Thực hiện chính sách chi trả DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã liên tục tổ chức các hội nghị tuyên truyền thực tế tại từng địa phương có người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Qua các buổi truyền thông, ngoài tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR, nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng cho người dân biết và hiểu, Tổ truyền thông của Quỹ còn giới thiệu và hướng dẫn đến người dân nhiều mô hình phát triển sinh kế, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.
Trong số các mô hình mà Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Kon Tum giới thiệu, nhiều mô hình đã được người dân triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả rất cao, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Từ đó, dần thay đổi cách làm cũ, lạc hậu bằng những cách làm mới, đưa đến năng suất cao, góp phần cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiền DVMTR giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại Kon Tum phát triển kinh tế ổn định. |
Theo ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, qua 6 năm tổ chức các hội nghị tuyên truyền, kết hợp tập huấn các mô hình phát triển sinh kế, một số xã đã triển khai thực hiện các mô hình phát triển sinh kế và mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Tiêu biểu như: mô hình nuôi heo sọc dưa, nuôi dê, nuôi bò, trồng mít thái, trồng cà phê ở xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà hay ở xã Đăk Man, huyện Đăk Glei.
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình nuôi heo sọc dưa đã và đang mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân xã Đăk Pxi, ông Nguyễn Phúc Đoan - Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà) cho biết: Mô hình này được xã Đăk Pxi triển khai từ năm 2019. Toàn bộ tiền để thực hiện mô hình đều lấy từ nguồn tiền chi trả DVMTR mà cộng đồng dân cư thôn được trả qua công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ nguồn tiền ổn định, vốn đầu tư thấp, có thể tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn, nên mô hình đã phát triển và rất thành công.
Hộ bà Y Mừng (làng Đăk Rơ Wang, thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi) là một trong những hộ gia đình phát triển tốt mô hình nuôi heo sọc dưa. “Được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Kon Tum tập huấn, tôi đã dùng toàn bộ tiền DVMTR nhận được năm 2019 và vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư nuôi heo sọc dưa. Đến nay, mỗi năm, tôi thu được khoảng trên dưới 50 triệu đồng và còn lãi được một đàn heo. Tôi rất vui mừng và sẽ tham gia bảo vệ rừng thật tốt, để tiếp tục có thêm nguồn thu nhập từ tiền DVMTR, tăng số lượng đàn heo” - bà Y Mừng chia sẻ.
Xã Đăk Pxi có 5 thôn (10 làng) với 92% người dân là người dân tộc thiểu số Xê Đăng. Hầu hết các hộ gia đình ở các thôn đều được Nhà nước giao đất, giao rừng có hưởng tiền DVMTR. Ngoài ra, cả 5 cộng đồng thuộc xã đều tham gia nhận khoán và được giao đất, giao rừng để quản lý, bảo vệ. Tiền DVMTR nhận về được các thôn phân chia sử dụng, cụ thể: 20% làm quỹ thôn, 50% chi trả công tác tuần tra, bảo vệ rừng và 30% còn lại để phát triển sinh kế cho các hộ gia đình.
Ông Nguyễn Hữu Sơn - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đăk Rơ Wang cho hay: Từ khi tham gia quản lý bảo vệ rừng và hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR, người dân trong thôn không còn khai thác rừng trái phép nữa. Nguồn tiền DVMTR giúp thôn có kinh phí đầu tư đường, điện chiếu sáng, tu sửa nhà Rông, mua cồng, chiêng để khôi phục văn hóa truyền thống cho đồng bào dân tộc tại thôn. Bộ mặt thôn, làng đã có nhiều thay đổi, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới.
Còn ông Nguyễn Phúc Đoan - Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi cho rằng: Nguồn tiền DVMTR là nguồn tiền ổn định vừa giúp người dân trang trải cuộc sống gia đình vừa tích lũy để đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, người dân nhận thức được lợi ích của việc tham gia bảo vệ rừng và chủ động bảo vệ tốt diện tích rừng được giao. Mặt khác, khi người dân có kinh tế ổn định thì sẽ tập trung hơn vào nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và không xâm hại đến rừng nữa.