“Lá chắn chống tên lửa” tầm ngắn trên hạm của Nga

14/05/2022 17:50

Trong tác chiến hải quân hiện đại, việc bảo vệ phương tiện giá trị cao trên biển này khỏi các mối nguy cơ đến từ trên không, trong đó có tên lửa hành trình diệt hạm chính là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Nga hiện là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này với hàng loạt tổ hợp vũ khí phòng thủ trên hạm tầm gần tới cực gần (CIWS) trên hạm với sự kết hợp giữa pháo bắn nhanh, hải pháo và tên lửa phòng không chính xác cao. CIWS đặc biệt hiệu quả khi đối phó với các loại tên lửa bay cực thấp, bám sát mặt biển ở giai đoạn tiếp cận mục tiêu.

Với khả năng tạo ra cơn mưa đạn và phản ứng gần như tức thì, CIWS đang giúp nâng cao đáng kể khả năng sống sót của chiến hạm trong tác chiến hải quân hiện đại.

Dưới đây là một số tổ hợp CIWS nổi bật của Nga được biết tới trên thế giới:

Vũ khí có khả năng bắn tới 10.000 viên đạn/phút

Bắt đầu từ năm 2021, Nga chính thức tích hợp tổ hợp pháo-tên lửa phòng không tầm ngắn Palma lên các chiến hạm xuất khẩu. Điểm đặc biệt của tổ hợp vũ khí này là sự kết hợp giữa cụm 2 pháo bắn nhanh cỡ 30mm AO-18KDE và tên lửa phòng không dẫn đường bán chủ động bằng laser Sosna-R.

Hai khẩu pháo bắn nhanh có thể tạo ra cơn mưa đạn với tốc độ bắn lên tới 10.000 viên/phút. Mật độ hỏa lực này đảm bảo xác xuất tiêu diệt các mục tiêu bay tầm gần ở mức độ cao nhất. Lãnh đạo Tổ hợp thiết kế Cơ khí chính xác cao thuộc Tập đoàn Almaz-Antey, A.E. Nudelman cho biết, hỏa lực từ các khẩu pháo 30mm giống như “tấm khiên sắt” bảo vệ chiến hạm với tầm bắn hiệu quả lên tới 4km.

Tổ hợp pháo-tên lửa Palma.

Theo giới thiệu của nhà sản xuất, CIWS Palma là tổ hợp vũ khí phòng thủ đa nhiệm. Nó có thể thực hiện chức năng phòng không, nhưng khi cần thiết nó có cũng thể được sử dụng để phá hủy tàu cao tốc hoặc các mục tiêu cơ động trên mặt biển.

Năng lực tác chiến của CIWS Palma còn nằm ở các đạn tên lửa Sosna-R. Ở phiên bản mới nhất, đạn tên lửa phòng không này có tầm bắn hiệu quả tới 10km. Được dẫn bắn theo nguyên tắc bám chùm laser giúp tên lửa Sosna-R có độ chính xác rất cao và đối phó hiệu quả với cả các mục tiêu được áp dụng công nghệ tàng hình.

Hiệu quả tác chiến của CIWS Palma không chỉ nằm ở hỏa lực, mà còn là hệ thống điều khiển hỏa lực đa kênh, đa chế độ; kết hợp giữa kênh theo dõi, dẫn bắn bằng radar và quang-hồng ngoại nên việc gây nhiễu hay các biện pháp chế áp điện tử gần như vô hiệu.

Trước đó, các tổ hợp CIWS Palash, phiên bản xuất khẩu của Palma đang được trang bị trên nhiều chiến hạm xuất khẩu của Nga, trong đó có tàu hộ tống tên lửa lớp Gepard của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Pantsir Hải quân

Năng lực tác chiến của tổ hợp pháo-tên lửa phòng không lục quân Pantsir đã được khẳng định qua chiến đấu. Chính vì thế, trên cơ sở tổ hợp Pantsir-M, Nga đã phát triển biến thể Pantsir-ME trang bị trên hạm. Về cơ bản, Pantsir-ME vẫn mang đầy đủ năng lực của phiên bản lục quân và được tối ưu hóa để phù hợp với môi trường hoạt động khắc nghiệt trên biển.

