Kỳ bí chuyện thờ thần cọp ở vùng đất phương Nam

Thanh Loan (VNbusiness)| 04/02/2022 08:32

Những chuyện tâm linh, thờ cúng thần cọp ở vùng đất phương Nam ngay từ buổi đầu khai phá đã có rất nhiều. Và cũng có các giai thoại kỳ bí về những 'ông Cọp' biết sống có nghĩa và cứu người, nên được dân làng tôn thờ như thần linh.

Kỳ bí chuyện thờ thần cọp ở vùng đất phương Nam - 1

Bộ cốt lâu năm của ông Cọp (còn được gọi là “ông Bạch” hay ông Hổ) đang được thờ cúng ở đình Bình Thủy (Cần Thơ).

1. Ở ấp Biển Tây B thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) có cây xoài cổ thụ còn gọi là “cụ xoài” tồn tại cho đến nay đã ngót nghét 345 tuổi, hiện được xem là cây xoài có tuổi thọ lớn nhất ở Nam Bộ. Cây xoài có chiều cao 15m, thân cây lớn 5 người ôm mới xuể, tán tỏa bóng mát rộng đến 300m2.

Kỳ bí chuyện thờ thần cọp ở vùng đất phương Nam - 2

“Cụ xoài” 345 tuổi ở Bạc Liêu gắn với câu chuyện linh thiêng về ông cọp 3 chân.

Xung quanh “cụ xoài” có không ít chuyện ly kỳ liên quan đến việc thờ cúng ông cọp (cách nói dân dã của người Nam bộ khi nói về loài hổ). Trong bảng thông tin về cây xoài này cũng có nhắc đến chuyện cuối thế kỷ XVII, nơi đây khi còn rừng rậm, cỏ dại mọc hoang sơ, có một con cọp 3 chân được người dân tôn thờ như thần cọp.

Một cụ già sống lâu năm ở ấp Biển Tây B cho biết nơi đây vốn từng là rừng rú hoang vu, có nghe ông bà xưa kể lại những sự tích về con cọp 3 chân thường xuyên xuất hiện ở gốc cây xoài và tỏ vẻ hiền lành, không hại người. Thấy vậy, với mong cầu được bình an, người dân trong làng đã cúng heo sống ở gốc xoài để khi đến đây thì cọp sẽ tha đi ăn.

Thực ra, có giai thoại xưa về con cọp ở Bạc Liêu như thế này. Đó là cọp vợ chuyển dạ nên cọp chồng (khi ấy vẫn còn 4 chân) vào trong xóm tìm các bà mụ vườn (người đỡ đẻ cho sản phụ) cõng vào rừng để giúp vợ “khai hoa nở nhụy”. Khi “mẹ tròn con vuông”, cọp lại đều đặn tha thú rừng thảy trước nhà bà mụ để trả ơn.

Thấy con cọp sống có nghĩa nên các bô lão trong làng chọn ngày lễ cầu an là ngày 28 tháng 7 âm lịch để chọn làm ngày cúng hàng năm cho cọp nêu trên một con heo sống ở gần gốc cây xoài trên để cầu sự bình yên, tai qua nạn khỏi.

Trong khi đó, một gã thợ săn qua theo dõi biết con cọp nhiều lần tha thú rừng cho bà mụ bèn âm mưu đặt bẫy bắt cọp. Cọp dính bẫy, đành tự cắn đứt chân mình thoát thân, nên chỉ còn 3 chân.

Biết con cọp mất một chân do mắc bẫy, nên hàng năm người dân cúng cho cọp một con heo đã mổ sẵn với quan niệm con cọp chỉ còn 3 chân nên khó khăn bắt con heo còn sống để ăn thịt.

Sau này không còn thấy con cọp 3 chân xuất hiện. Cho rằng cọp đã chết, dân làng cảm thương loài vật có nghĩa đã cất miếu thờ phượng. Và đến nay, ngày 28 tháng 7 âm lịch hàng năm người dân nơi đây không cúng nguyên con heo mà cúng một đầu heo luộc chín.

Việc cúng lễ vật cho thần cọp trở thành tín ngưỡng dân gian của người dân ở xã Vĩnh Trạch Đông với nghi thức trang trọng, được tổ chức hàng năm ở gần gốc cây “cụ xoài”.

Nói thêm về mặt tâm linh, theo các cụ già ở đây, thường với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi đều có chư vị thần linh ngự ở đó, với “cụ xoài” có lẽ cũng vậy, đó là nơi ngự của thần cọp.

Có câu chuyện kể rằng, một người đàn ông là Việt kiều Canada quê ở Cà Mau bị bệnh nặng, khi về nước trị bệnh và có đến cầu khấn ông cọp ba chân dưới ngôi miếu nằm cạnh gốc “cụ xoài”.

Trong quá trình van vái thần cọp, người đàn ông này cởi áo ra và ôm chặt vào cây xoài khá lâu. Sau một thời gian chạy chữa, Việt kiều này được cho là hết bệnh và với niềm tin tâm linh đã nhiều lần quay trở lại mua lễ vật cúng thần cọp dưới gốc “cụ xoài”.

Nhiều người cho rằng nhờ có sự che chở của thần cọp 3 chân đã giúp “cụ xoài” ở trên trường tồn cho đến ngày nay. Không chỉ vậy, nhờ có sự phù hộ của thần cọp với “cụ xoài” nên nhiều người dân địa phương mắc bệnh hiểm nghèo, tin rằng khi đến đây ôm thân cây, khấn vái có thể giúp họ phần nào vơi bớt bệnh tật.

