Chị Thanh Tâm thân mến!
Con dâu tôi làm giáo viên tiểu học nên tháng 6 sẽ được nghỉ ngơi. Cháu chịu khó tìm các combo nghỉ dưỡng để có thể tổ chức cho cả nhà chuyến đi với chi phí vừa phải mà lại được nghỉ ngơi ở chỗ tốt.
Năm nay, con dâu tôi mua gói nghỉ dưỡng trên du thuyền 3 ngày, 2 đêm ở Hạ Long cho cả nhà. Ai cũng háo hức, nhất là cô cháu gái hơn 4 tuổi lúc nào cũng ríu rít như chim bên cạnh. Vậy mà những điều bất ngờ cứ liên tiếp xảy ra, làm hỏng cả chuyến đi của cả gia đình.
Chuyện là con trai tôi bị dị ứng, lúc nào cũng phải có sẵn thuốc dị ứng và hộp xịt để phòng tình huống xấu. Nó đã sắp sẵn cái túi thuốc di động của mình vào vali nhưng con dâu tôi lại chuyển thuốc sang túi khác rồi để quên trên bàn, không cho vào vali của chồng.
Đến lúc con trai tôi ăn bề bề trên tàu, không hiểu thế nào lại dị ứng, lên cơn hen, tìm đến túi thuốc thì không thấy. May mà có người trên tàu mang theo thuốc dị ứng chứ không chúng tôi không biết xoay xở thế nào.
Cháu gái tôi vốn hiếu động, thích khám phá nên khi mọi người chèo thuyền kayak cũng nhất định đòi xuống thuyền với bố mẹ. Khỏi phải nói nó kích động thế nào, hò hét vang trời nhưng khi lên tàu thì không chịu ăn uống. Vợ tôi vội đi tìm bánh ngũ cốc cho cháu ăn cùng sữa thì mẹ cháu lại bảo để cháu nghỉ, cuối bữa ăn sau. Nhưng con bé nhất định không ăn.
Bây giờ đi chơi, nhiều người thích chụp ảnh đăng lên facebook. Con dâu tôi cũng suốt ngày kéo chồng đi chụp ảnh khắp nơi, báo hại con bé bêu nắng nên bị cảm. Vấn đề là những điều không như ý ấy đều được giải quyết ổn thoả rồi nhưng vợ tôi vẫn nổi giận đùng đùng.
Bà ấy chê trách con dâu không lựa ngày cẩn thận, không biết chăm con lúc đi xa, thuốc của chồng cũng quên, lớn rồi mà không biết tự lo cho mình nên cháu tủi thân. Mà tính bà nhà tôi khi giận là im lặng, không nói gì, khiến không khí chuyến đi rất căng thẳng, khó chịu.
Giờ về nhà rồi, tôi cũng không trách gì bà ấy, chỉ mong tìm được cách giúp vợ "hạ hoả" nhanh, không nên xét nét con dâu cho cuộc sống vui vẻ, nhẹ nhõm, chị ạ.
Tống Đức Bảo (Lạng Sơn)
Anh Bảo thân mến!
Đúng như anh nói, căng thẳng hay vui vẻ đều do suy nghĩ, quan niệm của chúng ta chi phối. Nhìn mọi việc ở khía cạnh tích cực sẽ thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn. Nhưng để một người cầu toàn, hay để ý trở nên dễ chấp nhận mọi chuyện xảy ra thì cần cả quá trình, trong đó rất quan trọng sự động viên, cố gắng đáp ứng yêu cầu và không bị cảm xúc bốc đồng ấy kéo đi của người thân.
Ví dụ, con dâu anh đã biết tính mẹ như vậy thì không tủi thân đến phát khóc nữa mà có thể nói một cách nhẹ nhàng với mẹ chồng rằng: "Đấy, tính con lơ đãng, may mà có mẹ ở bên, mẹ lại còn không giận, tận tình chỉ bảo, giúp đỡ con!".
Hoặc trước khi đi nghỉ mát, cả nhà làm một danh sách những việc cần để kiểm tra cẩn thận rồi cùng thống nhất cách xử lý khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
Cuộc sống khó tránh khỏi nhiều chuyện không như ý xảy ra, anh hãy luôn ở bên cạnh chị xem "Tôi có giúp được gì bà không nào?" hay "Việc này để tôi giải quyết nốt nhé!", để chị nhà cảm thấy trấn tĩnh, nhìn nhận mọi việc công bằng, quan trọng là tập trung tìm hướng giải quyết, không trách cứ lẫn nhau.
Thanh Tâm tin rằng, khi người thân bình tĩnh, không phản ứng lại thái độ của chị ấy thì chị ấy sẽ cân bằng cảm xúc được nhanh hơn.