Sẵn sàng cung ứng vàng, người mua cẩn trọng, cập nhật giá
Theo kế hoạch, NHNN sẽ bán vàng cho 4 Ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước theo giá do NHNN xác định, căn cứ theo giá thế giới, nhằm giảm sự chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.
“Chúng tôi đảm bảo cung ứng nhu cầu hợp pháp của người dân. Về giá bán, chúng tôi tham gia vào thị trường để bán vàng, không vì mục đích lợi nhuận, quan trọng nhất là giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế so với hiện nay”, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, nhấn mạnh.
Còn ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc BIDV chia sẻ: "Giá bán vàng miếng sẽ được công bố công khai trên wesite để người dân theo dõi. Chúng tôi không vì lợi nhuận, sẽ cung ứng với mức giá phù hợp trên cơ sở giá mua từ NHNN. Việc này sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới”
Về phía Agribank, với lợi thế mạng lưới giao dịch rộng khắp, ngân hàng này hiện triển khai đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng cung ứng vàng cho người dân kể từ ngày 3/6. Trước mắt, Agribank sẽ bán vàng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; đồng thời theo dõi diễn biến thị trường để tiếp tục mở rộng, đảm bảo phù hợp với nhu cầu thị trường.
Về địa điểm bán vàng, BIDV sẽ thiết lập mạng lưới phân phối ở các địa bàn chính về kinh doanh vàng (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa -Vũng Tàu…). Trước mắt, Ngân hàng này cũng triển khai bán tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Để giao dịch vàng được minh bạch, các khách hàng mua vàng tại ngân hàng sẽ phải xuất trình căn cước công dân. “Việc xuất hóa đơn, thanh toán qua tài khoản sẽ khẳng định được giao dịch hợp pháp; đồng thời khẳng định quyền sở hữu của người mua. Điều này cũng giúp cơ quan quản lý Nhà nước nắm bắt được các giao dịch, lượng vàng luân chuyển trong cá nhân, tổ chức và các đơn vị được phép kinh doanh vàng”, lãnh đạo Agribank cho biết.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 30/5, PGS TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng: Nếu NHNN bán cho 4 NHTM Nhà nước với giá vàng gốc của giá vàng trên thị trường quốc tế, cộng chi phí và thuế và chỉ cho phép “Big 4” hưởng phí thấp, dự báo thời gian tới, giá bán SJC sẽ giảm mạnh.
“Chính phủ, NHNN đang rất quyết tâm trong việc thực hiện giải pháp bình ổn thị trường vàng nhằm kéo giá vàng SJC sát với giá vàng thế giới. Người dân cũng cần cẩn trọng, tiếp tục cập nhật diễn biến giá vàng trong tuần tới, không nhất thiết phải “đổ xô” đi mua vàng ngay trong ngày mở bán (ngày 3/6). Bởi mua vàng xong chưa chắc bán đã có ai mua”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo. Theo chuyên gia này, các cửa hàng vàng cũng có thể mua giá rẻ như nhà đầu tư, thậm chí rẻ hơn.
TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và KT ứng dụng, phân tích: “NHNN sẽ bán vàng theo giá thế giới, cộng thêm biên độ chênh lệch nhất định để đảm bảo từng bước giảm độ chênh giữa giá vàng Việt Nam và thế giới. Điều này sẽ dần tạo ra sự thích ứng với nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, lượng bán cũng sẽ chia nhỏ mỗi lần để đưa từ từ vào thị trường, từng bước giảm giá vàng Việt Nam phù hợp”.
Theo ông Đinh Thế Hiển, Nhà nước sẽ không chủ trương "neo" giá vàng cao so với giá thế giới để hưởng chênh lệch. NHNN thông qua bán vàng cho 4 NHTM Nhà nước nhằm hạ dần chênh lệch giá vàng. Giá thị trường hạ đến đâu, NHNN hạ giá bán vàng cho NHTM đến đó.
