MoMo vừa chính thức giới thiệu Hội đồng AI (AI Committee), quy tụ nhiều chuyên gia có tiếng trong giới nhằm thực hiện những ước vọng về trí tuệ nhân tạo của công ty và mong muốn bình dân hoá công nghệ này.
Trong sự kiện ra mắt, các thành viên hội đồng đã chia sẻ cụ thể những thứ AI thực hiện được, đồng thời nói thêm về thời điểm cần đầu tư AI, đầu tư bao nhiêu, đánh giá thành quả thế nào.
AI đã làm được những gì?
Ai ai cũng nói nhiều về AI song việc ứng dụng nó trong thực tế cụ thể thế nào còn chưa thực sự rõ ràng. Trả lời thắc mắc này của ICTnews, ông Trịnh Xuân Tuân, Giám đốc khoa học dữ liệu MoMo, nêu ví dụ: tại MoMo trước đây, con người đảm nhận việc sắp xếp các tính năng trên giao diện chính của ứng dụng. Chẳng hạn tầm 8 giờ sáng, số liệu ghi nhận phụ nữ lên ứng dụng nhiều hơn, do đó con người sẽ lập lịch để đúng giờ đó đưa nhiều hơn các tính năng được phụ nữ quan tâm ở vị trí dễ thấy nhất trên app.
Tuy vậy, khi ví điện tử này có đến 200-300 tính năng, 21 triệu người dùng thì nhu cầu mỗi người rất khác nhau, ở mỗi thời điểm cũng khác. Giả sử vào 8 giờ sáng nữ giới vẫn lên nhiều hơn nhưng mỗi người lại có một nhu cầu riêng biệt. Đây chính là lúc trí tuệ nhân tạo vào cuộc.
Ông Trịnh Xuân Tuân, Giám đốc khoa học dữ liệu MoMo |
Nhờ phân tích dữ liệu người dùng, máy tính biết được nhu cầu từng người khác nhau, do đó sẽ hiển thị những tính năng nổi bật phù hợp trong hàng trăm ứng dụng hiện có trên nền tảng. Như vậy, hai người ngồi cạnh nhau có thể nhận thấy kết quả hiển thị khác nhau trong cùng một thời điểm.
Sau khi áp dụng AI để sắp xếp các tính năng phù hợp từng cá nhân riêng lẻ, tỷ lệ người dùng click vào các tính năng tăng lên 256% so với trước.
Hoặc bài toán dùng trí tuệ nhân tạo để bảo đảm bảo mật. Trên nền tảng này có hệ thống tin nhắn chat nên nhiều bên lợi dụng để gửi tin nhắn spam cho người dùng. Trong năm 2021, trung bình một ngày có 200.000 tin rác, chiếm 50% tổng lượng tin nhắn hệ thống, nhưng sau khi áp dụng AI đã giảm chỉ còn 0,2% tổng lượng tin nhắn. “Đó là cách đi từ những bài toán nhỏ và có kết quả, thể hiện chúng ta ứng dụng AI để phục vụ người dùng, giúp họ có được sự tiện lợi và an toàn”, ông Tuân chia sẻ.
Một trong những ứng dụng thành công nhất sử dụng trí tuệ nhân tạo tại MoMo hiện nay là hệ thống chấm điểm tín dụng. Nhờ các thuật toán khác nhau, cộng với cơ sở dữ liệu lớn sẵn có, nền tảng này đã ra mắt hệ thống chấm điểm tín dụng cho người dùng, hiện có khoảng 10 đối tác sử dụng, với hàng trăm ngàn người dùng mỗi tháng.
Bên cạnh đó, mỗi chuyên gia phụ trách từng mảng khác nhau đang phát triển các ứng dụng phục vụ gia tăng trải nghiệm người dùng, phát triển hệ thống chatbot,...
Khi nào nên ứng dụng AI?
