Suốt cà đời, má tôi tần tảo với những món bánh quê hương nào là bánh tét, bánh ít, bánh bò, bánh bông lan, bán thuẩn…để mưu sinh khắp các ngỏ hẻm lớn nhỏ ở Sài Gòn. Đứa trẻ ngây thơ là tôi khi ấy, nếm thử món nào cũng háo hức vô kể, đặc biệt trong số đó phải kể đến là món bánh ú nhân thịt.
Ảnh minh họa.
Bánh ú nhân thịt, nghe qua có vẻ lạ lẫm nhưng lại là món bánh truyền thống quen thuộc vào những dịp lễ Tết của người miền Tây Nam Bộ. Thay vì gói bánh chưng, bánh tét như thông lệ truyền thống thì nhiều gia đình ở miệt vườn Tây Nam Bộ lại thích biến tấu với món bánh ú nhân thịt. Má tôi thường kể lại rằng chẳng biết chiếc bánh ú nhân thịt có tự bao giờ nhưng nó lại trở thành món bánh quê mang đậm hương vị truyền thống, khiến bất kỳ ai cũng yêu thích. Loại bánh mộc mạc được làm từ những nguyên liệu mộc mạc như nếp, nhân thịt mỡ hoặc đậu xanh nhưng lại gắn liền với kí ức của biết bao người dân ở các làng quê miền Tây Nam bộ. Chiếc bánh nhỏ xinh, mộc mạc ấy cũng có thể trở thành quà biếu, là món ăn không thể thiếu nhân dịp lễ tết, đám tiệc.
Trong tâm thức của tôi, chiếc bánh ú nhân thịt luôn gắn liền với hình ảnh tần tảo của má. Khi gia đình tôi chuyển lên Sài Gòn, ba tôi vì một tai nạn lao động ở công trường, phải nằm một chỗ. Mọi gánh nặng trong gia đình kể từ đó dồn hết lên đôi vai của má tôi. Cũng may, má tôi là kiểu người phụ nữ Nam bộ xưa, sẵn lòng vì gia đình làm mọi việc, bất kể ngày tháng. Mỗi sáng tinh mơ, với chiếc xe đẩy nhỏ chất đủ loại bánh quê, má tôi tần tảo đi khắp các ngõ hẻm nhỏ ở thành phố, chỉ với một mong mỏi có thể bán đắt hàng, đủ tiền trang trải cuộc sống cho các con và người chồng bệnh tật ở nhà.
Ảnh minh họa.
Má tất bật quanh năm, nhưng cao điểm nhất là từ rằm tháng Chạp đến nửa tháng Giêng. Trong tháng Chạp, má luôn tay, khi bào dừa, sên mứt, khi nấu xôi đồ bánh mè, lúc làm thịt heo ngâm mắm. Tuy nhiên, dù bận đến đâu, má cũng không quên thói quen gói bánh ú nhân thịt cho một số cô chú chuyên lấy “mối bánh” và đương nhiên cho cả gia đình cùng thưởng thức.
Theo thông lệ cứ vào tối 29 tết, má tôi sẽ tỉ mỉ ngâm nếp, ngâm đậu và ướp thịt heo. Sáng 30 Tết, khi mấy má con tôi tất bật đi chợ, tôi ở nhà sẽ đảm trách việc vo đậu và nếp. Sau khi nếp và đậu xanh được vo thật sạch, vỗ cho ráo nước, m á tôi sẽ tỉ mỉ ướp thêm ít hành tím xắt nhỏ, tiêu, muối và bột ngọt. Anh chị em tôi sẽ mang mớ lá chuối ra phơi nắng. Chiều 30 Tết, khi những nụ mai ngoài hiên nhà đã bừng nở, mọi việc tất bật trong nhà đã tạm ngơi tay, là thời điểm má tôi bắt đầu gói bánh ú. Trong lúc bọn trẻ con tỉ mỉ ngồi lau sạch lá chuối, xếp gọn gàng thì anh trai tôi đã khệ nệ chất đầy củi ở khoảng sân nhỏ trước nhà, má cũng bưng nguyên liệu ra thềm, kêu thêm cô Sáu hàng xóm sang gói bánh cùng.
Ảnh minh họa.
Với người nhà xa quê, lập nghiệp ở Sài Gòn như chúng tôi thì những giây phút ngồi gói bánh, tất bật chuẩn bị cho Tết, là thời điểm hân hoan và nhiều kỉ niệm nhất. Trong lúc ngồi quây quần chờ gói bánh, giữa tiếng còi xe ồn ã một góc đường, chúng tôi rất thích nghe má kể chuyện xưa. Má thường kể rằng khi xưa do gia đình nghèo nên má phải nghỉ học từ rất sớm, nhường lại cho cậu tôi được đi học. Ngay từ nhỏ, má tôi phải làm việc rất vất vả để đủ tiền trang trải cho gia đình. Dù thế, cuộc đời má càng trở nên đơn côi hơn khi ông và ngoại tôi lần lượt qua đời. Má tôi trong phút chốc trở thành trẻ mồ côi, phải về sống cùng ông bà cố.
