khổ, ác liệt nơi chiến trường. Yêu nhau được hơn một năm thì cô gái trẻ Biển Khơi bị sốt rét nặng phải ra Bắc điều trị, Trung úy Lê Binh Chủng tiếp tục bám trụ Thành cổ, giành giật từng tấc đất với kẻ thù.

Đến đầu năm 1970, khi được đơn vị cho phép, Trung úy Lê Binh Chủng về quê của người yêu ở xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch và một đám cưới bình dị, ấm áp đã diễn ra. Vợ chồng chưa bén hơi nhau, người lính Lê Binh Chủng đã phải quay lại đơn vị để tiếp tục chiến đấu.

"Chúng tôi còn may mắn hơn rất nhiều người vì sau khi cưới được ở cạnh nhau ít ngày, càng vui hơn vì tình yêu đã "đơm hoa kết trái", bởi sau đó tôi đã mang thai con trai đầu lòng, cũng là giọt máu duy nhất của anh Chủng", bà Khơi bồi hồi.

Cuối năm 1970, cậu bé Lê Quảng An ra đời. Cái tên ghép lại từ hai quê Quảng Bình - Nghệ An, được gắn sự tin tưởng về Bắc - Nam sum họp và chứa đựng niềm hy vọng về cuộc đời bình an của đứa con thân yêu.

Lá thư cuối cùng của người vợ liệt sĩ bị chôn vùi gần 30 năm dưới hầm sâu - 5

Cũng như bao người vợ của lính xông pha trận mạc ngày ấy, để động viên chồng, bà Khơi thường xuyên gửi thư ra tiến tuyến. "Anh có khỏe không? Sức khỏe thế nào báo tin cho em biết với nhé, em rất mong. Đã lâu, bận hay sao mà anh ít biên thư thế hả anh? Anh tranh thủ biên thư về kẻo em mong lắm!", bà Khơi bày tỏ nỗi niềm trong thư gửi chồng.

Cùng với những lá thư gửi đi, điều hạnh phúc và mong chờ lớn nhất của bà Khơi chính là những lá thư hồi đáp của chồng, để biết rằng anh vẫn mạnh khỏe, mong ngày toàn thắng, Bắc - Nam sum họp, anh trở về bên vợ con. Với người lính Lê Binh Chủng ngày ấy, vì tình hình chiến sự ác liệt, thỉnh thoảng có điều kiện, ông mới gửi được thư về cho vợ.

"Tôi cũng không thể nhớ đã nhận và gửi đi bao nhiêu lá thư. Cứ mỗi lần gửi đi là mỗi lần mong ngóng hồi âm. Mỗi lần gửi thư về, anh đều kể chuyện chiến trường rồi nhắn nhủ tôi yên tâm, anh mạnh khỏe. Lần tôi báo tin có con, anh mừng lắm, bảo sẽ xin cắt phép để về thăm. Ngày ấy không có điện đài gì nên những lá thư là cách liên lạc duy nhất. Mỗi lá thư về tôi biết anh vẫn còn sống, lại thêm hy vọng vào ngày chiến thắng, anh sẽ về với mẹ con tôi...", bà Khơi nhớ lại.

Lá thư cuối cùng của người vợ liệt sĩ bị chôn vùi gần 30 năm dưới hầm sâu - 7

Chiến tranh đưa bà Khơi và người chồng đến với nhau bằng tình yêu trong sáng và thuần khiết đầu đời. Và cũng chính chiến tranh đã chia cắt họ vĩnh viễn. Tháng 8/1972, gửi lại hậu phương người vợ hiền đảm đang và con thơ chưa kịp quen hơi bố, người lính Lê Binh Chủng đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường Thành cổ khi cuộc chiến đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất.

Ngày nhận tin chồng hy sinh, bà Khơi lặng người trong đau đớn. Và cũng từ đó, người vợ trẻ không còn được nhận những lá thư ám mùi khói đạn luôn kết thúc bằng những từ yêu thương nồng nàn "yêu em và con!". Cũng chẳng còn lá thư nào ký tên Biển Khơi được gửi vào chiến trường nữa...