Trong năm 2021, Hải quân Nga đã ký hợp đồng đặt mua các tổ hợp Pantsir-S1M để trang bị trên các tàu cao tốc Đồ án 22800 Karakurt.

Do thiết kế dạng module, Pantsir-ME phù hợp trang bị trên nhiều dòng chiến hạm khác nhau. Chúng có khả năng tạo ô phòng không rộng 20km với trần cao đánh chặn lên tới 15km.

Tổ hợp pháo-tên lửa Pantsir-ME.

Sử dụng các kênh dẫn bắn kết hợp radar và quang điện tử hỗn hợp. Toàn bộ quá trình trinh sát, phát hiện, theo dõi và dẫn bắn mục tiêu đều được tự động hóa.

Sự kết hợp giữa hải pháo và pháo bắn nhanh

Sự kết hợp giữa hải pháo và pháo bắn nhanh để tạo lá chắn phòng không trên hạm không còn mới lạ. Trên các chiến hạm Nga sự kết hợp này đến từ hải pháo AK-176 MA-01 76mm và pháo bắn nhanh AK-630M-2 DUET 30mm.

Thực tế, AK-630M-2 là sự nhân đôi của tổ hợp pháo AK-630M với sự kết hợp của 2 cụm pháo 6 nòng AK-630M để tăng mật độ hỏa lực. Chúng hoàn toàn có thể thay thế cho nhau. Sự kết hợp của 2 pháo bắn nhanh 30mm đủ để tạo ra “đám mây” đạn tiêu diệt các mục tiêu bay thấp, đặc biệt là tên lửa hành trình diệt hạm ở pha tiếp cận.

Hải pháo  AK-176 MA-01
Tổ hợp pháo bắn nhanh AK-630M-2

Trong khi đó, hải pháo AK-176 MA-01 là vũ khí đa nhiệm hải quân. Nó vừa có chức năng đối hải, nhưng với đạn trang bị ngòi nổ định tầm, hải pháo này còn có chức năng phòng không nhờ tốc độ bắn cao và cơn mưa mảnh đạn tạo ra.

Điểm đặc biệt khác của tổ hợp AK-630M-2 và hải pháo AK-176 MA-01 là nó được thiết kế hạn chế phản xạ sóng radar nhờ đó tăng khả năng tàng hình của chiến hạm được trang bị.

Mini S-300 trên hạm

Tại Triển lãm Hàng hải quốc tế IMDS-2021 tổ chức tại St. Petersburg, Tập đoàn Almaz-Antey đã giới thiệu tổ hợp tên lửa phòng không trên hạm mới với tên gọi Resurs. Chúng sử dụng các loại đạn tên lửa của tổ hợp phòng không trên cạn là S-300 và S-350 để đối phó với các mục tiêu có người lái và không có người lái trên không ở độ cao cực thấp. Trong các bài thử nghiệm, Resurs đã bắn hạ các mục tiêu ở độ cao tới 5m.

Cơ cấu giếng phóng thẳng đứng của tổ hợp  Resurs trên hạm
Đạn tên lửa phòng không 9M96E và 9M100E.

Cơ cấu của tổ hợp Resurs, gồm các đạn tên lửa 9M96E và 9M100E đặt trong các giếng phóng thẳng đứng. Tổ hợp có thể cùng lúc theo dõi và dẫn bắn vào 5 mục tiêu. Với bắn xa lên tới gần 100km, Resurs có thể vừa đáp ứng yêu cầu phòng không điểm và phòng không hạm đội. Hệ thống điều khiển tự động hóa giúp tổ hợp hoạt động theo nguyên tắc “bắn và quên” để tối đa hóa khả năng bảo vệ và hạn chế bị áp chế điện tử.

Resurs có nhiều tính năng tương đương, thậm chí ưu thế hơn so với tổ hợp Shtil-1 đang được trang bị trên hạm của Hải quân Nga, dòng vũ khí vốn đã khẳng định được hiệu quả trong tác chiến hải quân tại Syria.

TUẤN SƠN – NGỌC HƯNG (theo Rostec)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
“Lá chắn chống tên lửa” tầm ngắn trên hạm của Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO