Tô Lan Hương: Năm 1959, ba anh trở thành vị tướng 4 sao thứ 2 của QĐND Việt Nam. Đó là thời điểm bản Đề cương Nghị quyết 15 về Đường lối cách mạng miền Nam do ông Lê Duẩn chuẩn bị vừa mới được Bộ Chính trị (BCT) thông qua (2/1959), còn ông Lê Duẩn được lựa chọn trở thành Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam (1960). Ba anh được phong Đại tướng, là để ông Lê Duẩn có một người cộng sự thân cận, hay là dấu hiệu cho thấy từ thời điểm đó, Bác Hồ đã coi ông Nguyễn Chí Thanh như người được lựa chọn để đại diện cho Đảng vào miền Nam lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong giai đoạn gian khó khăn nhất?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi không biết chuyện này có liên quan gì đến sự lựa chọn của Bác Hồ hay không, nhưng tôi biết ba tôi đã gặp bác Ba Duẩn (TBT Lê Duẩn) ở lớp học chính trị đầu tiên mà ông được tham gia vào năm 1937 tại Đà Nẵng, khi đó ông là Bí thư Huyện ủy, còn ông Lê Duẩn là người chủ trì lớp học. Sau đó, ông Lê Duẩn chủ yếu hoạt động ở phía Nam, họ không gặp lại nhau lần nào cho đến khi ông Lê Duẩn ra miền Bắc vào năm 1957 và được Bác Hồ giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo Nghị quyết 15 và chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ III. Đó cũng là thời điểm vô cùng khó khăn của Đảng: hậu cải cách ruộng đất, cách mạng miền Nam đang bị đàn áp dã man, trong khi quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc bắt đầu rạn nứt…
Các Ủy viên BCT lúc bấy giờ đều là những nhà Cách mạng lão luyện và dũng cảm không ngại vào sinh ra tử, nhưng hiểu rõ về sự khốc liệt của cách mạng miền Nam và xót xa cho đồng bào miền Nam nhất thì trước hết phải nói đến Bác Hồ, sau đó là những người từng lăn lộn ở chiến trường miền Nam nhiều năm trong đó có các ông Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh. Có lẽ vì thế mà dù không gặp lại nhau 20 năm trời, giữa hai người vẫn luôn có một sự đồng cảm đặc biệt.
Thời điểm đó chúng ta đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc và quyết tâm thống nhất đất nước - về lý thuyết là thực hiện Hiệp định Geneve. Nhưng cả ông Lê Duẩn và ông Nguyễn Chí Thanh đều hiểu rằng, chính quyền VNCH không hề có ý định hiệp thương Tổng tuyển cử và rất sớm thôi Mỹ sẽ trực tiếp can dự vào Việt Nam, nên việc mà chúng ta cần làm là chuẩn bị cho một cuộc đối đầu trực diện với Mỹ. Ba tôi và bác Ba Duẩn đều tin rằng dùng bạo lực cách mạng để thống nhất đất nước là con đường tất yếu. Mà muốn thống nhất đất nước, thì không chỉ phải đánh bại chính quyền VNCH, mà còn phải đánh bại cả ý chí xâm lược của Mỹ.
Không chỉ có chung cách nghĩ về con đường đấu tranh thống nhất đất nước, họ còn giống nhau về quan điểm đối ngoại. Thời đó trong nội bộ ta có người nhận thấy cần phải nghiêng về phía Trung Quốc, lại có những người cho rằng nên dựa vào Liên Xô. Nhưng trong một cuộc họp BCT năm 1964, khi Mỹ bắt đầu đưa quân vào miền Nam, ông Lê Duẩn đã thưa với Bác Hồ: "Thưa Bác, muốn thắng Mỹ thì trước hết chúng ta phải không sợ Mỹ, đồng thời không sợ cả Liên Xô và Trung Quốc". Ba tôi nghe vậy, liền đứng lên bày tỏ quan điểm của mình: "Thưa Bác, tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của anh Ba".
Sau này đi làm đối ngoại quốc phòng tôi càng ngẫm, càng thấy chính xác: chúng ta cần tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế, nhưng không thể dựa vào ai để giải phóng đất nước mình, càng không được lệ thuộc vào bất cứ ai.