Những năm sau đó, mỗi lúc nhớ chồng, chông chênh trong cuộc sống, bà Khơi lại lặng lẽ lật từng lá thư chồng gửi về ra đọc, ôm chặt tờ giấy mỏng vào ngực mà khóc, những dòng chữ nhòe đi trong nỗi đau của người vợ lính.

Thời gian, nỗi lo cơm áo bủa vây, những lá thư của liệt sĩ Lê Binh Chủng gửi về dần bị thất lạc, hư hỏng. Niềm an ủi lớn nhất của bà Khơi và con trai là sau gần 30 năm kể từ ngày hy sinh, hài cốt liệt sĩ Lê Binh Chủng cũng được tìm thấy và đưa về an táng tại quê nhà Nghệ An.

Lá thư cuối cùng của người vợ liệt sĩ bị chôn vùi gần 30 năm dưới hầm sâu - 9

Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.

Liệt sĩ Lê Binh Chủng sinh năm 1944, quê ở xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông nhập ngũ tháng 6/1965, tròn 21 tuổi, ông vào thẳng chiến trường B5 tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị.

Trong một đợt tấn công vào Thành cổ giữa năm 1972, đơn vị của Lê Binh Chủng (lúc này anh Lê Binh Chủng là Thượng úy), chiếm được hầm chỉ huy của cố vấn Mỹ. Cuộc chiến giành giật từng căn hầm, từng tấc đất diễn ra vô cùng ác liệt ở nơi được gọi là "cối xay thịt người" này. Sáng 3/8/1972, một trận bom dội xuống ngay căn hầm của Thượng úy Lê Binh Chủng và đồng đội...

Lá thư cuối cùng của người vợ liệt sĩ bị chôn vùi gần 30 năm dưới hầm sâu - 12
Lá thư cuối cùng của người vợ liệt sĩ bị chôn vùi gần 30 năm dưới hầm sâu - 13

Gần 30 năm sau ngày liệt sĩ Lê Binh Chủng hy sinh, năm 1999, trong lúc thi công đào cống thoát nước công trình trùng tu Di tích Thành cổ Quảng Trị, một số công nhân đã phát hiện ra căn hầm ngầm kiên cố, với nắp bê tông cốt thép dày tới hơn 30cm.

Khi các tấm bê tông được khoan cắt và cẩu lên, người ta phát hiện có 7 bộ hài cốt còn nguyên vẹn, nằm rải rác bên dưới. Đặc biệt, ở bộ hài cốt có tư thế tựa vào thành hầm, bên cạnh có chiếc sắc cốt quân đội do Liên Xô sản xuất, trong đó có những di vật và tài liệu vô cùng quý giá như: Sổ công tác, vài bức ảnh và đặc biệt lá thư ký tên người viết là Biển Khơi.

Lá thư cuối cùng của người vợ liệt sĩ bị chôn vùi gần 30 năm dưới hầm sâu - 15

Nhờ lá thư, cơ quan chức năng xác định được một trong 7 hài cốt là liệt sĩ Lê Binh Chủng. Lá thư này được bà Khơi viết vào ngày 15/5/1972, khi tin thắng trận ở chiến trường Trị - Thiên liên tiếp dội về.

"Anh Binh Chủng thương yêu của mẹ con em!

Cầm bút biên thư cho anh trong lúc chiến trường Trị Thiên đang thắng to. Tin vui bay về hậu phương làm cho mọi người dân lòng đầy sung sướng. Tự hào thay trong hàng ngũ những người chiến thắng đó có anh - người mà em gửi gắm bao niềm thương nỗi nhớ… Ba bốn chục năm nay, lòng người bao mong muốn hướng về miền Nam thân yêu, về Trị Thiên ruột thịt. Hôm nay trên chiến trường Trị Thiên đã vang lên tiếng cười của những người dân mất nước. Được trở lại, chắc là anh vui lắm…", bà Khơi viết.

Trong thư, bà Khơi còn viết nhiều về gia đình, cậu con trai Lê Quảng An, kể về tình hình ở quê nhà và cả cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ của quân dân Bố Trạch.

