“Lá chắn” giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường năng lực phòng không

15/08/2024 09:02

Với kế hoạch phát triển hệ thống phòng không đa tầng Steel Dome (Vòm Thép) tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực tăng cường năng lực phòng không trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp.

Theo hãng tin Daily Sabah, mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố kế hoạch phát triển hệ thống phòng không đa tầng Steel Dome do nước này sản xuất. Hệ thống mới này sử dụng AI và có mạng lưới trên nhiều khu vực nhằm tạo ra một “lá chắn” không thể xuyên thủng, qua đó bảo vệ không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Hình minh họa một số thiết bị trong hệ thống phòng không Steel Dome của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Anadolu

Dự án phát triển hệ thống Steel Dome được Ủy ban điều hành ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan làm Chủ tịch phê duyệt. Mục tiêu của dự án là tích hợp nhiều lớp hệ thống phòng không, cảm biến và vũ khí trong nước vào một cấu trúc thống nhất. Steel Dome sẽ có tính năng cung cấp dữ liệu thời gian thực đến các trung tâm điều hành và tận dụng công nghệ AI để hỗ trợ những người ra quyết định. Hệ thống này dự kiến có 4 lớp: Tầm rất ngắn, tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Theo Cơ quan công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB), tham gia vào dự án phát triển hệ thống Steel Dome có các nhà sản xuất vũ khí nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ như tập đoàn quốc phòng Aselsan, công ty sản xuất tên lửa Roketsan, Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghiệp quốc phòng TUBITAK (SAGE) và Tập đoàn Công nghiệp máy móc và hóa chất (MKE). Phó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Cevdet Yılmaz gọi việc phê duyệt dự án phát triển Steel Dome là “quyết định lịch sử”. Trên mạng xã hội X, ông Yılmaz nhấn mạnh: “Trong khi sử dụng mọi biện pháp ngoại giao vì sự ổn định và hòa bình trong khu vực và toàn cầu, chúng tôi quyết tâm đưa đất nước mình lên một vị thế mạnh mẽ hơn nhiều trước mọi mối đe dọa”.

Việc phát triển hệ thống phòng không Steel Dome đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm nhằm chuyển từ một quốc gia phụ thuộc phần lớn vào thiết bị quân sự nước ngoài thành một quốc gia có ngành công nghiệp quốc phòng đáp ứng hầu hết các nhu cầu trong nước. Ankara đã nhiều lần bày tỏ sự thất vọng về việc các đồng minh phương Tây không cung cấp đủ hệ thống phòng không để chống lại các mối đe dọa từ tên lửa, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga vào năm 2019. Động thái này gây ra một cuộc tranh cãi lớn với Mỹ. Washington đã cấm Ankara mua và tham gia vào chương trình phát triển máy bay chiến đấu F-35.

Trong 20 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào vũ khí phương Tây thông qua các sáng kiến kỹ thuật cải tiến và công nghệ do nước này phát triển. Tính đến thời điểm hiện nay, mức độ phụ thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ vào thiết bị quân sự nước ngoài đã giảm đáng kể, từ khoảng 80% vào đầu thập niên 2000 xuống còn khoảng 20%. Nhờ nhu cầu máy bay không người lái (UAV) do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất tăng cao trên thị trường vũ khí, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm quốc phòng của nước này đạt mức hơn 5,5 tỷ USD vào năm 2023, tăng so với mức 4,4 tỷ USD vào năm 2022. Trong đó, Baykar, nhà phát triển UAV nổi tiếng Bayraktar TB2, chiếm hơn 1/3 kim ngạch xuất khẩu. Thổ Nhĩ Kỳ đang đặt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm quốc phòng trong năm nay lên mức 7 tỷ USD. Nhu cầu về các sản phẩm quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ và những tiến bộ về công nghệ quân sự đã giúp nâng số lượng các công ty của nước này trong danh sách 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới năm 2024 của Defense News- trang tin về công nghệ quân sự uy tín-lên 5 công ty, tăng từ 4 công ty vào năm 2023. Đó là Aselsan, Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI), Roketsan, MKE, công ty quản lý nhà máy và xưởng đóng tàu quân sự (AFSAT).

Các loại vũ khí hiện đại không chỉ giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường sức mạnh quân sự mà còn là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của Ankara trong việc tập trung phát triển ngành công nghiệp quốc phòng theo hướng tự chủ để bảo đảm an ninh quốc gia. “Ngành công nghiệp quốc phòng không chỉ bảo đảm an ninh của chúng tôi mà còn giảm lượng hàng nhập khẩu, hỗ trợ các mục tiêu sản xuất cũng như xuất khẩu của chúng tôi”, Phó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Yılmaz lưu ý.

LÂM ANH

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/la-chan-giup-tho-nhi-ky-tang-cuong-nang-luc-phong-khong-789417
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/la-chan-giup-tho-nhi-ky-tang-cuong-nang-luc-phong-khong-789417
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
“Lá chắn” giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường năng lực phòng không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO