Nếu có một yếu tố nào đó liên tục khiến người hâm mộ Kpop và các nghệ sĩ căm ghét qua nhiều năm, đó chắc chắn là vấn đề kiểm duyệt đã và đang tồn tại trong làng giải trí Hàn Quốc. Thực tế này diễn ra theo tiêu chí ngẫu nhiên mà không có sự thống nhất chặt chẽ về các lý do khiến cho một bài hát hoặc một video có thể bị cấm phát sóng. Thật vậy, bản thân nội dung của Kpop có một mối quan hệ thú vị và phiền phức với các cơ quan như Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc và đài truyền hình KBS, những người liên tục mở rộng hàng loạt phán quyết đạo đức của họ đối với tất cả các sản phẩm truyền thông được phát hành đến công chúng.
Danh sách những yếu tố khiến một bài hát hoặc một video bị cấm rất dài và phức tạp. Ví dụ như, đôi khi các từ lóng xuất hiện rải rác hoặc chiếm vai trò chủ đạo trong bài hát. Một số lý do khác như tên thương hiệu có thể hiểu được ít nhất là trong bối cảnh phát sóng rộng rãi ra công chúng. Tình trạng này hiếm khi xảy ra với khán giả phương Tây, nhưng đối với Hàn Quốc, lệnh cấm được ban hành chỉ đơn giản là vì bài hát có một từ "nghe có vẻ thô tục".
Bây giờ, điều quan trọng là phải hiểu rằng, lệnh cấm không phải là sự kết thúc cho một bài hát ở Hàn Quốc. Giống như bạn sẽ nghe ở Hoa Kỳ khi một ca khúc có nội dung quá phản cảm đến mức không được đưa lên radio hoặc truyền hình, tại Hàn Quốc nhiều bài hát chỉ đơn giản cần loại bỏ những yếu tố gây khó chịu hoặc thay đổi thành phiên bản đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn phát sóng. Trong trường hợp của các MV, mọi thứ trở nên phức tạp hơn – có thể quay lại hoặc chỉnh sửa lại, nhưng việc đó chắc chắn sẽ rất tốn kém và một số công ty giải trí không hề sẵn lòng để chi trả. Trong trường hợp cả âm nhạc và MV đều dính lệnh cấm, việc truy cập vào bản gốc thông qua internet vẫn sẽ không bị ảnh hưởng, vì vậy ngày càng có nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc và người hâm mộ bắt đầu cho rằng lệnh cấm là một vấn đề còn phải tranh cãi.
Để tìm ra một ví dụ về việc các nghệ sĩ đã phản ứng mạnh mẽ với lệnh cấm như thế nào, chẳng cần phải nhìn đâu xa cả vì chúng ta có một trong những ngôi sao lớn nhất của Kpop - G-Dragon và nhóm nhạc của anh ấy là Big Bang. Phong cách của GD từng bị gắn mác 19+, nhưng điều đó không thể cản bước anh khỏi việc tạo ra một gia tài âm nhạc gồm hàng loạt ca khúc hit và MV đình đám. Có thể GD biết rằng, miễn là ca khúc và MV của mình được đón nhận trên internet thì anh vẫn có thể thành công, do đó anh đẩy ranh giới ra xa hơn nữa với mỗi sản phẩm và tour diễn. Đáng chú ý, chuyến lưu diễn "Act III: Moment of Truth - the End World Tour" của GD sử dụng mô tuýp giám sát qua CCTV, như một lời chỉ trích về cách chính phủ và nhà nước nhúng tay quá nhiều vào việc quản lý truyền hình khiến cho những nghệ sĩ như anh gặp nhiều rắc rối.
Những tên tuổi lớn khác đã bắt đầu vướng vào tranh cãi kiểm duyệt chẳng hạn như EXO và NCT 127, cả hai đều là gà cưng của ông trùm giải trí SM Entertainment. Trong trường hợp của EXO, nhóm trước đó đã sử dụng nhiều hình xăm trong teaser MV "Ko Ko Bop". Đây hẳn là một bước đi liều lĩnh vì các nghệ sĩ có hình xăm như Jay Park thường phải đối mặt với việc bị làm mờ hình xăm hoặc cấm hoàn toàn trên truyền hình. Vì vậy, mặc dù những idol có hình xăm không thể xuất hiện trên tất cả những màn trình diễn được phát sóng, nhưng họ khẳng định rằng họ vẫn có thể đến với công chúng thông qua internet, và bất cứ tranh cãi nào đều chỉ là hiện tượng thổi phồng vấn đề quá mức.
Trái với cách làm thường thấy là nghệ sĩ sẽ nhún nhường nhà đài, NCT 127 từ chối phát hành một phiên bản đã chỉnh sửa cho "Cherry Bomb" sau khi nó bị KBS "tuýt còi". Mặc dù bài hát vấp phải chỉ trích vì ca từ mang tính bạo lực nhưng NCT biết rằng internet và truyền hình cáp sẽ cho họ những sân khấu tuyệt vời để quảng bá "Cherry Bomb" và đến gần với người hâm mộ.
Ở một mức độ độc lập hơn, một số nghệ sĩ như Jessi và Dumbfoundead đã quyết định đối đầu trực tiếp với hình thức kiểm duyệt này, có lẽ đó là một cách để thu hút sự chú ý đến các bài hát và MV của họ. Jessihồi đầu năm 2021 đã ra mắt single "Gucci". Ai cũng biết Gucci là thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới. Dù sử dụng từ này với ý nghĩa "tốt đẹp" nhưng Jessi vẫn trực tiếp nhắc đến tên thương hiệu trong đoạn điệp khúc. Dumbfoundead có cách tiếp cận thậm chí còn táo bạo hơn với MV mới "Water", trong đó xuất hiện vô số cảnh quay khiêu gợi mà Dumbfoundead biết chắc chắn nó sẽ không thể được đưa lên truyền hình.
Tất cả những điều này cho thấy rằng nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc đang bắt đầu xem xét các lựa chọn khác ngoài việc tạo ra âm nhạc và MV dựa trên những gì phù hợp với tiêu chí phát sóng và biểu diễn trên truyền hình. Vì có rất nhiều cách khác nhau để tung ra một bài hát nên nghệ sĩ bắt đầu chấp nhận nhiều rủi ro hơn và thậm chí là phớt lờ những tiêu chuẩn họ đã từng tuân thủ nghiêm ngặt. Về cơ bản, sức mạnh của internet giúp bạn có thể đạt được những điều bạn từng cho là không thể, ở cả Kpop và trên thế giới. Và khi nhiều nghệ sĩ bắt đầu khai thác sức mạnh này, chắc chắn ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc sẽ ngày càng tiến bộ và mở rộng tầm ảnh hưởng của nó.