Mặc dù thời gian qua, đã có rất nhiều vụ bạo hành trẻ em đã bị khởi tố và bị pháp luật trừng trị nghiêm minh, nhưng thực tế con số này vẫn có xu hướng tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.
"Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" là tâm lý giáo dục phổ biến ở nhiều gia đình Việt Nam. Các hình thức xử phạt tâm lý thường được áp dụng là la hét, mắng, chửi, tát vào mặt hoặc đánh trẻ.
Nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ vị thành niên tại Việt Nam của UNICEF mới đây cho thấy, hơn 72% trẻ em từ 10-14 tuổi đã từng bị kỉ luật bằng bạo lực; 47% bị xâm hại thể chất, gần 20% bị xâm hại tình dục và 29% bị bỏ mặc…
Hậu quả là có khoảng 26% trẻ có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần từ trung bình đến cao. Nguy hiểm hơn, trẻ vị thành niên có nguy cơ tự tử do trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Cụ thể, có tới 21,4% trẻ em gái và 7,9% trẻ em trai trong độ tuổi vị thành niên chia sẻ rằng, từng có suy nghĩ về việc tự sát.
Đây là những con số đáng báo động, vì ở lứa tuổi này, các em đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện về thể chất cũng như nhân cách, nên bất cứ một tác động vật lý nào cũng sẽ khiến trẻ bị tổn thương về mặt tâm lý.
Ảnh minh họa
Thực trạng này tồn tại từ nhiều năm nay, thế nhưng, điều đáng buồn là có rất ít trẻ vị thành niên gặp vấn đề sức khỏe tâm thần được điều trị hay hỗ trợ. Có những em âm thầm chịu đựng một mình, có em ngại không dám nói ra, không biết nên chia sẻ, tâm sự và cầu cứu ai… Ở trường thì phần lớn học sinh thường không cảm thấy thoải mái và e ngại khi tìm tới thầy, cô giáo để tâm sự, chia sẻ, hỗ trợ về mặt học tập hay cảm xúc xã hội. Do vậy, đến một thời điểm nào đó, các em thấy cô đơn, quá ngưỡng chịu đựng nên nghĩ quẩn, tiêu cực và tìm cách để tự giải thoát mình.
Theo các chuyên gia tâm lý, tình trạng kỷ luật trẻ em bằng bạo lực xảy ra ở nhiều nơi và đa số đến từ những người thân thiết nhất của các em. Cha mẹ cần cải thiện việc kiểm soát cảm xúc của mình để tránh việc trút lên đầu trẻ những hình phạt bạo lực.
Trẻ em cần được an toàn tại gia đình, trong nhà trường và trong cộng đồng. Tuy nhiên, trong nhiều gia đình, bạo lực vẫn được sử dụng làm phương tiện để dạy dỗ và giáo dục con cái… Điều đó, có nghĩa, khi các hình thức kỷ luật mang tính bạo lực vẫn là một tiêu chuẩn được xã hội chấp nhận, thì trẻ em sẽ là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương.
Thầy giáo Hoàng Thuấn, giáo viên trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, Hà Nội nêu quan điểm, trong gia đình hay trong các hoạt động giáo dục thì không nên can thiệp bởi bạo lực, vì bạo lực sẽ làm cho đối tượng mà mình đang giáo dục cảm thấy sợ hãi, dẫn đến không cởi mở chia sẻ. Đặc biệt, trong thời đại giáo dục hiện nay, chúng ta phải chia sẻ với các con để các con phát huy năng lực của mình, nếu dùng bạo lực để giáo dục con trẻ thì sẽ không đạt được bất kỳ kết quả nào, tinh thần của con luôn luôn bị đe dọa, có thể sẽ bị sang chấn tâm lý.