“Như vậy, có thể hiểu, giá vàng NHNN chỉ định sẽ có biên độ +- giống như tỷ giá trung tâm, theo đó, giá vàng miếng SJC sẽ sát hơn với giá thế giới, giúp xóa tan tâm lý vàng SJC khó giảm giá, từ đó xóa bỏ tâm lý đầu cơ, găm vàng. Vì thế, những người đang có ý định mua vàng sẽ không muốn mua nữa hoặc những người đã ôm nhiều vàng phải bán ra thời điểm này để tránh vàng SJC có thể ‘sập giá’, Chuyên gia vàng Trần Duy Phương phân tích.
Chưa kể, khi người dân mua vàng qua NHTM phải có hóa đơn điện tử, có thông kê cụ thể, từ đó NHNN nắm rõ tình hình thực tế thị trường. "Với giải pháp này, theo tôi hiểu, các ngân hàng phân phối vàng, chứ không làm nghiệp vụ thu mua vào, nên không phải cân đối trạng thái vàng, vì thế ngân hàng sẽ không gặp khó khăn", Chuyên gia Trần Duy Phương nhận định.
Kiến nghị quản lý mua - bán vàng miếng như ngoại tệ
Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới hiện ở mức 14 - 15 triệu đồng/lượng, cụ thể, giá vàng SJC đang ở mức trên 90 triệu đồng/lượng, còn giá vàng thế giới theo quy đổi của Việt Nam hiện là 75 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, có những thời điểm, giá vàng trong nước đắt hơn giá vàng thế giới tới 19 – 20 triệu đồng/lượng.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, thời gian dài, giá vàng trong nước tăng do chịu 3 yếu tố tác động cùng lúc. Thứ nhất, giá vàng thế giới tăng do bất ổn của kinh tế, chính trị; thứ hai, trong nhiều năm nay không có khung vàng miếng ở thị trường nội địa, trong khi nhu cầu mỗi năm đều có và đặc biệt nhu cầu tăng mạnh trong năm 2022, 2023 là những năm thị trường bất động sản suy thoái, dòng tiền "chảy" nhiều vào kênh đầu tư vàng; thứ ba, lãi suất tiết kiệm giảm cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến nhu cầu mua vàng tăng mạnh.
Nguyên nhân nữa khiến giá vàng trong nước chênh lệch lớn với giá vàng thế giới là do mất cân đối cung - cầu. Về nguồn cung, nhiều năm nay, NHNN không nhập khẩu vàng, tức nguồn cung chính thức không có. Những năm trước đây, cung vàng trong nước chủ yếu đến từ vàng nhập lậu”. TS Đinh Thế Hiển phân tích. Việt Nam cần giải quyết bài toán về nguồn cung hợp lý, thông qua cân đối nguồn ngoại tệ để nhập khẩu một lượng vàng nhất định về bổ sung cho thị trường.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Cố vấn Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng: Để đánh giá tính hiệu quả của giải pháp bình ổn mới cần phải có thời gian, mất từ 1 - 2 tuần để thị trường hấp thụ lượng vàng NHNN bán cho NHTM quốc doanh.
Chuyên gia Trần Duy Phương đề xuất: NHNN nên cho phép mở lại dịch vụ giữ hộ vàng, tránh tình trạng phải cung ứng vàng quá nhiều đến 1 chi nhánh ngân hàng. Thay vì người dân mua vàng và mang về nhà cất giữ có thể gửi lại ngân hàng giữ hộ.
Nhiều chuyên gia cũng mong muốn cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, NHNN giao việc nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp, cấp hạn mức và giám sát việc nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc khơi thông thị trường bất động sản, đẩy mạnh phát triển thị trường chứng khoán cũng rất quan trọng.
Nhà nước tiếp tục có các giải pháp khơi thông các kênh đầu tư đầu tư chủ lực là gửi tiết kiệm, chứng khoán và bất động sản. “Nếu 3 kênh đầu tư trên khởi sắc, nhà đầu tư sẽ chuyển dịch vốn từ vàng sang các kênh đầu tư này”, ông Trần Duy Phương kỳ vọng.
Thời gian qua, để lấy ý kiến cho việc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động thị trường vàng nhằm phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế, một số chuyên gia kinh tế cũng có những quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, tinh thần của việc sửa đổi chính sách quản lý thị trường vàng phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhiều ý kiến nhấn mạnh: Phải lấy lợi ích Quốc gia, lợi ích nền kinh tế làm trung tâm khi quyết định.