Kỳ 4 - Nâng cao chất lượng y tế cơ sở: Để nhân viên y tế cơ sở trụ được với nghề

Nhóm PV| 22/01/2022 11:57

Trước thực trạng khó khăn của y tế cơ sở tại nước ta, đặc biệt những khó khăn bộc lộ rõ qua thời gian chống dịch COVID-19, nhiều địa phương đã có những biện pháp bước đầu để "vực dậy" y tế cơ sở, "sốc lại" tinh thần của cán bộ y tế trong bối cảnh dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Thế nhưng, những biện pháp đó cũng chỉ là sách lược trước mắt. Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần giảm áp lực, tiếp sức, thu hút... nhân lực y tế cơ sở, cần phải có chính sách đồng bộ để y tế cơ sở được thể hiện đúng vai trò của mình trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

>>>Kỳ 1 - Nâng cao chất lượng y tế cơ sở: Không để tuyến trên quá tải, dưới bỏ không!
>>>Kỳ 2 - Nâng cao chất lượng y tế cơ sở: Không để tuyến trên quá tải, dưới bỏ không! Trạm y tế hết dịch là "ế"
>>>Kỳ 3 - Nâng cao chất lượng y tế cơ sở, không để tuyến trên quá tải, dưới bỏ không: Giải bài toán thiếu nhân lực như thế nào?

Tiếp sức nhân viên y tế trụ lại với nghề

Trước thực trạng thiếu hụt nhân lực y tế cơ sở này, TPHCM đã xây dựng tờ trình gửi Thường trực UBND TPHCM đề xuất chính sách để củng cố nhân lực tuyến y tế cơ sở trong giai đoạn hiện nay.

Thứ nhất, một số chính sách để giữ chân nhân viên y tế, tiếp tục an tâm công tác, bớt nghỉ việc. Hằng năm, có khoảng 400-500 nhân viên y tế cơ sở xin nghỉ việc nhưng năm nay số lượng này tăng cao, đến khoảng 1.000 người. Người đứng đầu ngành Y tế thành phố nhận định có nhiều lí do nhưng năm nay chắc chắn có lý do nhân viên y tế đã kiệt sức, gần 8 tháng không có được nghỉ ngày nào và họ đang có mức thu nhập thấp nên nhiều người không trụ được.

Để giải quyết tình trạng này, ngành Y tế kiến nghị cần hỗ trợ thu nhập cho bác sĩ 1,5 lần mức lương cơ sở tối thiểu vùng, ước khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng; hỗ trợ điều dưỡng 1 lần lương mức lương cơ sở, ước khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng.

Trước đó, năm 2015, UBND TPHCM  đã ban hành quyết định 06 hỗ trợ cho nhân viên y tế khối dự phòng nhưng mức còn thấp chỉ khoảng 450-900/tháng, mức này rất khó cho nhân viên y tế có thể tự sống cũng như lo cho gia đình.

Thứ hai, chính sách thu hút nhân viên y tế đến công tác tại các trạm y tế. Ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhận định đây là thách thức lớn. Ngành Y tế đã làm việc với các đại học, đặc biệt là Trường Đại học Phạm Ngọc Thạch, kiến nghị cơ chế rất mới. Cụ thể, theo luật, các bác sĩ mới tốt nghiệp phải về các bệnh viện cấp quận huyện thực hành 18 tháng để lấy chứng chỉ hành nghề, ngành Y tế đề xuất điều chỉnh thời gian thực hành thành 6 tháng tại quận huyện và 12 tháng về cơ sở. Điều này giúp bác sĩ được về gần dân hơn, hiểu dân hơn thì sau này công tác ở đâu cũng thuận lợi và hiệu quả hơn nhiều.

Mặt khác, điều này cũng có lợi cho cơ sở y tế đặc biệt là trạm y tế, nếu cơ chế thông qua thì hằng năm có ít nhất có 500 bác sĩ trẻ luân phiên xuống các trạm, vừa tham gia chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân. Để các bác sĩ an tâm, ngành kiến nghị thành phố hỗ trợ một phần chi phí cho các bác sĩ khi xuống cơ sở với mức 1,5 lần lương tối thiểu vùng, khoảng hơn 6 triệu/tháng. Ngoài ra, bác sĩ sẽ không phải đóng tiền thực hành như khi đến bệnh viện.

Thứ ba, kiến nghị tăng định biên cho trạm y tế. Theo ông Thượng, ở TPHCM, dân số các phường xã rất khác nhau. Ví dụ, phường 5, quận 3 chỉ có khoảng 20.000 dân nhưng ở Bình Tân có 1 phường có thể lên tới 120-140.000 dân mà biên chế thì vẫn ngang nhau, tối đa là 10. Đây là điều bất cập đã xảy ra hàng chục năm nay.

Chính vì thế, Sở Y tế TPHCM kiến nghị về lâu dài, mong Quốc hội xem xét, điều chỉnh, phân bổ biên chế không theo biên giới hành chính nữa mà theo dân số, lí tưởng nhất là 10.000 dân sẽ cần có 1 trạm y tế. Cái này đòi hỏi thời gian dài để sửa đổi luật. Trước mắt, kiến nghị tăng gấp đôi biên chế tối thiểu 5 thành 10, tối đa 10 thành 20.

Về cơ cấu chức danh nghề nghiệp của mỗi trạm y tế, Sở Y tế đề xuất thay vì chỉ có 5 chức danh (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ), cần bổ sung thêm các chức danh khác nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế cho hoạt động của trạm y tế như cử nhân y tế công cộng, hộ lí, bảo vệ.