Nhưng nếu bảo là vì sự đồng lòng, nhất trí của ba tôi và bác Ba Duẩn là lý do ba tôi được phong Đại tướng thì không phải. Khi quân đội ta được thành lập, Bác Hồ đã định hướng quân đội là quân đội nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đến năm 1950, ba tôi trở thành Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đầu tiên của QĐND Việt Nam, với nhiệm vụ xây dựng cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội, các nguyên tắc công tác Đảng, công tác Chính trị trong quân đội - một quân đội đặc thù không nước nào trên thế giới có: Của dân, do dân, vì dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chính đội quân đó 4 năm sau đã giành chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ngay sau 1954, cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn là cuộc đấu tranh chính trị và quân sự giữa hai miền. Nhưng Đảng ta đã dự báo đối tượng chủ yếu của Cách mạng Việt Nam là đế quốc Mỹ. Năm 1959, Nghị quyết 15 xác định chúng ta phải dùng bạo lực cách mạng để giải phóng miền Nam, đồng thời phải sẵn sàng cho cuộc chiến tranh đối đầu trực diện với quân Mỹ. Và vấn đề Đảng lãnh đạo quân đội lại một lần nữa được đặt ra.
Nghị quyết 15 không nói kỹ về việc xây dựng quân đội trong tình hình mới nhưng Nghị quyết Đại hội 3 thể hiện rất rõ việc phải xây dựng quân đội Cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh: quân đội của nhân dân và chỉ có huy động sức mạnh toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng mới có thể đánh thắng cuộc chiến tranh trong tương lai. Đó chính là thời điểm ba tôi được phong Đại tướng.
Trong hồi ký của mình, Đại tướng Văn Tiến Dũng kể lại đợt phong tướng năm 1958 không có ba tôi, nhưng đến năm 1959 thì lại đặt ra vấn đề phong hàm Đại tướng cho ông. Lúc đó chưa có tướng chính trị, chỉ có tướng quân sự, nên ba tôi chính là tướng chính trị đầu tiên của quân đội ta.
Vấn đề đặt ra là ông Nguyễn Chí Thanh nên phong cấp gì? Có người nói là ông cùng lắm chỉ là Thượng tướng vì không học qua trường quân sự nào. Khi ấy, Bác Hồ gọi ông Văn Tiến Dũng và ông Lê Đức Thọ lên hỏi ý kiến. Ông Văn Tiến Dũng trả lời: "Thưa Bác, cháu nghĩ anh Nguyễn Chí Thanh xứng đáng phong Đại tướng. Nhiệm vụ sắp tới của anh ấy cũng cần quân hàm này để làm tốt công việc của mình". Còn ông Lê Đức Thọ thì cho rằng: "Chính trị là linh hồn của quân đội. Tướng quân sự được phong Đại tướng thì tướng chính trị càng cần phong Đại tướng".
Chuyện ba tôi trở thành Đại tướng thứ 2 của QĐND Việt Nam đầu đuôi là thế.
Tô Lan Hương:Khi đó trong nội bộ ta vẫn có hai luồng quan điểm: một quan điểm ủng hộ bạo lực cách mạng giải phóng miền Nam; một quan điểm khác lựa chọn con đường đấu tranh hòa bình. Vì sao sử dụng bạo lực cách mạng là quan điểm được lựa chọn cuối cùng?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đúng là khi đó có những luồng quan điểm khác nhau. Khi chính quyền VNCH lê máy chém đi khắp miền Nam, giết hại đồng bào mình, cơ sở cách mạng của mình, những người ủng hộ quan điểm đấu tranh hòa bình vẫn còn viết trên báo "thi đua hòa bình là giải pháp duy nhất để thống nhất đất nước". Tôi nghĩ mỗi người đều có lý lẽ riêng của mình, chọn hòa bình và chọn đấu tranh trong hòa bình để giải phóng miền Nam để đỡ tốn xương máu bộ đội, nhân dân mình và cả của phía bên kia.
Nhưng vấn đề ở đây là phải hiểu cho đúng về đối tượng cách mạng, hiểu về dã tâm của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Liệu hòa bình ấy có đến không nếu mình đi theo con đường "êm đẹp" mà chúng ta hi vọng?