AI trong tương lai 10 năm tới sẽ trở thành một dạng ứng dụng bình thường. Ông Đặng Hoàng Vũ, Giám đốc AI phụ trách mảng tăng trưởng kinh doanh, cho rằng AI sẽ trở thành thứ rất phổ thông, ứng dụng sâu rộng chứ không khó khăn như thời điểm hiện tại. Chẳng hạn, 10 năm nữa có thể không cần biết lập trình, nhiều người vẫn có thể đưa AI vào cuộc sống. Giống như nhiều năm trước việc học tiếng Anh, giỏi tiếng Anh là thứ gì đó to tát, nhưng thời điểm hiện tại tiếng Anh đã phổ biến hơn, là thứ ngôn ngữ hầu như ai cũng phải biết.
Ông Thái Trí Hùng, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc công nghệ MoMo, nhận định rằng tương lai AI sẽ len lỏi vào từng ngóc ngách cuộc sống, từ chuyện ăn, ngủ, mặc, di chuyển trên đường... Ví dụ khi mở tủ lạnh vào sáng sớm, AI sẽ đánh giá tình hình của chủ nhân để khuyên ăn gì, uống gì, chế biến món gì,...
Dù AI giúp doanh nghiệp làm được nhiều việc, song tất cả các chuyên gia đều thống nhất rằng thứ đầu tiên cần xây dựng chính là dữ liệu. Ngoài ra, quy mô doanh nghiệp không lớn thì không cần tự mình xây dựng hệ thống AI.
Ông Thái Trí Hùng, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc công nghệ MoMo (ngoài cùng bên trái). |
Ông Vũ Thành Công, Phó tổng giám đốc phụ trách sản phẩm và trải nghiệm khách hàng, cho hay 5 năm trước tại MoMo, AI vẫn là thứ xa vời. Thời điểm đó và đến hiện tại, MoMo xác định muốn dùng AI thì phải có số lượng người dùng lớn, lúc đó mới phát sinh bài toán để giải. “Doanh nghiệp chỉ có 20-30 dịch vụ thì không cần AI”, ông Công nêu ý kiến.
Khi doanh nghiệp có hàng trăm, hàng ngàn dịch vụ thì cần có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo để giới thiệu đúng dịch vụ cần thiết cho từng khách hàng. Lúc đó hàm lượng AI đi vào sản phẩm sẽ sâu hơn, bài toán ứng dụng thực tiễn chứ không lý thuyết. Do đó, muốn ứng dụng AI thì nền tảng phải đủ lớn, bài toán đủ lớn.
Khi người dùng nhiều lên sẽ phát sinh dữ liệu đủ lớn để áp dụng AI. “Song dữ liệu lớn không quan trọng bằng dữ liệu đúng”, ông Thái Trí Hùng nhận định. Có nhiều doanh nghiệp xây dựng dữ liệu nhưng có những loại thông tin không cần thiết, không sử dụng được, do đó dữ liệu cần hữu ích.
Nói về mức độ đầu tư, ông Thái Trí Hùng xác định MoMo là công ty công nghệ, cần dành 30-35% tổng doanh thu cho công nghệ, trong đó AI chiếm 20-25% chi phí, một mức mà ông Hùng cho rằng rất lớn, rất tốn kém.
Khi đã xác định được thời điểm và quyết định đầu tư vào AI, làm sao đánh giá được mức độ hiệu quả của nó? Trả lời câu hỏi này của ICTnews, ông Thái Trí Hùng nêu ví dụ cụ thể về việc dùng AI phục vụ trải nghiệm khách hàng. Ví dụ phải có công cụ đo được khách hàng mất thời gian bao lâu để hoàn thành một tác vụ. Khi thấy người dùng không hài lòng với trải nghiệm sản phẩm, phải cải tiến ngay. Có khi nội bộ đánh giá chỉ số hài lòng rất tốt nhưng bản thân khách hàng chưa hài lòng, khi đó cần kết hợp nhiều yếu tố để đánh giá hơn nữa.
Ví dụ khi áp dụng AI để sắp xếp tính năng trên app phù hợp cho từng người dùng khác nhau, việc đạt được tỷ lệ click 256% cũng là một dạng đánh giá hiệu quả. “Tuy nhiên, chúng tôi không hoàn toàn kỳ vọng AI sẽ tạo thay đổi lớn trong giai đoạn hiện tại, cứ mỗi ngày tăng một ít là được”, ông Hùng trả lời ICTnews.
Hải Đăng