Theo tính toán, nếu áp dụng chính sách này, TPHCM cần bổ sung định viên lên tới 4.126 biên chế, tăng hơn 1.800 biên chế. Người đứng đầu Sở Y tế TPHCM tin rằng, với cơ chế vừa kiến nghị sẽ tuyển dụng đủ nhân viên để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho người dân.

Giảm áp lực cho đội ngũ y tế phòng chống dịch COVID-19

phát triển y tế cơ sở, Sở Y tế Hà Nội đề xuất Thành phố có chính sách tuyển dụng, thu hút, hỗ trợ cán bộ y tế làm việc tại tuyến y tế cơ sở như: Hỗ trợ kinh phí một lần khi đăng ký về làm việc tại trạm y tế, hỗ trợ tăng thu nhập hằng tháng, hỗ trợ kinh phí khi cử đi đào tạo...; quan tâm tuyển dụng bác sĩ y học gia đình, y học dự phòng, y học cổ truyền.

Đồng thời ban hành cơ chế chính sách cho phép trung tâm y tế tuyển dụng thêm lao động và được chi trả từ nguồn ngân sách Thành phố. Như đối với xã, phường, thị trấn có quy mô dân số trên 25.000 dân thì cứ thêm 2.000-3.000 dân được bổ sung thêm 1 nhân viên y tế và cứ trên 10 cán bộ y tế được tuyển dụng từ 2 bác sĩ trở lên. Đây là giải pháp căn cơ, cụ thể góp phần quan trọng nhằm ổn định nguồn nhân lực tuyến y tế cơ sở…

Ngoài ra cần tăng định mức kinh phí theo đầu dân cho các hoạt động phòng, chống dịch và sự nghiệp y tế tại tuyến cơ sở. Hiện nay, Thành phố đang bố trí kinh phí sự nghiệp y tế dân số 18.000 đồng/người. Mức kinh phí này hiện giờ vẫn chưa đáp ứng được so với các hoạt động và nhiệm vụ về y tế và dân số ngày càng đa dạng.

Trong khi đó, tại tỉnh An Giang, nhiều cách làm mới đã được triển khai để giảm áp lực cho đội ngũ y tế phòng chống dịch COVID-19. TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang xác nhận, tỉnh đã linh động triển khai nhiều cách làm mới để giảm áp lực cho đội ngũ y tế phòng chống dịch COVID-19.

Theo ông Hiền, do ảnh hưởng nhiều yếu tố như dân số cao (trên 2,4 triệu người) lại có đường biên giới dài gần 100km... nên thời gian qua, đội ngũ y tế tỉnh An Giang đã làm việc với cường độ rất cao trong thời gian dài.

Cụ thể là từ khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 vào cuối tháng 4.2021 đến nay. Bên cạnh việc hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn như khám, điều trị và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia... một bộ phận phải tham gia tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19 dưới nhiều hình thức. Những quyết tâm đó đã đạt được thành quả khả quan, đưa cả tỉnh trở lại thích ứng và sống chung với dịch COVID-19. Nhưng đàng sau thành tựu đó là cả chuỗi dài những hy sinh lớn của đội ngũ y tế.

Theo ông Hiền, sau thời gian dài làm việc với cường độ cao, cộng với áp lực của môi trường làm việc đầy nguy cơ, khả năng lâu nhiễm dịch có thể ập đến bất cứ lúc nào...  gần như tất cả nhân viên ngành y tế đều quá tải. Thấu cảm được vấn đề này, bên cạnh việc triển khai nhanh các chế độ hỗ trợ để đảm bảo phục hồi sức khoẻ sau ra trực, ở Y tế An Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch và tham mưu lãnh đạo tỉnh An Giang chấp thuận thực hiện cách làm mới nhằm giảm áp lực cho đội ngũ y tế. Bên cạnh việc huy động các lực lượng hỗ trợ nhân sự các địa phương, các cơ sở điều trị để tránh quá tải cho các cơ sở điều trị, An Giang đã đi đầu và ứng dụng công nghệ trong điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà.

Trao đổi với PV Lao Động về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu- Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn Cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho rằng: Trong y tế, vấn đề phòng bệnh luôn phải được đặt lên hàng đầu, "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Thế nhưng, y tế dự phòng của chúng ta còn hạn chế, y tế cơ sở nói chung còn mỏng manh, chưa đủ sức chống đỡ trước đại dịch. Vì vậy, suốt thời gian xảy ra dịch bệnh đến nay, cán bộ nhân viên y tế đã phải chịu đựng một khối lượng công việc khổng lồ. Họ bị quá tải, chịu áp lực rất lớn. Vì thế, tôi cho rằng, hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là lĩnh vực y tế dự phòng của Việt Nam cần được đầu tư, chú trọng hơn nữa để phát triển.

Kết luận hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh ngành y tế phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những hạn chế, yếu kém đòi hỏi phải quyết liệt hành động để giải quyết. Một trong những vấn đề đó là năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất hợp lý, đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn... Những thách thức mà ngành y tế phải quan tâm còn rất lớn với dân số đông, dịch bệnh phức tạp, tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng già hoá dân số…

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương làm sớm, làm ngay, làm khẩn trương việc nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở; yêu cầu tiếp tục tập trung phòng chống dịch COVID-19, không để khủng hoảng y tế, đổ vỡ, quá tải hệ thống y tế...

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Kỳ 4 - Nâng cao chất lượng y tế cơ sở: Để nhân viên y tế cơ sở trụ được với nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO