Theo Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện K, rất người bệnh truyền tai nhau bị ung thư là sắc lá đu đủ để uống. Nhiều bệnh nhân ung thư khi tham vấn bác sĩ dinh dưỡng cũng đặt câu hỏi, liệu nước sắc lá đu đủ có công dụng chống lại ung thư hay không?
Trên thực tế, toàn thân cây đu đủ đều có thể sử dụng được để làm thực phẩm hoặc thuốc, mỹ phẩm.
Cụ thể, lá của đu đủ chứa nhiều vitamin tan trong chất béo (A, D, E và K); vitamin B và C; và các khoáng chất như sắt, natri và magiê. Một số nơi dùng lá đu đủ để làm rau hoặc để làm một số bài thuốc điều trị sốt trong các bệnh lý sốt xuất huyết, sốt rét, chikungunya.
Với bệnh nhân ung thư, nhiều người cũng coi nước sắc lá đu đủ như một bài thuốc hỗ trợ trong quá trình điều trị bệnh.
Về vấn đề này, Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện K cho biết, đến nay, tác dụng chống ung thư của dịch chiết lá đu đủ mới được ghi nhận trong ống nghiệm và trên chuột. Một số loại tế bào ung thư nhạy cảm với dịch chiết lá đu đủ trong ống nghiệm là tế bào ung thư tiền liệt tuyến, gan, cổ tử cung, phổi, tụy, vú… Cơ chế có thể là do sự kích hoạt của caspase-3/7 và con đường ty thể phụ thuộc p53 hoặc bắt giữ các tế bào u trong pha S gây chết tế bào.
Dịch chiết lá đu đủ đã được chứng minh là làm giảm tính di căn của ung thư như giảm sự kết dính, di chuyển và xâm lấn bằng cách giảm chất nền ngoại bào - chất hoạt động như chất hấp dẫn hóa trị để kết dính và di chuyển tế bào. Tuy nhiên, các nghiên cứu còn hạn chế và tác dụng mới được ghi nhận trên số ít tế bào ung thư nên cần phải nghiên cứu thêm để khẳng định tác dụng của lá đu đủ.
Một số nghiên cứu trên lâm sàng sử dụng dịch chiết (dạng viên nang) của lá đu đủ cho bệnh nhân đang điều trị hóa chất bị giảm tiểu cầu cho thấy chúng giúp làm tăng tiểu cầu và cải thiện các chỉ số về đông máu trên nhóm bệnh nhân này.
Dịch chiết của lá đu đủ có thể dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với một loại thảo dược khác với liều lượng dao động từ 580-2200mg/ngày, thời gian điều trị từ 5-10 ngày.
Cơ chế được cho là qua hoạt động biểu hiện gen. Carpaine trong chiết xuất lá đu đủ làm tăng hoạt động của một số gen, bao gồm cả thụ thể yếu tố kích hoạt tiểu cầu (PTAFR) và gen arachidonate 12-lipoxygenase (ALOX-12), làm tăng biểu hiện thụ thể CD110 trên tế bào megakaryocyte . Từ đó kích thích tủy xương sản xuất nhiều megakaryocyte hơn. Những tế bào megakaryocytes khi trưởng thành sẽ vỡ ra thành tiểu cầu. Ngoài ra các hợp chất flavoid, chất chống oxy hóa như vitamin C, beta caroten lá đu đủ cũng giúp bảo vệ tế bào, hạn chế tan máu và chảy máu.
Tóm lại, cho tới nay chưa đủ bằng chứng khoa học để khẳng định tác dụng chống ung thư của lá đu đủ trên cơ thể người cũng như liều lượng, độc tính trên người. Dịch chiết lá đu đủ có thể có hiệu quả trên nhóm bệnh nhân bị giảm tiểu cầu do điều trị hóa chất. Trước khi sử dụng lá đu đủ cần có sự tư vấn của bác sĩ điều trị.
Quan trọng nhất với bệnh nhân ung thư, đó là tuân thủ liệu trình điều trị, tái khám theo lịch của bác sĩ, có chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học, đảm bảo sức khỏe để chiến đấu với bệnh tật.