Với nhiều người, đại dịch COVID-19 là những ký ức đau thương mà không ai muốn nhớ về, nhưng với ông Huỳnh Minh Hiệp, ngụ quận Tân Bình (TP.HCM), những tháng ngày đó là mảng ký ức đáng sợ nhưng cần được biết đến và là một phần giá trị mà cuộc đời ông phải trải qua.
Suy nghĩ như vậy, ông Hiệp đã nảy ra ý tưởng sưu tầm và lưu giữ tất cả những gì liên quan đến cuộc chiến chống dịch, không chỉ ở TP.HCM mà ở khắp các tỉnh thành, vùng, miền trên cả nước.
Triển lãm chuyên đề “Lặng” với ý tưởng xuyên suốt là “Cuộc chiến chống dịch COVID-19 - Một năm nhìn lại”.
Ngày 29/5 vừa qua, UBND quận Phú Nhuận, TP.HCM phối hợp cùng ông Huỳnh Minh Hiệp triển lãm chuyên đề "Lặng" với ý tưởng xuyên suốt "Cuộc chiến chống dịch COVID-19 - Một năm nhìn lại”. "Lặng" là bức tranh ký họa về những khoảnh khắc, dấu ấn trôi qua dù đau thương nhưng trong “Lặng” có tôn vinh sự cống hiến thầm lặng, sự hy sinh cao quý của đội ngũ tuyến đầu và hậu phương.
Sưu tập hơn 1.500 tư liệu về thời COVID-19
Từng tham gia tình nguyện trong những ngày TP.HCM gồng mình chống dịch COVID-19, tận mắt chứng kiến nhiều mất mát do đại dịch COVID-19 gây ra. Giờ đây, khi thành phố đã quay trở về nhịp sống thường nhật, ông Huỳnh Minh Hiệp (ngụ quận Tân Bình) lại dành thời gian để tìm kiếm và lưu giữ những kỷ vật về mà chỉ trong đại dịch mới có.
"Đôi khi, có những điều không vui ta vẫn cần lưu giữ vì nó giúp ta mạnh mẽ hơn, yêu thương nhau và yêu TP.HCM nhiều hơn. Gần 50 tuổi, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này, đây là món quà tôi dành tặng thành phố trong những ngày khó khăn mà chúng ta cùng nhau cố gắng vượt qua”, ông Hiệp tâm sự.
Trong không gian của quán cà phê Lúa Sài Gòn (quận Phú Nhuận, TP.HCM), khung cảnh tại bệnh viện dã chiến, các con đường, khu dân cư bị phong tỏa, thực hiện lệnh giãn cách trong đại dịch COVID-19 được tái hiện lại bởi hơn 1.500 tư liệu như phiếu đi chợ, văn bản chỉ đạo phòng chống dịch, giấy hoàn thành cách ly, các giấy xác nhận đã tiêm ngừa vaccine hay mã quét QR khai báo y tế,…
Cạnh đó, "Siêu thị mini 0 đồng", "Chuyến xe nghĩa tình chở lương thực, thực phẩm, sách, báo đến với bà con"... cũng được tái hiện. Dọc theo đường đi vào quán là những bức ảnh mang đậm tính thời sự với những khoảnh khắc, dấu ấn đại dịch COVID-19.
"Tôi muốn lưu lại hình ảnh TP.HCM thời kỳ đấu tranh với kẻ thù vô hình COVID-19 để mọi người, thế hệ sau luôn nhớ về giai đoạn khó khăn, kinh khủng nhất mà chúng ta đã cùng nhau bước qua. Cùng với đó là tôn vinh sự tương thân tương ái, nỗ lực hết sức mình của tuyến đầu chống dịch và các ban ngành, đoàn thể đã ra sức cùng hỗ trợ, chăm lo cho người dân trong suốt đại dịch", ông Hiệp chia sẻ.
Tái hiện lại siêu thị mini 0 đồng.
Phần lớn trong bộ sưu tập “lạ đời” này của ông Hiệp là hơn 500 phiếu đi chợ của người dân. Để tập hợp đầy đủ các phiếu đi chợ ở các phường, quận tại TP.HCM, ông Hiệp phải mất khá nhiều thời gian, công sức tìm kiếm, xin lại.
Có đủ bộ phiếu đi chợ tại TP.HCM, ông Hiệp còn lặn lội đi nhiều tình thành để tìm kiếm các thể loại giấy tờ, đồ đạc trong những ngày cả nước chống dịch. Càng đi nhiều, ông càng hứng thú. Càng sưu tầm, ông càng phát hiện ra nhiều loại giấy tờ độc đáo thời COVID mới có.
Phiếu đi chợ, lọ vaccine, đồng phục của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch được ông Hiệp sưu tập và lưu giữ.
Lúc tìm kiếm, rất ít người còn giữ lại, vì nó chỉ là tờ giấy đã hết giá trị sử dụng vào thời điểm gỡ phong tỏa, chỉ có ông Hiệp hiểu rằng, đó là ký ức không được phép lãng quên. Những tờ giấy đã nhàu nát, rách tươm, đã không còn rõ chữ hoặc những tờ phiếu bị lỗi hành văn thì ông Hiệp lại càng trân quý.
“Mấy tờ giấy thôi, tôi cũng quý. Có những hiện vật lạ lẫm vô cùng như giấy đủ điều kiện để tập thể dục ở công viên phường Tân Phú (quận 7, TP.HCM), phiếu cắt cỏ cho bò ăn ở Tây Ninh, phiếu đi mua 10 lít rượu, hay giấy nhận chăm sóc em bé bốn ngày tuổi cả nhà nhiễm COVID từ một tình nguyện viên trong mùa dịch. Tôi lưu lại đây, ai cần đến xem và nghe những câu chuyện về nó, về Sài Gòn mùa dịch”, ông Hiệp nói.