"Con nó bỏ bú, ăn cơm sẵn cá nên dạo này khỏe hơn trước nhiều anh ạ. Mùa màng năm nay lúa tốt lắm, có thể nói từ trước tới nay chưa từng có, đã bước vào thu hoạch mùa rồi, bận lắm. Vừa thu hoạch vừa huấn luyện quân sự để sẵn sàng đối phó với kẻ thù...

Máy bay thì chúng cứ oanh tạc luôn, thường xuyên phải ngủ hầm. Gần đây chúng còn bắn vào làng và giữa đồng, nhưng chỉ có một chị bị chết, còn an toàn cả. Cầu Lý Hòa bị cắt xe đến nay vẫn chưa qua được. Tình hình hầm hào ở nhà vẫn tương đối và chắc lắm! Ngoài đồng đi gặt vẫn có hầm trú ẩn. Báo tin thế để anh biết", bà Khơi kể trong thư.

Lá thư cuối cùng của người vợ liệt sĩ bị chôn vùi gần 30 năm dưới hầm sâu - 17

Trước khi vào chiến trường Quảng Trị và hy sinh, liệt sĩ Lê Binh Chủng có lần được tranh thủ về thăm vợ con. Đó là vào tháng 4/1972, lúc đó cậu bé Lê Quảng An mới 2 tuổi. Anh khoác ba lô về, gặp con trai đang chập chững ngoài cổng. Ghì chặt con trong lòng mà nước mắt rưng rưng. Đó cũng là lần duy nhất và cuối cùng, liệt sĩ Lê Binh Chủng và con trai được gặp nhau.

"Hồi đó tôi còn quá nhỏ nên không thể nhớ được, chỉ có thể cảm nhận và mường tưởng ra hình ảnh bố qua di ảnh mà thôi. Nghe mẹ kể rất nhiều về bố, tôi tự hào vì bố tôi đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc. Chiến tranh có lẽ không bao giờ kết thúc đối với những người như mẹ tôi...", anh An tâm sự.

Lá thư bà Khơi viết cho chồng và nhiều di vật tìm thấy cùng hài cốt liệt sĩ Lê Binh Chủng được bà và con trai tặng Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Quân khu 4 và Bảo tàng Quảng Bình để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước tới các thế hệ mai sau.

Lá thư cuối cùng của người vợ liệt sĩ bị chôn vùi gần 30 năm dưới hầm sâu - 20

Bà Cáp Thị Thiên Trang, Trưởng Ban Quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị cho hay, hiện Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị đang trưng bày và lưu giữ nhiều di vật liệt sĩ giá trị, mỗi di vật là minh chứng câu chuyện của ngày hôm qua, về một quá khứ hào hùng của dân tộc.

Trong đó phải kể đến những lá thư của liệt sĩ Lê Binh Chủng và liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Những lá thư thời chiến được trưng bày tại bảo tàng đã làm không biết bao người phải rơi nước mắt. Từng câu, từng chữ trong thư thật giản dị nhưng đó là lời nói từ trái tim của những người lính nơi chiến trường cũng như người vợ nơi quê nhà - những người đã hy sinh hạnh phúc, xương máu cho nền hòa bình, độc lập của dân tộc.

Ẩn sâu trong những trang thư hoen ố màu thời gian ấy, là những câu chuyện cảm động về những người lính, là nghĩa vợ chồng sâu đậm, tình cảm của những người thân trong gia đình. Và trên hết, là lý tưởng "Tổ quốc cần sẵn sàng hiến thân mình" mà không chút đắn đo.

Trong chiến tranh, những cánh thư đã giúp người lính vững chắc tay súng, sưởi ấm niềm tin, kịp thời động viên, an ủi gia đình, người yêu và bạn bè nơi quê nhà. Những lá thư có giá trị giáo dục vô cùng to lớn, cũng chính thông điệp không những cho hôm qua mà cho cả thế hệ hôm nay và mãi mãi cho muôn đời sau.

Nội dung: Tiến Thành

Thiết kế: Thủy Tiên

27/04/2023

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lá thư cuối cùng của người vợ liệt sĩ bị chôn vùi gần 30 năm dưới hầm sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO