Một ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão, tôi ngược núi tìm đến trang trại bạc tỷ của vợ chồng anh Lê Văn Long, chị Nguyễn Thị Phượng (trú xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, Nghệ An). Xe trầy trật trên con đường đất nhão nhoét do trận mưa hồi tối qua. Đường vào trang trại của anh Long đầy "sống trâu", chỉ vừa một ô tô chạy. "Đường chú Long mở đấy, hồi xưa ở đây làm gì có đường mà đi", một người dân chỉ đường cho tôi nói. Thỉnh thoảng một chiếc xe tải chở keo phải lùi, nép vào hõm rừng, nhường đường cho tôi qua. Sau hơn nửa tiếng trườn trên con đường bùn trơn trượt dài độ 3 cây số cuối cùng tôi cũng đến được trang trại nằm tít cuối đường.
Dù đã được nghe kể nhưng thật tình tôi không nghĩ người đàn ông ngồi trước mặt mình từng là một con nghiện ma túy suốt 13 năm, một kẻ ăn chơi có tiếng và "tiêu tiền như nước".
Tôi nhẩm tính giá vàng những năm 2007-2008 và giật mình bởi số tiền ấy có thể mua được gần 2 chỉ vàng!.
Sinh năm 1975, cuộc đời anh Long trải qua sóng gió khi mới lọt lòng. 3 tháng, bố mẹ đường ai nấy đi, ngày ấy anh Long ở với mẹ. Lên lớp 7, thích chơi hơn học, vậy là Long bỏ ngang, theo đám bạn lêu lổng, phiêu dạt khắp nơi. Va đập cuộc đời khiến anh Long nhạy bén với thời cuộc, biết làm ăn và dường như làm gì cũng gặp may. Kiếm tiền dễ, anh Long ăn tiêu bạt mạng. Anh chàng tập tành ăn chơi và bắt đầu trượt dài vào đúng đêm sinh nhật tuổi 22. Có tý rượu, có tý sĩ diện và cả tính ngông, khi bị bạn bè khích bác, anh Long thử ma túy.
Sau cái đêm "thăng hoa" ấy thì anh không dứt được ra khỏi mê lực chết người của nó nữa. Rồi anh Long lấy vợ. Người vợ trẻ vẫn luôn tin rằng bằng tình yêu của mình và sự hiện diện của đứa con sẽ dần dần kéo chồng ra khỏi vũng lầy ma túy. Thế nhưng, người chồng lại giáng cho chị một cú đấm vào niềm tin ấy. Năm 2002, anh Long tham gia một vụ ẩu đả trong trận nhậu, hậu quả lĩnh 2 năm tù về tội "Cố ý gây thương tích".
Ra tù, anh Long cũng không thể dứt khỏi ma túy. Không phải là không muốn dứt mà dứt không nổi.
Tết 2010, chị Phượng mang bầu đứa thứ 2. Nghĩ đến tương lai các con sau này, ăn Tết xong, anh Long quyết định cắm chiếc xe máy lấy tiền đi cai nghiện tự nguyện. Khi anh hoàn toàn cắt cơn, chị Phượng bế con đến đón chồng. Chưa kịp ôm con, việc đầu tiên của anh Long là.... đi tìm ma túy, thật may khi không tìm được người bán.
Chắc đây là điềm lành để mình làm lại cuộc đời rồi, anh Long tự nhủ. Về nhà, anh đóng cửa, ở lỳ trong nhà 6 tháng để đoạn tuyệt với ma túy, đoạn tuyệt với đám bạn nghiện luôn sẵn thuốc và tìm cách rủ rê, lôi kéo.
"Có những khi thèm thuốc, trong đầu chỉ lởn vởn khoái cảm của ma túy. Nhưng chỉ cần bước ra khỏi căn phòng kia là tôi thua trắng bụng ngay, là 180 ngày đổ sông đổ bể, là nước mắt của mẹ, là nỗi buồn của vợ, là phản bội lời hứa với con. Lắm lúc tôi phải nắm chặt nắm đấm, móng tay bấm vào thịt đến bật cả máu, phải đập đầu vào tường để giữ mình tỉnh táo. Đúng 6 tháng ru rú trong phòng, tôi bước ra ngoài. Việc đầu tiên là... đi tìm ma túy", anh Long kể tiếp.
Dường như ông trời thêm một lần nữa giúp anh đoạn tuyệt với ma túy khi không tìm được người bán. 2 lần "mua hụt" ma túy đó tiếp cho anh niềm tin để quay lại "làm một thằng người", để anh đủ dũng khí từ chối lời mời của một bạn nghiện và dõng dạc tuyên bố "từ nay chú đừng xuất hiện trước mặt anh nữa". Nhìn đôi mắt như có lửa của anh, bạn nghiện lấm lét quay lưng đi như chạy trốn...
"Chỉ khi trong đầu không nghĩ đến ma túy nữa thì mới gọi là cai thành công. Nhưng nếu ở nhà, tôi không dám chắc mình không quay lại với ma túy. Chính lúc tôi hoang mang đứng giữa ngã ba đường thì những người anh, người chú trong sắc phục công an đã đến với tôi. Có người là cán bộ trơn, có người là lãnh đạo, giờ họ đã nghỉ hưu hoặc đang làm lãnh đạo rồi, tôi xin phép không nói tên, nhưng suốt đời tôi khắc cốt ghi tâm ân tình của các anh, các chú. Họ cho tôi lời động viên, lời khuyên, định hướng.