Bên cạnh đó, ông còn sở hữu các vỏ lọ vaccine, túi thuốc F0, túi an sinh, đồ bảo hộ chống dịch... Khi biết được việc làm của ông Hiệp, nhiều người bạn của ông ai có gì thì tặng đó, thậm chí hỏi xin người quen để mang đến cho.
Dần dần bạn bè trên mạng xã hội cũng biết đến việc làm ý nghĩa này, thế là ông nhận được nhiều hơn những kỷ vật liên quan đến COVID-19. Ai tặng gì, ông Hiệp đều sắp xếp, lưu lại hết.
Những ký ức còn vẹn nguyên
Mỗi một vật dụng gắn liền với những câu chuyện khác nhau và trong đó có những câu chuyện mỗi khi nhớ lại khiến ông Hiệp cay trong khóe mắt. Tay lật vội những tấm ảnh, ông Hiệp lại bồi hồi nhớ lại những tháng ngày nhọc nhằn cùng bạn bè tham gia vận chuyển lương thực, thuốc men.
Ông Hiệp kể vanh vách lúc đó mình đi đâu, làm gì, lòng chông chênh thế nào. Nhất là khi vào các bệnh viện dã chiến, chứng kiến lằn ranh sinh tử, anh cảm nhận rõ nhất sự mất mát của dịch bệnh cùng nghị lực của mọi người.
Nỗi đau lớn nhất luôn âm ỉ trong lòng ông là lúc chứng kiến cảnh gia đình của một tình nguyện viên khi tham gia tình nguyện chống dịch với mình mất 5 người chỉ trong vòng 1 tháng.
"Người anh em đi chống dịch cùng tôi chỉ hơn một tháng mà mất tới 5 người trong gia đình. Họ ra đi tại Bệnh viện dã chiến số 16. Tiếp sau đó là anh trai ruột của đồng đội ra đi vì COVID-19. Chúng tôi chỉ có thể đứng trước cổng bệnh viện quỳ gối khấn nguyện để tiễn đưa người đã khuất”, ông Hiệp nhớ lại một ngày buồn của năm 2021.
Tấm giấy viết tay của bé gái mất cha gửi tặng ông Hiệp.
"Một trong những hiện vật khiến tôi rớt nước mắt là câu chuyện từ một bé gái 8 tuổi tặng lại cho tôi tờ thư mời nhận quà của Hội Chữ thập đỏ TP.HCM dịp Tết Nhâm Dần 2022 cùng dòng thư tay, cháu viết: “Chào chú Huỳnh Minh Hiệp, con là Lê Ngọc Phương Trinh. Con là trẻ mồ côi cha trong đợt đại dịch COVID. Con gửi tặng chú tờ giấy này để chú lưu lại những ký ức đau thương này làm cho con thành trẻ mồ côi, mất cha. Sài Gòn ngày 18/2, con trân trọng chào chú", ông Hiệp nghẹn ngào.
Theo ông Hiệp, sau cuộc triển lãm, nếu chính quyền gửi lại những văn bản thì ông sẽ giữ và lưu lại để thế hệ sau có thể đến và thấy lại những ký ức trong đại dịch vừa qua. Thấy được cảnh từng hộp cơm, suất ăn mang vào khu cách ly, từng túi thuốc an sinh, từng đơn đi chợ giúp dân được bộ đội, tình nguyện viên trao đến từng nhà...
Nhìn những kỷ vật, hình ảnh và khung cảnh của 1 bệnh viện dã chiến được tái hiện trong không gian quán cafe, chị Trần Dương Ngọc Oanh (ngụ quận Phú Nhuận) cho hay: “Đó là một ký ức buồn của người dân TP.HCM nói riêng cũng như người dân cả nước nói chung. Nó làm tôi gợi nhớ về thời gian cùng đồng nghiệp hỗ trợ người dân như đi chợ, vận chuyện nhu yếu phẩm xuống tận nhà, tiêm vaccine...Những khoảnh khắc đó cứ lần lượt hiện lên trong đầu, như ngày hôm qua vậy".
Chị Oanh cho rằng, không biết vì sao lúc đó chị và đồng nghiệp có nhiều sức mạnh để vượt qua thời gian khó khăn như vậy được. Là Bí thư đoàn phường, hầu như chị giành trọn thời gian để sát cánh cùng anh em, cùng ăn, cùng sống để túc trực hỗ trợ kịp thời nhất cho người dân.
Hộp cơm gửi vào khu cách ly, bàn tiêm vaccine, thực phẩm người dân từ mọi miền đất nước gửi vào tặng TP.HCM cũng được ông Hiệp bảo quản cẩn thận.
"Tôi thật bất ngờ với những hiện vật, tài liệu trong giai đoạn TP.HCM bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 được trưng bày khá phong phú tại đây. Điều này giúp tôi gợi nhớ lại những tháng ngày chống dịch đầy khó khăn", anh Huy (ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM) chia sẻ.
Ngày 29/5/2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chính thức xác lập Kỷ lục mới đến ông Huỳnh Minh Hiệp với bộ sưu tập phiếu đi chợ và các giấy tờ, hiện vật liên quan đến dịch COVID-19 tại các địa phương của Việt Nam với số lượng lớn nhất.