Tính cách, tâm lý của trẻ vị thành niên thường hay thay đổi, có khi thay đổi trong chốc lát. Có khi đang dự định thế này nhưng gặp một tình huống trước mặt thì con lại phản ứng kiểu khác, cho nên, với trẻ vị thành niên chúng ta nên nhẹ nhàng, nên uốn nắn. Để đạt được mục đích giáo dục con trong một lĩnh vực nào đó thì nên định hướng con theo cách, thứ nhất, tiếp cận con bằng cách yêu thương, luôn sẻ chia bằng trái tim yêu thương của người cha, người mẹ, người thầy, giáo dục bằng tình thương từ trái tim đến với trái tim bao giờ cũng nhanh hơn rất nhiều bởi có sự đồng cảm.
“Với con trẻ không phải là sai, đúng mà các con luôn suy nghĩ những điều các con nói, các con sẽ bộc bạch và chúng ta sẽ hướng, uốn các con trở thành những người tốt hơn, đó là cách giáo dục tốt và hiện đại nhất. Phía các thầy cô giáo, cần phân tích để các con hiểu một cách dễ dàng nhất, thấu đáo nhất, phù hợp nhất, khi đó các con sẽ nhìn nhận ra vấn đề và thay đổi theo hướng tích cực. Tuyệt đối không dùng bạo lực với bất kỳ một trẻ vị thanh niên nào”, thầy Hoàng Thuấn cho hay.
Ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH
Theo ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH, khi trẻ bị bạo lực hay xâm hại thì đều ảnh hưởng đến sức khỏe, kể cả sức khỏe thể chất hay sức khỏe tâm thần. Tại Việt Nam nói riêng và các nước Á đông nói chung đều có thói quen “yêu cho roi cho vọt”, cho nên, nhiều ông bố, bà mẹ đã áp dụng cách hành xử như này để dạy dỗ con cái.
Nếu bạo lực tàn bạo như đánh con bằng roi vọt thậm chí dùng que nung hay thuốc lá dí vào người gây tổn thương thì sẽ gây những ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần rất nặng nề. Đã có rất nhiều trẻ bị bạo lực như vậy, nếu thường xuyên lặp đi lặp lại như vậy sẽ tạo thành một “vỏ cứng”, đứa bé đầu tiên thì hoảng hốt, sợ hãi, sau bị rối loạn về tâm trí, lo âu, rồi cuối cùng rối loạn về sức khỏe tâm thần đến mức nặng, có thể bỏ nhà ra đi, ra ngoài có cách hành xử bạo lực đối với người khác…
Vấn đề kỷ luật bằng bạo lực đã được tuyên truyền, vận động hàng chục năm nay rồi, tuy nhiên, tình trạng kỷ luật bằng bạo lực vẫn xảy ra. Do đó, phải tuyên truyền để loại bỏ thói quen của các bậc cha mẹ đặc biệt là các vùng nông thôn, đó là yêu cho roi cho vọt.
“Yêu thương mạnh hơn lời quát mắng/roi vọt không làm trẻ nên người”, câu nói này vừa có tính chất răn dạy, vừa có tính chất tuyên truyền cho tất cả các bậc cha mẹ là phải dùng tình yêu thương, thay vì roi vọt, chửi mắng, bạo lực.
“Bạo lực về thể xác đối với lứa tuổi vị thành niên, rất dễ khiến các em bị tổn thương, sang chấn về tâm lý. Bởi lứa tuổi này tâm sinh lý có nhiều thay đổi và thay đổi thất thường. Do đó, các bậc cha mẹ, thầy cô nên giáo dục các em bằng tình thương, giáo dục con bằng lời lẽ yêu thương, không sỉ nhục, chửi mắng, không dùng roi vọt đánh đập, đảm bảo em bé sẽ được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Để giải quyết tận gốc vấn nạn này, trước hết cần phải thay đổi quan niệm về giáo dục, phương thức giáo dục đối với trẻ em. Các hình thức bạo lực dưới quan niệm dạy dỗ con trẻ trong gia đình cần được chấm dứt ngay lập tức”, ông Nguyễn Trọng An cho hay.
Theo vov.vn