Ông Lê Duẩn là người đã lăn lộn trong kháng chiến ở miền Nam, ông hiểu bản chất của chính quyền Sài Gòn và dã tâm của Mỹ lúc bấy giờ, rằng họ sẽ không bao giờ đem lại hòa bình cho mình mà không đi kèm sự lệ thuộc. Chính vì thế, dù biết con đường đường bạo lực cách mạng là vô cùng khó khăn gian khổ và nhiều hi sinh, ông cương quyết rằng đó vẫn là con đường bắt buộc chúng ta phải đi.
Ba tôi từng tâm sự với mẹ tôi rằng việc khó khăn và trăn trở nhất với một vị tướng như ông là khi quyết định mở một chiến dịch lớn. Biết đồng chí, đồng đội mình sẽ không tránh khỏi hy sinh, nhưng vẫn lựa chọn phải đánh, đánh thì mới có hòa bình.
Trong một Hội nghị Trung ương, ba tôi từng nói: "Chúng ta đang nói về hòa bình, chúng ta không thể dùng hòa bình để đánh thắng lực lượng quân sự của phe phản cách mạng, nhưng khẩu hiệu của chúng ta là: "Vì hòa bình mà đánh!".
Sự khác biệt trong đường lối lúc bấy giờ xuất phát ở chỗ có hiểu được đúng bản chất của sự xâm lược đó hay không. Trên thực tế, cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đã dạy cho thế giới một bài học: Với những kẻ xâm lược, với chiến tranh xâm lược, dùng hòa bình để giải quyết vấn đề, để giành thống nhất đất nước, độc lập tự chủ, để tìm hòa bình là điều không tưởng.
Dù cả hai luồng quan điểm về cách mạng miền Nam đều có lý riêng, nhưng người nhìn ra bản chất của quân xâm lược, nhìn ra điều không thể không làm để giải phóng đất nước là bạo lực cách mạng là người đúng. Dù vậy, Nghị quyết 15 cũng phải mất hơn 1 năm giằng co mới đi đến thống nhất như những gì chúng ta đã biết.
Tô Lan Hương:Năm 1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bác Hồ lựa chọn là người đại diện cho Bộ Chính trị vào Nam, với nhiệm vụ chỉ đạo cuộc đấu tranh Cách mạng với đối tượng trực tiếp là quân đội Mỹ và chư hầu và quân đội chính quyền Sài Gòn. Một vị tướng chưa từng học qua bất cứ trường quân sự nào như ông Nguyễn Chí Thanh, làm thế nào để có thể đảm đương được trọng trách lớn mà Đảng và Bác Hồ giao phó?
Thượng tướng nguyễn Chí Vịnh: Thật ra lúc đó, các Tướng lĩnh quân đội của mình có ai được học qua trường lớp quân sự nào đâu. Nhưng tôi hiểu khi người ta quyết tâm làm một việc gì đó đến cao độ, ăn cũng nghĩ về nó, ngủ cũng mơ về nó và đã trải qua trận mạc sống chết thì tự khắc người ta sẽ giỏi và như tôi đã từng nói nhiều lần, tất cả những tướng, tá, cán bộ chỉ huy của quân đội ta thời đó đều xứng đáng với danh xưng "tướng trận" vô cùng tài giỏi.
Hồi đó phòng làm việc của ba tôi có một cái bàn, phía sau lưng là bản đồ bố trí lực lượng quân sự của ta. Bên trái là bản đồ bố trí tình hình địch. Mỗi ngày, hai tấm bản đồ đó đều phải điều chỉnh, cập nhật thông tin mới.
Lúc đó là khoảng năm 1960 -1961, khi ba tôi còn đang bận rộn với cương vị Trưởng ban công tác nông thôn. Ngoài những lúc ngồi bàn viết lách, thời gian còn lại ông thường đứng trước tấm bản đồ chiến sự, ngày nào cũng vậy trong hàng năm trời. Bất cứ lúc nào, trái tim ông cũng đau đáu nghĩ về miền Nam.
Có lần, ba bị bà nội la khi bà nghe ông nói chuyện đánh Mỹ với hai người đồng hương. Bà bảo: "Tụi bay muốn đánh giặc thì vào Nam mà đánh. Đừng có ngồi ở Hà Nội mà đánh giặc miệng". Ông kể lại với nhà thơ Thanh Tịnh, một người bạn đồng hương thân thiết câu chuyện này, lòng buồn mãi không thôi. Từ thời điểm đó, tâm nguyện của ông luôn mong mỏi được vào miền Nam chiến đấu, giải phóng quê hương thống nhất đất nước.
