Trong câu chuyện với phóng viên Dân trí, Đại tá Nguyễn Thụ, nguyên Trung đội trưởng bộ binh thuộc Đại đội 269, không giấu được cảm xúc bồi hồi, tự hào khi nhớ lại những năm tháng hào hùng.
Đưa phóng viên ngược dòng lịch sử, Đại tá Nguyễn Thụ kể, ông sinh ra và lớn lên trong gia đình yêu nước và giàu truyền thống văn học tại làng chiêm trũng nghèo Đại Thượng, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Từ nhỏ ông đã chứng kiến cảnh đất nước bị giặc Pháp áp bức, nô dịch nên luôn canh cánh trong lòng "phải làm được gì cho đất nước".
Năm 1949, khi chưa đầy 16 tuổi, ông xung phong nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 42 (Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308) và tham gia nhiều chiến dịch trong những năm chống thực dân Pháp
Nhờ những chiến công xuất sắc, nên năm 1952, khi mới 19 tuổi ông đã được chọn đi học sĩ quan khóa 7 tại Trường Lục quân Việt Nam (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1). Tốt nghiệp, ông được cấp trên phân công về tham gia chiến đấu tại Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) với chức vụ Trung đội trưởng.
Đầu năm 1954, Đại đoàn 308 được lệnh hành quân sang Lào thực hiện Chiến dịch Thượng Lào (từ 29/1 đến 13/2/1954) giúp nước bạn mở rộng vùng giải phóng, thu hút sự chú ý của địch và cô lập tuyến đường bộ chi viện cho Điện Biên Phủ, dồn địch vào thế chỉ có thể tiếp tế bằng đường hàng không.
Giành chiến thắng, đơn vị của ông nhận lệnh trở về Điện Biên Phủ, tham gia chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù đang co cụm tại đây. Trung đội do ông Thụ chỉ huy được điều lên thay quân chiến đấu trên đồi A1 gần một ngày, hai đêm. Lúc đó, trung đội có 16 người, được trang bị 2 súng trung liên, 4 súng tiểu liên, còn lại là súng trường, mỗi chiến sĩ 2-3 cơ số đạn, có 1 máy thông tin 2W.
"Trận đánh ấy rất ác liệt, hàng trăm quả đạn pháo của cả địch và ta dội vào đây khiến tai chúng tôi điếc đặc, không nghe thấy gì, lệnh chiến đấu chỉ nhận biết qua ánh lửa phát ra từ họng súng của người chỉ huy.
Ngớt tiếng súng, chúng tôi củng cố lại công sự, đưa thương binh tạm lánh về phía sau", 70 năm đã qua, nhưng khi nhắc lại trận đánh Điện Biên Phủ, ông Thụ vẫn nhớ như in. Chiến đấu dưới hỏa lực mạnh của địch, trung đội của ông Thụ chỉ còn lại 5 người.
Sau đợt chống phản kích, khẩu trung liên của trung đội bị hỏng, đạn dược cũng gần hết; lương khô, nước uống cũng cạn, khát đến cháy cổ. Máy thông tin bị hỏng, mất liên lạc với sở chỉ huy, trung đội rơi vào thế ngàn cân treo sợi tóc.
Song ông Thụ và đồng đội vẫn động viên nhau, quyết chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, sẵn sàng đánh giáp lá cà với địch. 17h ngày 31/3/1954, đợt phản kích bắt đầu. Do trung đội chỉ còn 5 người nên các thương binh có thể chiến đấu được cũng đều cầm súng.
Đúng vào thời điểm gay go, khoảng 10 cán bộ, chiến sĩ do chính Trung đoàn trưởng Hùng Sinh dẫn đầu mang theo vũ khí, máy thông tin lên trận địa.
Có máy thông tin liên lạc nên pháo binh ta bắn phá mãnh liệt và chính xác vào trận địa của địch khiến chúng phải tháo chạy. Trên cơ sở nắm chắc tình hình địch, nhất là hệ thống cộng sự của địch, bộ đội ta đã giữ vững trận địa, tìm ra cách tiêu diệt cứ điểm A1.
Thành tích chiến đấu của Trung đoàn 102 đã góp phần cùng các đơn vị đánh tan trung tâm đề kháng phòng ngự đồi A1 của địch, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Sau trận đánh này, Trung đội trưởng Nguyễn Thụ được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông Thụ và đồng đội tiếp tục nhận nhiệm vụ chiến đấu giải phóng vùng đồng bằng.
