Các chuyên gia cho rằng, khu vực này đang tái diễn kịch bản động đất kích thích giống như từng xảy ra tại thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam).
Trận động đất mạnh nhất xảy ra lúc 12 giờ 54 phút 22 giây trưa qua (18/4) ở tọa độ (14.713 độ vĩ Bắc, 108.468 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km, thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ngay sau đó, lúc 14h19 phút, một trận động đất có độ lớn 3.6 cũng xảy ra ở khu vực này. Tính từ ngày 15/4 đến chiều qua, khu vực này đã ghi nhận tổng cộng 20 trận động đất, trong đó riêng ngày 15/4 có tới 7 trận động đất.
Thực tế, động đất bắt đầu xuất hiện nhiều ở Kon Plông từ tháng 4/2021, kéo dài liên tục đến nay, có những ngày ghi nhận tới 6-7 trận động đất, chủ yếu là động đất nhỏ.
Tâm chấn (dấu sao) trận động đất mạnh nhất tại Kon Tum thời gian qua. (Nguồn: Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần) |
Kon Tum và rộng hơn là Tây Nguyên vốn ít ghi nhận hoạt động của động đất. Vì vậy, động đất liên tục ở Kon Plông thời gian qua được TS Lê Huy Minh, Viện Vật lý Địa cầu nhận định, nhiều khả năng là động đất kích thích, xảy ra khi hồ chứa thủy điện, thủy lợi tích nước, gây áp lực lên hệ thống đứt gãy bên dưới.
PGS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia về động đất cũng cho rằng, động đất tại Kon Plông nhiều khả năng là động đất kích thích bởi thời điểm gia tăng động đất trùng với thời điểm Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum đặt tại huyện Kon Plông vận hành và phát điện tổ máy số 1 (24/3/2021).
Đặc biệt, khu vực xảy ra động đất nằm trên đứt gãy Rào Quán - A Lưới, đây là đới đứt gãy mạnh, chạy từ Lào, qua A Lưới (Thừa Thiên - Huế), kéo dài tới Quy Nhơn (Bình Định). Trên đới đứt gãy này từng ghi nhận động đất kích thích xảy ra tại thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) và thủy điện Đắk Đrinh (Quảng Ngãi) khi các nhà máy này tích nước hồ chứa.
Trong đó, tại thủy điện sông Tranh 2, động đất xảy ra từ năm 2012, kéo dài đến tận bây giờ, từng gây ra nhiều lo ngại cho người dân và chính quyền các huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Tại Thủy điện Đắk Đrinh, động đất kích thích xảy ra thời gian ngắn hơn, cường độ và tần suất ít hơn.
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, tại khu vực xảy ra động đất ở Kon Tum, động đất tự nhiên cực đại được nhận định có thể đạt khoảng 5.9 độ, động đất kích thích cực đại thấp hơn, có thể dưới 5 độ. Vì vậy trận động đất mạnh 4.5 chiều qua có thể là kích động chính (trận động đất có cường độ mạnh nhất trong chuỗi các trận động đất kích thích) của hoạt động động đất kích thích ở khu vực này. Theo quy luật, sau kích động chính sẽ xảy ra thêm nhiều trận động đất khác nhưng cường độ nhỏ hơn. Tại Thủy điện Sông Tranh 2, kích động chính có độ lớn 4.7.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, hiện nay khu vực Kon Plông mới chỉ có một trạm quan trắc. Vì vậy, cần lắp đặt thêm một số trạm bổ sung để ghi nhận hoạt động động đất, giúp tăng cường năng lực, đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về hoạt động động đất ở đây, làm căn cứ khuyến nghị với chính quyền địa phương và người dân.
Theo tienphong.vn