Tôi vẫn nhớ khi ấy Bác Hồ sống một mình. BCT phân công thi thoảng một đồng chí vào ăn cơm với Bác để Bác vui, trong đó có ba tôi. Lúc đó tôi mới 4 - 5 tuổi, là "cái đuôi" nhằng nhẵng theo ba, được Bác cho vào ăn cơm cùng. Trong ký ức của tôi, sau vài câu hỏi thăm ban đầu về gia đình và công việc chung, còn lại Ba tôi và Bác Hồ chỉ nói chuyện đánh giặc, về giải phóng miền Nam.
Rạng sáng ngày 5 tháng 8 năm 1964, cả gia đình tôi đang đi nghỉ mát ở Sầm Sơn, thì có tiếng pháo của cả bên Mỹ và bên ta ở ngoài biển Thanh Hóa vọng về. Đó chính là "sự kiện Vịnh Bắc Bộ" mà sau này lịch sử hay nhắc lại.
Chỉ một lúc sau có điện gấp gọi ba tôi từ Sầm Sơn quay về Hà Nội. Chiều mùng 6/8 mới ra đến Hà Nội, thấy lạ vì các chú bảo vệ ở nhà hàng ngày đi đâu hết, xung quanh hàng rào có rất đông các chú bảo vệ lạ mặt, không cho chúng tôi lên gác, cả bà nội cũng phải chuyển xuống dưới nhà. Đến 6 giờ tối thì Bác Hồ đến. Và đó là một cuộc họp Bộ Chính trị hiếm hoi không tổ chức ở trụ sở, mà tổ chức ở ngôi nhà 34 Lý Nam Đế và chỉ bàn về cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Hồi đó ở Hà Nội, Trung ương Đảng chỉ đạo xây dựng một số căn hầm chống bom nguyên tử, tại nơi làm việc của Trung ương, Quân ủy Trung ương, nhà Bác Võ Nguyên Giáp… Tại số 34 Lý Nam Đế nhà tôi cũng được xây 1 căn hầm như thế. Sau này chú Vũ Kỳ kể lại: "Bác bảo, chiều nay sang nhà chú Thanh họp để giữ bí mật. Mà bên ấy Bác nghe cũng vừa xây xong một căn hầm chống bom kiên cố, an toàn".
Trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 26/9/1964, Bác Hồ nói rằng: "Cuộc kháng chiến sắp bước sang giai đoạn mới, ta chuẩn bị đối đầu trực diện với Mỹ. Mấy năm nay không bổ sung ủy viên Bộ Chính trị vào cho miền Nam, nay không đi không được, phải cử một đồng chí đại diện Bộ Chính trị ở miền Nam". Khi đó, ba tôi đứng ngay dậy: "Thưa Bác, tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Bác. Hiện nay tôi là người trẻ nhất trong Bộ Chính trị, sức khỏe tốt, xin phép Bác và Bộ Chính trị cho tôi vào miền Nam để tìm phương án đánh Mỹ".
Chỉ vài ngày sau là có kết luận của Bộ Chính trị cử Ba tôi vào Nam. Và tới ngày 10/10, người ta nói ông đã ở trong Trung ương Cục. Tôi thắc mắc suốt nhiều năm rằng tại sao chỉ có 10 ngày mà ông đã kịp từ Hà Nội vào tới Trung ương Cục ở Tây Ninh.
Mãi sau này, khi không phải giữ bí mật nữa, bác Lê Trọng Tấn mới kể, ngày đó ba tôi và bác Tấn đóng giả thương gia Hoa Kiều, đi theo con đường đặc biệt từ Hà Nội qua Quảng Châu, qua Indonesia, đi đường biển về cảng Kampong Som/ Campuchia rồi sau đó đi đường bộ về Trung ương Cục. Đó cũng là con đường mà ông Lê Đức Thọ vào Nam trong đợt 2 của cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân đầu năm 1968.
Chuyến đi của ba tôi rất bí mật, có lẽ chỉ có mình mẹ tôi biết. Cho đến lúc cả gia đình tôi biết, thì ba tôi đã ở chiến trường miền Nam, trở thành Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Quân ủy Miền kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam với bí danh Sáu Di.