Ông kể, trong khi đang trên đường hành quân về giải phóng đồng bằng quân ta mừng rỡ hay tin Hiệp định Geneve được ký kết, thực dân Pháp phải rút khỏi miền Bắc, hòa bình lặp lại. Lúc này, Trung đoàn 102 vinh dự nhận nhiệm vụ mới, trở về tiếp quản Hà Nội.
"Nghe tin chiến thắng, được về Hà Nội ai cũng vỡ òa sung sướng. Đồng đội ôm chặt nhau thốt lên: Thắng rồi…! Thắng rồi…! Hòa bình rồi các đồng chí ơi!" ông Thụ không giấu được xúc động nhớ lại khoảnh khắc lịch sử đó.
Trên đường về Hà Nội, Đại đoàn 308 tổ chức lễ mừng công tại khu đồi trọc Trại Cờ (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). Chứng kiến thành quả của cách mạng, cảm nhận những phút giây hòa bình của đất nước, ông Thụ và đồng đội vô cùng vui mừng.
Khi ấy, ông và hàng vạn người lính hành quân tập trung về Trại Cờ. Người dân vùng tự do, vùng bị địch tạm chiếm của Bắc Giang, Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc,… cũng nô nức đổ về, các ngả đường đông như trẩy hội, quân với dân hòa chung niềm vui chiến thắng.
Cũng tại khu đồi này, ông và các chiến sĩ vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ.
Không giấu được nét mặt tự hào, ông Thụ tâm sự: "Ai cũng nâng niu chiếc huy hiệu và cài trên ngực áo bên trái, bên cạnh trái tim của mình. Chiếc Huy hiệu có giá trị lịch sử mà không phải ai cũng có được. Huy hiệu được quý trọng như những chiếc huân chương mà Nhà nước trao tặng. Chúng tôi sẽ giữ lại suốt cuộc đời và trao lại làm kỷ vật cho con cháu".
Đêm hôm đó, cả vùng đồi trọc Trại Cờ vang lên tiếng hát, đâu đâu cũng có hoạt động văn nghệ. Có nơi ở giữa chỉ có một đống củi, ánh lửa cháy bập bùng, người dân vây quanh bộ đội, nắm tay nhau cùng ca hát; phổ biến nhất là các điệu múa dân gian, múa sạp, múa lụa, hát quan họ.
Ở nơi khác người dân, bộ đội chỉ biểu diễn dưới ánh trăng, chỗ sang trọng hơn, chuyên nghiệp hơn thì có thêm chiếc đèn măng sông.
Nhớ lại đêm văn nghệ năm đó, ông Thụ kể, trong tiết mục kịch có phân cảnh một chiến sĩ lao lên đánh bộc phá tại trận địa Điện Biên Phủ (diễn viên cũng là một chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ).
Khi vở kịch đang được nhiều người dân theo dõi, bất ngờ một người phụ nữ, đầu chít khăn tang lao lên sân khấu ôm chầm lấy nam diễn viên khóc nức nở.
Lúc đó, cả nghìn khán giả và các diễn viên khác thẫn thờ, không biết chuyện gì xảy ra, vở diễn phải tạm ngưng.
Hóa ra, vợ của chiến sĩ đang diễn vở kịch đã nhận được giấy báo tử của chồng, rằng anh đã hi sinh ở mặt trận Điện Biên Phủ.
"Dù đã nhận giấy báo tử nhưng người vợ không tin chồng đã hy sinh nên không ngừng đi khắp nơi tìm kiếm.
Khi biết Đại đoàn 308 tổ chức lễ mừng công tại khu đồi trọc Trại Cờ (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), người vợ đeo khăn tang tìm đến với hi vọng mong manh về chồng. Ông trời không phụ lòng người, khi vở kịch đang diễn ra hay, hấp dẫn, người vợ nhận ra nam diễn viên chính là chồng mình.
Nhìn cảnh vợ chồng gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách, ôm nhau khóc nức nở chúng tôi và nhiều người dân không ai kìm được nước mắt", ông Thụ bồi hồi nhớ lại.
