Nguyên tắc chung của sơ cấp cứu
Nguyên tắc chung của sơ cấp cứu cần tuân thủ là: An toàn; không di chuyển nạn nhân khi chưa đánh giá ban đầu; bình tĩnh và luôn cần sự trợ giúp; hành động thống nhất; đề phòng lây nhiễm bằng cách đeo găng tay hoặc sử dụng túi nilon khi tiếp xúc với vết thương, rửa tay trước và sau khi sơ cứu; xử lý các vật dụng sau khi sơ cứu.
Lưu ý: Không rửa tay bằng nước ngọt hay dung dịch có nhiều đường, không nên rửa tay tại các nguồn nước kênh, rạch, ao, hồ, đặc biệt là nước tù đọng bởi chúng tiềm ẩn các ổ vi khuẩn càng làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Các bước tiến hành sơ cấp cứu
Việc sơ cấp cứu được tiến hành theo các bước: Đánh giá hiện trường; đánh giá ban đầu về tình hình nạn nhân; gọi trợ giúp (113, 114, 115) rồi mới sơ cứu và vận chuyển. Khi gọi cho số máy khẩn cấp, cần xưng danh và cho số điện thoại của người sơ cứu, thông báo về loại tai nạn, tổn thương và mức độ nghiêm trọng; số lượng, giới tính, độ tuổi của các nạn nhân; tình trạng nguy hiểm tại hiện trường như có chất cháy, nổ, khí độc hay không và nói rõ địa điểm xảy ra tai nạn.
Ngoài ra, trong các vụ nạn lao động hay tai nạn giao thông, phải luôn chú ý tới cột sống cổ, tránh làm bệnh nhân bị liệt hoàn toàn do sơ cứu sai cách. Với người bị tai nạn giao thông, nếu người dân không nhận biết được nạn nhân có bị gãy đốt sống cổ hay không, nên giữ cho bệnh nhân nằm yên và cố định cổ bằng vật cứng như nẹp, mảnh gỗ, thậm chí bằng 2 viên gạch 2 bên, trước khi nhân viên y tế đến.
Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn cách thức sơ cứu ban đầu khi gặp người bị nạn. Ảnh: BVCC
Các bước hồi sinh tim phổi cơ bản cho nạn nhân
Để hỗ trợ cấp cứu cho người không may gặp nạn, cần tuân thủ theo các bước: Đánh giá hiện trường - Đánh giá ban đầu - Gọi trợ giúp - Thực hiện sơ cứu và vận chuyển. Đầu tiên cần đảm bảo hiện trường là an toàn cho bản thân để tiến hành cấp cứu cho nạn nhân (cần quan sát nhanh tìm các yếu tố có thể nguy hiểm như: Cháy nổ, nguồn điện, khí độc…). Đồng thời, cần đánh giá sự thức tỉnh của nạn nhân bằng cách: Kích thích và hỏi to xem liệu nạn nhân có ổn không. Nhìn vào lồng ngực và toàn thân để xem nạn nhân có cử động hoặc thở bình thường không?
Sau khi đảm bảo an toàn, cần chú ý 3 trường hợp. Nếu nạn nhân vẫn còn ý thức, tỉnh táo, chúng ta cần đưa về tư thế khiến người bị nạn cảm thấy dễ chịu nhất để hồi phục. Đối với nạn nhân bất tỉnh nhưng vẫn còn nhịp thở và mạch, cần đưa về tư thế nằm nghiêng an toàn nếu như không có chấn thương về cột sống, nhằm bảo vệ nhịp thở. Đối với nạn nhân đã bất tỉnh, ngừng thở, mạch mất, cần nắm rõ, thực hiện quy trình hồi sinh tim phổi cơ bản.
Về quá trình tiến hành hồi sinh tim phổi, đầu tiên cần gọi cấp cứu và đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng, để nạn nhân nằm ngửa. Khi ép tim cần lưu ý về vị trí, tốc độ cũng như cường độ ép. Tần số sẽ là 100-120 lần/phút, lực ép mạnh để lồng ngực lún xuống 5cm. Vị trí ép đúng là nửa dưới xương ức hoặc giữa hai núm vú. Tư thế người ép là chân quỳ, trục cánh tay vuông góc với thân mình người bệnh. Cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt.
Bác sĩ Hùng cũng lưu ý thêm, khi sơ cấp cứu cần chú ý kiểm soát đường thở của người bệnh. Cụ thể là cần tìm hiểu xem người bệnh có bị mắc dị vật, răng giả hay đờm dãi… hay không. Nếu có, cần làm thông thoáng đường thở cho người bệnh. Ngoài ra, song song với việc sơ cấp cứu, cũng cần gọi cấp cứu 115 bằng cách hô to yêu cầu mọi người xung quanh giúp đỡ. Nếu chỉ có một mình, cần bật chế độ loa ngoài để trao đổi thông tin và được hướng dẫn liên tục khi đang hỗ trợ nạn nhân.
Theo Báo PNTĐ