Tô Lan Hương: Nếu như Tổng Bí thư Lê Duẩn là người có hơn 20 năm kề vai chiến đấu với người dân Nam Bộ, thì ông Nguyễn Chí Thanh trước đó chỉ hoạt động ở Bình Trị Thiên. Khi vào Nam, làm thế nào để ông Nguyễn Chí Thanh tạo dựng được lòng tin, xây dựng được uy tín của mình ở miền Nam?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Lúc được BCT giao nhiệm vụ vào Nam, ba tôi có nói, ông vào Nam để tìm phương án đánh Mỹ và khẳng định quyết tâm thắng Mỹ. Lúc đó, ba tôi không xin quân, chỉ xin tướng. Ông chọn những tướng giỏi nhất đang ở miền Bắc lúc bấy giờ như Lê Trọng Tấn, Hoàng Cầm, Lê Đức Anh, Trần Độ, Trần Văn Phác, Hoàng Văn Thái,... cả tướng quân sự và tướng chính trị, tham mưu, hậu cần, kỹ thuật.
Cán bộ chỉ huy phải là những người từng kinh qua chiến trận trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, trưởng thành qua chiến trận. Hầu hết các tướng lĩnh, cán bộ, chỉ huy từ Miền Nam tập kết ra Bắc được đào tạo, bồi dưỡng, khi đó cũng được điều động quay trở lại miền Nam chiến đấu.
Ở chiến trường miền Nam, sau mỗi trận đánh, ông lại xuống đơn vị để rút kinh nghiệm với cán bộ, chiến sĩ vừa rời chiến hào đánh Mỹ. Ngay cả phương châm "nắm thắt lưng địch mà đánh" thực chất không phải do ông tự nghĩ ra, mà là nghe từ một cán bộ cấp đại đội, rồi từ đó được ông phát triển lên thành phương châm chiến lược cho toàn miền Nam.
Với cách đánh này, quân giải phóng sẽ đánh xáp lá cà với quân đội Mỹ, khiến pháo binh và máy bay Mỹ bị vô hiệu hóa vì sợ gây thương vong cho chính họ. Điều này khiến hai bên gần như chiến đấu ngang hàng, vì điểm mạnh hỏa lực và pháo binh Mỹ không thể phát huy tác dụng, còn Quân giải phóng lại phát huy ưu thế khi Mỹ không thể đoán được hướng tấn công. Từ đó, chúng ta đã thắng những trận đầu tiên vang dội như chiến dịch Bình Dã, Ba Gia, Đồng Xoài. Những chiến thắng đó đã củng cố niềm tin chúng ta sẽ thắng Mỹ của cả nước nói chung và miền Nam nói riêng.
Tô Lan Hương:Là người xây dựng kế hoạch cho đợt Tổng tiến công Mậu Thân 1968 nhưng lại không có cơ hội sống đến lúc đợt Tổng tiến công chính thức diễn ra, anh nghĩ đó có phải một trong những tiếc nuối lớn nhất của ba mình?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Cuối năm 1966, ba tôi ra Hà Nội để báo cáo với Bác Hồ và Bộ Chính trị về tình hình miền Nam và chuẩn bị kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Theo kế hoạch, ngày 6/7/1967 ông sẽ quay trở lại miền Nam.
Vào buổi trưa ngày 5/7, ba tôi sang ăn cơm cùng Bác Hồ và chào tạm biệt. Bác nói: "Lần này chú vào, phải quyết tâm mở một chiến dịch lớn để giành lợi thế trên chiến trường, đón Bác vào thăm đồng bào chiến sĩ Miền Nam".
Chiều 5/7, ba tôi qua nhà bác Võ Nguyên Giáp ăn cơm. Sau đó, ông lại quay lại nhà Bác. Sau chú Vũ Kỳ kể lại: lúc ba tôi đến thì Bác đã đi ngủ, nên ông ngồi tâm sự với chú Vũ Kỳ.
Ông nói: "Tôi vào đợt này, quyết tâm đánh Mỹ để sớm đón Bác vào thăm miền Nam. Nhưng tôi thấy sức khỏe Bác yếu. Không nhanh sợ không kịp…". Một lúc sau, Bác Hồ biết ba tôi ngồi dưới, gọi ông lên nhà.