Trong hàng vạn người dân đổ về Trại Cờ hôm đó, không ít người đến để tìm người thân, tìm chồng, tìm cha, tìm anh em sau nhiều năm bạt vô âm tín. Có nhiều gia đình đã được đoàn tụ, họ ôm nhau khóc nức nở vì hạnh phúc, nhiều người khóc nghẹn khi biết tin người thân đã hy sinh.
"Bên cạnh những tiếng khóc, nụ cười, cái nắm tay, cái ôm hạnh phúc khi tìm thấy người thân là những tiếng khóc gào xé tâm can của người mẹ biết tin con đã hi sinh. Những khuôn mặt đờ đẫn của người vợ mất chồng,… cũng có người không khóc được nữa, bởi nước mắt họ đã rơi nhiều năm rồi", ông Thụ nghẹn ngào.
Cũng chính tại đồi trọc Trại Cờ, ông Thụ gặp được người thân nhưng cũng nhận tin anh trai hy sinh khi chiến đấu chống giặc Pháp.
Sau lần hội ngộ cùng nhân dân ở Bắc Giang, Đại đoàn 308 tiếp tục hành quân về Hà Nội. Ngày 19/9, khi Đại đoàn đến Phú Thọ, tại đền Hùng, nhiều cán bộ, chiến sĩ của đơn vị được gặp Bác Hồ và nghe Bác dặn dò những điều quan trọng khi tiếp quản Thủ đô.
"Tôi nhớ mãi hai câu thơ của Bác Hồ: Các vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Lời căn dặn ấy đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 và trở thành động lực, ý chí chiến đấu của quân và dân ta sau này", ông Thụ nhớ lại.
Chia tay Bác, Đại đoàn 308 tiếp tục hành quân hướng về cửa ô Cầu Giấy (Hà Nội). Gần về đến Hà Nội, đơn vị tạm dừng chân tại Nhổn (nay thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nghỉ ngơi một đêm trước khi tiến vào Thủ đô.
Trước khi tiếp quản Thủ đô, ông Thụ và đồng đội thường xuyên được giáo dục nêu cao cảnh giác chính trị, đấu tranh chống tư tưởng hưởng lạc. Đặc biệt, các đơn vị bộ đội trước khi vào tiếp quản Thủ đô được nhắc đi, nhắc lại một điều là "đừng để viên đạn bọc đường dính vào người".
"Điều cấp bách khi ấy là giáo dục tinh thần cho bộ đội. Do không có thời gian nên vừa hành quân, cán bộ vừa nhắc nhở anh em. Quan trọng nhất là phải kỷ luật; tác phong nghiêm chỉnh, chu đáo; giữ gìn trật tự, an ninh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân,…", ông Thụ nói.
Cánh quân của ông được lệnh tiếp quản Thủ đô theo hướng từ Cầu Giấy đi vào. Sáng 10/10, khi về phía Hà Nội, hiện ra trước mặt Đại tá Nguyễn Thụ là một rừng cờ hoa, biểu ngữ khẩu hiệu, các kiểu chữ rất cầu kỳ, nhiều nhất là "Hồ Chí Minh muôn năm".
Bộ đội hành quân trong tiếng reo hò, cổ vũ, vỗ tay đón chào của nhân dân. Cứ cách một đoạn đường lại có một nhóm nghệ sĩ tay ôm đàn, hát vang ca khúc cách mạng hào hùng hay những ca khúc về Hà Nội.
Chiều 10/10/1954, các đoàn quân về tiếp quản Thủ đô tập trung ở sân Cột Cờ, đội ngũ chỉnh tề cùng nhân dân và Ủy ban Giám sát quốc tế giám sát thi hành Hiệp định Geneve dự lễ thượng cờ. Các đơn vị tham dự lễ chào cờ tập hợp thành khối nghiêm chỉnh, hàng đầu đội hình bộ binh là Trung đoàn Thủ đô.
15 giờ, còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài, Quốc ca hùng tráng vang lên. Mọi người trong toàn thành phố hướng về Cột cờ thành Hà Nội. Người dân trang nghiêm nhìn lên Quốc kỳ đang tung bay trên đỉnh Cột cờ.