Tuy không biết chữ nhưng má tôi lại học rất nhanh, tay chân cũng nhanh nhẹn. Má được bà cố dạy làm bánh, từ bánh tét nếp đậu đen, nhân thịt cho đến bánh chuối thơm lừng, rồi cả những chiếc bánh ú xanh xanh, hình tam giác với ba cạnh đều nhau. Món bánh nào má cũng gói một cách thành thạo và tỉ mỉ. Má thường bảo dù thao tác khó khăn, má cũng cố gắng học cho được vì má biết đó có thể là cái nghề giúp nuôi sống bản thân sau này. Với má tôi, những chiếc bánh không chỉ là một loại thực phẩm mà còn chất chứa biết bao kỳ vọng và mơ ước. Thậm chí, mỗi khi má cảm thấy buồn nhìn quanh chẳng thấy ai để sẻ chia, chỉ có quẩn quanh là những chiếc bánh mộc mạc, thơm mùi thảo mộc, mà ứa nước mắt chỉ biết tự mình ôm lấy mình. Má vừa kể vừa ứa nước mắt khiến chị em tôi đều nao nao buồn, chợt cảm thấy bản thân hạnh phúc khi luôn được yêu thương và bảo bọc trong vòng tay nâng niu của ba má.
Trong quá trình gói bánh, mọi việc hầu như đều do má tôi đảm nhận hết. Ngày ba mươi Tết ấm áp, chị em tôi ngồi bên hàng hiên chăm chú nhìn đôi bàn tay của má thoăn thoắt cuốn đầu lá chuối thành hình phễu và cho một ít nếp đã trộn sẵn lá dứa vào rồi tỉ mỉ đặt phần nhân vào giữa, tiếp tục nhanh tay cho thêm chút nếp để phủ kín nhân, nghe lỏm tiếng nhạc xuân từ cái radio cũ của chú hàng xóm trong khu trọ, cảm tưởng như Tết đang cận kề.
Vốn bản tính tỉ mỉ, má tôi thường cố gắng ấn thật nhẹ tay cho mặt nếp phẳng, đồng thời nhanh nhẹn gấp các góc lại rồi dùng dây buộc thật chặt. Kính nghiệm nhiều năm gói bánh khiến má tôi gói bánh cực kỳ nhanh, chỉ thoáng một chút là có cả chục cái bánh. Má thường cột những chiếc bánh thành chùm mười cái rồi mới cho vào nồi hấp.
Bao giờ má cũng tỉ mỉ canh nước cho ngập mặt bánh rồi mới bắt đầu nấu. Thi thoảng, má vẫn nhắc chị em tôi không quên châm thêm nước vào nồi. Gần 3 tiếng sau, khi bánh đã chín, má liền vớt ra, nhúng ngay vào nước lạnh rồi tìm chỗ thoáng mát trong nhà để treo lên. Khi ấy, anh chị em chúng tôi thường được phân công ngồi canh nồi bánh bên ngon lửa cháy rực. Đây cũng là dịp để bọn trẻ con được ngồi quây quần vừa tranh thủ canh chừng nồi bánh sôi trên bếp củi vừa tranh thủ kể hết chuyện này đến chuyện khác. Thi thoảng, chúng tôi lại tranh thủ hít hà mùi thơm từ nếp phảng phất hương lá dứa thoang thoảng trong gió, cảm thấy mùa xuân như đang về bên hiên nhà.
Và đương nhiên, cảm giác háo hức nhất vẫn là việc được nhấm nháp những chiếc bánh có lớp vỏ màu xanh, hạt nếp trong veo. Chỉ cần thong thả cắt đôi chiếc bánh ra, nhấm nháp một miếng bánh dẻo thơm hương vị của nếp hòa quyện với nước cốt dừa hoa cùng ít nhân thịt heo thơm nức mũi, béo béo và đậm đà, là đủ cảm nhận trọn vẹn hương vị của Tết.
Nhiều năm trôi qua, chị em tôi dần trưởng thành, rời khỏi khu xóm trọ nhỏ ở Sài Gòn đi lập nghiệp ở phương xa. Má cũng lặng lẽ theo mây trắng về trời từ vài năm trước, bỏ lại chúng tôi bơ vơ giữa dòng đời. Thi thoảng, mỗi dịp Xuân về, tôi lại thoáng nhớ chiếc bánh ú nhân thịt má làm năm nào. Chợt thèm có một lần được quay trở về ngôi nhà cũ ở Sài Gòn, nhìn bóng dáng má ngồi lom khom gói bánh, tận hưởng cảm giác hân hoan khi nhìn những chiếc bánh ú nhân thịt hình tam giác được lần lượt cho vào nồi, nghe môi mình ngọt bùi vị nhớ thương.