Theo lời khuyên của các chú, các anh, tôi vào đây (xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương-PV) làm kinh tế. Ở đây đất đai phì nhiêu, khí hậu ôn hòa, và quan trọng nhất là hoàn toàn tách biệt với bên ngoài, cắt đứt với những nguy cơ có thể khiến tôi tái nghiện. Các anh, các chú cho tôi vay vốn, cho tôi hàng nghìn cây keo giống để tôi khởi nghiệp. Cái tình, sự tin tưởng của mọi người dành cho tôi quá lớn, khiến tôi không cho phép mình thất bại", anh Long kể.
3 năm sau khi cai nghiện thành công, năm 2014, vợ chồng anh Long vượt núi vào vùng núi Khe Chứa (xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương) lập nghiệp. Nhớ lại ngày gửi con theo chồng vào đây, chị Phượng vẫn chưa khỏi ám ảnh. Chưa có đường vào, hai vợ chồng men theo lối mòn mà thỉnh thoảng con đường độc đạo ấy mất hút giữa những lùm cây dại, lắm lúc phải đu theo cành cây để vượt lên.
Đôi tay phồng rộp, hai bàn chân tướp máu, rồi muỗi, vắt rừng, không có chỗ ăn, chỗ ngủ... nhưng chị không kêu ca, bởi chỉ vào nơi "khỉ ho, cò gáy" này anh mới hoàn toàn đoạn tuyệt được cám dỗ ma túy. Nhát cuốc bổ xuống, những hàng keo tràm dần bén rễ, lên xanh.
Nhìn chồng quần quật hết trồng lại tưới bón, chăm sóc mấy ha keo, đôi mắt trũng sâu nhưng tràn đầy niềm tin, chị biết anh đã tìm lại được chính mình.
Thấy vùng đất này phù hợp với trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi, anh Long mạnh dạn thuê thêm để quy hoạch vườn cam. May mắn anh được gặp Tiến sĩ Đỗ Chung - Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam và được hướng dẫn, hỗ trợ về quy trình trồng, chăm sóc vườn cam theo hướng hữu cơ.
Vườn cam 3.500 gốc của anh được bón bằng đậu nành lên men, phòng trừ sâu bệnh bằng chế phẩm sinh học, tưới tắm bằng nguồn nước sạch từ khe suối, năng suất cam đạt 1-1,4 tạ/cây. Riêng vụ Tết Nguyên đán này, ước tính sản lượng cam đạt 50 tấn cam, doanh thu đạt khoảng 1,5 tỷ đồng.
Ngoài 6 lao động thường xuyên với mức lương 6 triệu đồng/tháng, vào vụ cam Tết, anh phải huy động gần 40 lao động thời vụ để thu hái, đóng thùng, vận chuyển đến nơi tiêu thụ, tiền công 250.000 đồng/người/ngày. Hiện anh Long đang làm thủ tục để đăng ký nhãn hiệu và công nhận cam là sản phẩm sạch và an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng (sản phẩm OCOP) để nâng cao giá trị loại quả có múi này.
Trong 6 lao động thường xuyên, có những người cũng từng có quá khứ lún sâu vào ma túy như anh Long. "Đã từng trải qua nên tôi hiểu, nếu có người nâng đỡ, động viên, đặt biệt là cho họ cơ hội để làm việc, có thu nhập thì con đường đoạn tuyệt với ma túy ngắn hơn, cơ hội trở về làm một người tử tế cũng rộng cửa hơn", anh Long tâm sự.
Nếu anh Long không nói, tôi cũng không nghĩ người đàn ông lúi húi trên vườn cam kia đã từng là một người nghiện ma túy nặng. Anh Nguyễn Văn Hạ (53 tuổi) - người đã làm việc ở trang trại hơn 3 năm, "có da có thịt" hơn hồi xưa.
Khăn gói vào rừng, những lần vật vã vì "đói" thuốc, những lần bứt rứt như hàng nghìn con kiến đục vào tận xương tủy, bao lần toan vượt rừng quay ra, anh Hạ luôn có anh Long bên cạnh, từng chút, từng chút kéo anh ra khỏi vũng lầy những tưởng không bao giờ thoát ra được ấy. Hiện vợ anh Hạ cũng được tạo điều kiện vào đây là việc cùng chồng với mức lương 6 triệu đồng/tháng. "Không có chú Long thì không có tôi ngày hôm nay", anh Hạ tâm sự.
Đi giữa vườn cam lúc lỉu quả vàng, tự tay hái quả cam "thẩm" vị ngọt lành của nó trước khi thu hoạch để giao cho khách ngày Tết, anh Long không giấu nổi niềm vui. Phóng tầm mắt ra bốn phía, ngắm thành quả gần 10 năm đổ mồ hôi, sôi nước mắt, người đàn ông từng "chôn vùi" 13 năm tuổi trẻ trong ma túy, chiêm nghiệm: "Bây giờ nói là giàu có hay thành công thì tôi nghĩ chưa phải nhưng tôi thấy mình sống ổn và sống thoải mái với rừng. Giờ ngoài cam, quýt, mấy ha keo cũng đến kỳ thu hoạch, mít, bưởi, chè cũng bén đất xanh tốt. Tất nhiên vẫn còn nhiều thiếu sót nhưng tôi tự thấy mình giàu có, giàu có về tình cảm của mọi người, về những gì mình đã làm được cho những người cùng cảnh ngộ".
Ông Nguyễn Hữu Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Thanh Đức cho biết: "Anh Lê Văn Long là tấm gương trong nỗ lực tự cai nghiện, đoạn tuyệt với ma túy để làm lại cuộc đời. Không những thế, bằng uy tín và khả năng của mình, anh Long nhiều lần tham gia hòa giải các vụ va chạm, xung đột giữa một số nhóm xã hội, góp phần giữ ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Đây cũng là tấm gương dám nghĩ, dám làm, táo bạo trong xây dựng và phát triển kinh tế bằng mô hình vườn, rừng, tạo việc làm cho người lao động, bước đầu mang lại hiệu quả tốt".