Ngày hôm đó, rất nhiều hoạt động văn nghệ được tổ chức đến tận đêm khuya. Tại một số địa điểm như chợ Đồng Xuân, bộ đội cùng nhân dân ca hát đến tận sáng. Tiểu thương trong chợ không ngần ngại đóng góp trà bánh tổ chức tiệc liên hoan.
Ông Thụ và các đồng đội khi tiếp quản Thủ đô đã nghiêm chỉnh thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mệnh lệnh của quân đội, giữ nghiêm kỷ luật và làm nhiều việc tốt giúp nhân dân, được nhân dân yêu mến.
"Đơn vị chúng tôi tiếp quản khu vực Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, chợ Đồng Xuân, cầu Long Biên và nhiều nơi khác. Tôi nhớ như in hình ảnh tốp lính Pháp cuối cùng rời Hà Nội. Lúc đó, họ ngoái lại nhìn thành phố, liệu có phải họ có ý chia tay hay luyến tiếc điều gì. Chắc những người lính này cũng vui mừng vì sắp được về với gia đình", Đại tá Nguyễn Thụ kể.
Ngày đầu về Hà Nội, ông và đồng đội đi hết từ bất ngờ ngày đến bất ngờ khác. Bởi Hà Nội và quê ông cùng vùng chiến khu Việt Bắc khác nhau quá nhiều. Trong những năm tháng trưởng thành và chiến đấu, ông Thụ chưa bao giờ nhìn thấy nhà xây nhiều tầng, tàu điện chạy leng keng,…
Tiếp quản Thủ đô được 2 ngày, ông được phân công tham gia lớp đào tạo cán bộ nguồn cho Trường Sĩ quan Lục quân tại Trung Quốc.
Khi tốt nghiệp trở về ông tiếp tục cống hiến trong quân đội, góp sức vào những chiến thắng vang dội của quân đội ta. Trong đó có trận Điện Biên Phủ trên không bảo vệ bầu trời Hà Nội.
Dù đã rời xa Việt Bắc gần 70 năm, nhưng những hình ảnh về núi rừng, người dân vẫn canh cánh trong lòng vị Đại tá. Vừa nói chuyện với phóng viên, ông vừa dở cuốn sổ tay cũ, ghi lại vài câu thơ trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu:
"…Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng…"
Ông nghẹn ngào: "Đồng bào nhân dân Việt Bắc là cha, mẹ, anh em ruột thịt của bộ đội và cảnh núi rừng đã ăn sâu, bén rễ vào tâm hồn người chiến sĩ".
Những năm kháng chiến chống Pháp đồng bào ta gặp nhiều khó khăn nhưng không nỡ để bộ đội chịu nắng, phơi sương. Người dân sẵn sàng nhường nhà, nhường cơm cho bộ đội. Khi được hỏi về những đổi thay của Hà Nội sau 70 năm, vị Đại tá không giấu khỏi niềm bồi hồi, xúc động, xen lẫn niềm hạnh phúc, tự hào.
Trong ký ức của ông khi vào tiếp quản Thủ đô, quãng đường hành quân từ Nhổn đến ô Cầu giấy chỉ toàn là ruộng, hiếm thấy nhà dân hay các công trình công cộng. Hà Nội khép mình trong 36 phố phường, phần còn lại được gọi là ngoại thành. Mặc dù nội thành nhiều nơi đã có điện, nhà xây 2-3 tầng nhưng vẫn còn rất thiếu thốn.
"Với tôi, thứ hiện đại nhất Hà Nội năm ấy là những tuyến tàu điện từ bờ Hồ đi các hướng Hà Đông, Cầu Giấy, chợ Mơ, phố Vọng, Bưởi và Yên Phụ,...
Còn tàu điện nội đô bây giờ thì hiện đại hơn, to rộng hơn, chạy nhanh hơn gấp nhiều lần. Rồi cả những tòa nhà chọc trời, những tuyến đường 7-8 làn xe, sân bay, bến cảng,... Hà Nội phát triển quá nhanh và hiện đại", Đại tá Nguyễn Thụ chia sẻ.
Sau 7 thập kỷ, Hà Nội đã trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục lớn nhất cả nước. Có thể chứng kiến sự đổi thay, vươn mình của Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung, ông Thụ và những đồng đội khi vào tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954, cảm thấy tự hào và hạnh phúc.
Nội dung: Nguyễn Hải - Trần Văn
Thiết kế: Tuấn Huy