Ba tôi tâm sự với Bác: "Cháu vào Nam, sẽ cố gắng đánh Mỹ cho tốt, thực hiện lời dặn của Bác, sớm đưa Bác vào thăm miền Nam. Bác cố gắng giữ sức khỏe". Bác Hồ đáp lại: "Bác biết rồi. Chú cứ yên tâm vào Nam". Và đó là đoạn đối thoại cuối cùng của họ. Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, lúc rạng sáng ngày 6/7, ngay trước lúc lên đường, ba tôi đang nằm bên cạnh mẹ bỗng thức dậy. Ông nói với mẹ tôi rằng ông mệt. Khi được đưa vào Bệnh viện 108, thì ông ra đi. Năm đó tôi 8 tuổi.
Tô Lan Hương:Nhiều người nói, cái chết của ông Nguyễn Chí Thanh là cú sốc lớn, nó cũng làm kế hoạch Mậu Thân năm 1968 trở nên khó khăn hơn. Chuyện đó có đúng không?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi không biết tường tận về việc này, nhưng tôi biết rằng, khi nghe tin ba tôi mất, bác Ba Duẩn đã thốt lên: "Anh Thanh mất, mang theo tất cả đi rồi". Không ai dám hỏi bác Ba Duẩn, ông đã nghĩ gì khi thốt lên câu nói ấy.
Vào năm 2001, CIA giải mật tài liệu về thông tin tình báo "Những khó khăn của Bắc Việt sau cái chết của Ủy viên BCT Nguyễn Chí Thanh". Tài liệu viết: 'Với cả lai lịch quân sự lẫn kinh nghiệm chính trị, ông Nguyễn Chí Thanh là người khó có thể thay thế… Từ đầu năm 1965, ông Thanh là nhân vật số một tại Trung ương Cục miền Nam… Có rất ít nhân vật có uy tín và tầm vóc có thể thay thế được ông".
Tô Lan Hương: Vào cái năm 8 tuổi ấy, anh nhớ gì và cảm nhận thế nào về cái chết của ba mình?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Khi ba tôi mất, chị tôi đứng bên cạnh và nhổ cho ông những chiếc tóc bạc cuối cùng. Tôi thì còn quá nhỏ, chưa hiểu mất mát là gì. Nhưng tôi nhớ về thời khắc Bác Hồ xuất hiện trong đám tang ba tôi.
Lễ tang tổ chức vào chiều tối ngày 6/7. Khi mọi người đang viếng, thì tôi thấy một nhóm người mặc sơ mi đi vào, tất cả không hẹn mà cùng đứng dạt sang hai bên. Sau đó một chú cán bộ đi vào đề nghị các phóng viên ra ngoài. Rồi Bác Hồ đến, Bác vẫn cầm cây gậy thường ngày, có chú Vũ Kỳ đi cùng, Bác dừng lại ở cửa phòng một lát, rồi sau đó bước lên đầu quan tài của ba tôi, đứng một mình, im lặng. Rồi Bác lui xuống cùng bác Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng,… mặc niệm Ba tôi. Sau đó Bác đi đến chào gia đình và hỏi thăm Bà nội, nắm tay mẹ tôi chia buồn, xoa đầu tôi rồi đi về.
Giữa lúc đó tôi nghe tiếng xè xè của máy quay phim do một người quay phim bên quân đội, do không nắm được yêu cầu nên đã vô tình quay lại hình ảnh Bác trong đám tang và ngay lập tức bị bảo vệ của Bác mời ra ngoài, giữ lại cuốn phim. Vào năm 2010, tôi tìm trong kho lưu trữ của xưởng phim quân đội và tìm được cuộn phim quay dở đó. Phim bị lộ sáng nên phải rất cố gắng mới rửa ra được tấm ảnh mà giờ tôi vẫn giữ.
Ba tôi không thực hiện được lời hứa đánh Mỹ để đưa Bác vào Nam, còn Bác Hồ cũng không chờ được đến ngày đất nước thống nhất để vào thăm miền Nam…
Nội dung: Tô Lan Hương
Thiết kế: Khương Hiền
Bài tiếp: Lời hứa "nuôi Nguyễn Chí Thanh nên người" của các Ủy viên Bộ Chính trị với đồng chí đã mất
22/08/2022