2. Những chuyện tâm linh, thờ cúng thần cọp tương tự như vậy ở Nam Bộ có rất nhiều, khi mà cọp đã được nhân cách hóa, đồng hành cùng tiền nhân trong công cuộc khẩn hoang, thay cho những con cọp hung dữ mang lại nhiều hiểm nguy cho người.

Chính vì vậy mà các đình làng, chùa, miếu ở Nam Bộ đều có ban thờ thần Cọp. Biểu hiện của tín ngưỡng thờ cọp thường thấy nhất là dưới dạng miếu nhỏ hoặc các bình phong ở đình làng.

Như ở ngôi đình cổ nhất miền Tây Nam Bộ có tên là Bình Thủy ở phường Bình Thủy, quận Bình Thủy (TP. Cần Thơ) mà vị Thành Hoàng được thờ chính là ông Cọp.

Điều ấn tượng khi bước chân vào ngôi đình này chính là bộ cốt lâu đời của ông Cọp được thờ vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay, như một minh chứng về sự tồn tại có thật của ông Cọp trong lịch sử vùng đất này.

Đại diện ban tế tự của đình Bình Thủy cho biết, từ thời khai phá vùng đất này thì dân làng có nhiều niềm tin tâm linh đối với ông Cọp. Theo các bô lão kể lại, ông Cọp (còn được gọi là “ông Bạch”) đã chiến thắng trong một cuộc so tài với một con cọp rằn hung dữ (còn được gọi là ông Rằn), qua đó mang lại sự bình an cho những người dân đi khai hoang. Cho nên về sau khi "ông" mất thì mọi người tôn thờ như thần linh.

Nhiều người cho rằng “ông Bạch” là một con cọp tu lâu năm, tánh linh như người. Có giai thoại một phụ nữ tên Bé sống một mình ở vùng đất này. Chồng đi lính triều Nguyễn trấn giữ vùng biên cương Cao Miên.

Trước khi chia tay vợ, người lính đốt hương đứng trước một gốc đại thụ khấn xin Thành Hoàng, thổ địa bảo trợ người vợ trẻ để ông ta yên tâm làm nhiệm vụ với đất nước. Khi ấy, “ông Bạch” nấp sau gốc đại thụ nghe lời khấn.

Một đêm nọ, “ông Bạch” nghe tiếng bà vợ rên rỉ đau bụng chuyển dạ đẻ nên đã chạy thẳng đến nhà một bà mụ. Bà mụ đang ngủ mơ màng, mở mắt ra trông thấy con cọp nên sợ quá ngất xỉu. “Ông Bạch” bèn tha bà mụ đến tận cửa nhà bà Bé. Khi tỉnh dậy, bà mụ quáng quàng chạy vào nhà bà Bé và phát hiện bà Bé cần cứu giúp. Bà mụ đã giúp bà Bé vượt cạn thành công trong cơn thập tử nhất sinh.

Sáng sớm hôm sau, khi mở cửa ra, bà mụ đã trông thấy một con heo rừng nằm chết trong sân. Trên thân heo đầy vết móng cọp. Sực nhớ diễn biến đêm qua, bà mụ biết, con cọp đã bắt heo trả lễ. Cho rằng, đó là ông Cọp thần bảo vệ dân làng, bà mụ và bà Bé cùng dựng một ngôi miếu để thờ.

Kỳ bí chuyện thờ thần cọp ở vùng đất phương Nam - 3

Nhiều ngôi đình làng ở Nam Bộ đều có ban thờ thần cọp.

Ngoài ra, cư dân địa phương còn truyền tụng rất nhiều giai thoại khác liên quan đến việc “ông Bạch” cứu người khi gặp hoạn nạn. Khi ông chết, dân làng tiếc thương lấy thi thể làm tượng cốt đặt trong miếu thờ mà về sau đã trở thành ngôi đình Bình Thủy.

Theo các nhà nghiên cứu, cọp là con vật được thờ phổ biến trong các ngôi đình ở Cần Thơ. Có thể nói, hầu như không có ngôi đình nào ở Cần Thơ mà không có miếu thờ cọp. Đây chính là kết quả ứng xử của con người đối với tự nhiên trong buổi đầu đặt chân đến vùng đất mới phương Nam.

Có một quan niệm phổ biến nơi dân gian Nam bộ, mà theo sự xác tín, nếu trên trán con cọp nào có chữ “Nhâm” đó là “hổ thần”, không bao giờ ăn thịt người mà chỉ cứu người, cho nên người dân tôn như thần. Người ta cũng cho rằng, cọp là chúa sơn lâm với khả năng nghe được tất cả những lời nói của dân chúng trong vùng, vì vậy bất cứ ai nói lời xúc phạm đến cọp thì đều bị cọp trừng trị.

Theo tcdulichtphcm.vn
https://tcdulichtphcm.vn/van-hoa/ky-bi-chuyen-tho-than-cop-o-vung-dat-phuong-nam-c3a25059.html
Copy Link
https://tcdulichtphcm.vn/van-hoa/ky-bi-chuyen-tho-than-cop-o-vung-dat-phuong-nam-c3a25059.html
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Kỳ bí chuyện thờ thần cọp ở vùng đất phương Nam
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO