KOL, KOC thời trang không dễ kiếm tiền

18/03/2023 14:22

Nhiều KOL, KOC lĩnh vực thời trang khẳng định không dễ dàng để kiếm được tiền từ công việc. Một số gặp áp lực đổi mới phong cách, số khác không biết định giá với nhãn hàng.

Nhiều KOL, KOC lĩnh vực thời trang loay hoay gia tăng nguồn thu, gặp khó khăn trong việc đàm phán giá với nhãn hàng. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

“Mặc đẹp, dễ kiếm bộn tiền” là một trong nhiều lầm tưởng về KOL (key opinion leader) và KOC (key opinion consumer) trong lĩnh vực thời trang.

Theo báo cáo về Tác động của người có sức ảnh hưởng đối với ngành hàng thời trang (2022) được thực hiện bởi Tiến sĩ Sheena K thuộc trường Kinh doanh Kochi (Ấn Độ), thời trang là một trong những lĩnh vực ưa chuộng influencer marketing nhất.

Nhiều hình thức hợp tác giữa người nổi tiếng và nhãn hàng đã xuất hiện. Không chỉ giới hạn ở bài đăng, KOL, KOC còn tham gia livestream, tiếp quản tài khoản cá nhân của thương hiệu hoặc tham gia vào quá trình sáng tạo váy áo, phụ kiện...

Tuy nhiên, người làm công việc sáng tạo nội dung cũng gặp áp lực thay đổi phong cách, bị chỉ trích vì đăng bài quảng cáo... Ngoài ra, việc đàm phán chi phí với nhãn hàng là một thách thức lớn với họ.

Trong khi đó, từ phía các thương hiệu thời trang, việc tìm kiếm người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội phù hợp là bài toán khó. Nhiều nhãn hiệu phải đối mặt với sự hao hụt chi phí khi KOL, KOC không giúp gia tăng doanh thu như kỳ vọng.

Không dễ kiếm tiền

“Tôi chỉ thu về khoảng 500.000 đồng đến 2 triệu đồng cho một bài đăng giới thiệu sản phẩm thời trang, không cao như nhiều người nghĩ. Để có thêm thu nhập, tôi phải nhận chụp lookbook cho các nhãn hàng”, Ngọc Tú (24 tuổi), một KOC trong lĩnh vực thời trang tại TP.HCM, chia sẻ.

kol koc anh 1
Ngọc Tú thừa nhận chịu nhiều thiệt thòi do không biết cách định giá, thương lượng với nhãn hàng.

Cô không tiết lộ mức thù lao cụ thể, song cho biết “chẳng dễ dàng gì để tiền vào ví”. Trên trang cá nhân với hơn 40.000 người theo dõi, cô thường xuyên đăng tải các bộ ảnh lạ mắt, gây chú ý.

Phong cách thời trang cũng được cô thay đổi liên tục theo xu hướng, khi thì tối giản, lúc lại màu sắc Y2K, gợi cảm hoặc “ăn theo” nhân vật trong phim.

Cô khẳng định mình phải đầu tư nhiều tiền bạc thực hiện các bộ ảnh mới. Có như vậy, người theo dõi và nhãn hàng mới không thấy nhàm chán.

“Tôi gặp áp lực biến hóa, làm mới bản thân để những người theo dõi làm quen với sự phong phú. Nếu chỉ gắn hình ảnh cá nhân với một phong cách, tôi khó nhận nhiều lời mời hợp tác”, cô cho biết.

Khác với Ngọc Tú, Hồng Hạnh (26 tuổi), một KOL thời trang với hàng trăm lượt theo dõi trên mạng xã hội, lại chọn cách trung thành với một phong cách thanh lịch, hơi hướm công sở.

Tuy nhiên, cô cho biết không thể chỉ ở nhà mà khách hàng tìm đến. Để xây dựng hình tượng đa năng, thu hút nhiều lời mời hợp tác, cô thường tham gia các hoạt động bên lề như dự sự kiện hoặc mở garage sale thanh lý đồ cá nhân.

“Tôi còn lấn sân sang công việc sáng tạo nội dung về resort, nhà hàng, khách sạn”, Hạnh nói, cho biết mình sẵn sàng tham gia nhiều mảng, lĩnh vực khác nhau, miễn có thêm thu nhập.

kol koc anh 2
Không chỉ đăng bài quảng cáo, Hồng Hạnh tham gia sự kiện thời trang, tổ chức garage sale để gia tăng thu nhập.

Khi check-in quảng bá cho các nhà hàng, khu du lịch, Hạnh vẫn diện trang phục kín đáo theo phong cách thường thấy, tránh hở hang.

“Thú thực, tôi sẽ có thêm người theo dõi nếu đăng ảnh sexy. Nhưng đây lại không phải phong cách của tôi. Nhãn hàng có thể bỏ đi nếu hình ảnh của tôi không còn phù hợp với họ”, Hạnh bày tỏ.

Không những vậy, khó khăn của người sáng tạo nội dung còn nằm ở khâu thương lượng giá với nhãn hàng. Nhiều KOL không nắm bắt được cách định giá dịch vụ khi làm việc với các thương hiệu.

Điều này có thể khiến họ bị thiệt thòi khi số tiền thu về lại không tương xứng với công sức bỏ ra.

Như Ngọc Tú, cô không thể đưa ra số tiền chính xác cô nhận được sau mỗi lần hợp tác với các thương hiệu thời trang. Cụ thể, giá booking của Tú không cố định, phụ thuộc vào danh tiếng nhãn hàng, số lần kết hợp, số lượng tương tác trên mạng xã hội.

Hiện nay, cô vẫn chưa xây dựng bảng giá chi tiết, rõ ràng đối với từng gói dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Nữ KOC thừa nhận chịu một số thiệt thòi do không nắm rõ giá cả thị trường và ái ngại khi đàm phán.

Nỗi sợ chung của những người sáng tạo nội dung là tin đồn “hét giá”, khiến các đối tác, nhãn hàng từ bỏ ý định mời hợp tác.

Khi KOL, KOC không giúp nhãn hàng gia tăng lợi nhuận

Theo công ty thống kê dữ liệu Launch Metrics, tác động tiếp thị của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đến doanh số bán hàng của các thương hiệu thời trang gia tăng 18% trong giai đoạn 2019-2020.

KOL, KOC tạo ra 3 triệu USD MIV (tạm dịch: “giá trị tác động truyền thông”) khi thực hiện các sản phẩm hình ảnh, clip kết hợp với nhãn hàng trong năm 2020. Bằng cách tính toán MIV, các nhãn hàng thời trang có thể gia tăng số lượng đơn hàng chuyển đổi, ROI (tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư).

Sở hữu một local brand (nhãn hàng thời trang nội địa) tại Hà Nội, Quỳnh Anh (23 tuổi) khẳng định lợi ích của influencer marketing.

Cụ thể, micro influencer (người có lượng người theo dõi khoảng 1.000 - 40.000 trên một nền tảng xã hội) thường mang lại khoảng 100 lượt thích mới. Trong khi đó, một bài hợp tác với macro influencer (người sở hữu 40.000 đến 1 triệu lượt thích) có thể đem tới 300 lượt theo dõi.

Đồng tình với Quỳnh Anh, Tú (26 tuổi, TP.HCM) - chủ một nhãn hàng thời trang nữ - cũng cho biết doanh thu tăng mạnh, gấp 2-3 lần, khi thực hiện các sản phẩm truyền thông với người có sức ảnh hưởng.

kol koc anh 3
Các thương hiệu thời trang gặp khó khi hợp tác với KOL, KOC thiếu chuyên nghiệp hoặc chi trả nhiều cho người có sức ảnh hưởng song không thể gia tăng lợi nhuận. Ảnh: Phương Lâm.

Tuy nhiên, những khó khăn mà thương hiệu phải đối mặt khi làm việc với KOL, KOC cũng không ít. Tú thường xuyên gặp những người sáng tạo nội dung thiếu chuyên nghiệp, dẫn đến rắc rối trong quá trình hợp tác.

“Họ không trả lời tin nhắn, trì hoãn công việc và đem đến sản phẩm truyền thông chất lượng thấp. Đây là những người tôi không kết hợp lần 2”, chủ sở hữu thương hiệu thời trang này cho biết.

Ngược lại, một số người nổi tiếng khác có thái độ tốt, xây dựng nội dung chỉn chu, song không tạo ra mức độ ảnh hưởng lớn, số lượng chuyển đổi đơn hàng khá nhỏ. Để tối ưu hóa chi phí marketing, Tú cũng buộc phải dừng hợp tác với các KOL, KOC này.

Để giải quyết những vấn đề trên, Quỳnh Anh đặt ra hàng loạt tiêu chí khắt khe khi lựa chọn người sáng tạo nội dung để quảng bá sản phẩm. Các tiêu chí đó bao gồm tính chất nội dung chia sẻ, tần suất tương tác với người hâm mộ, chi phí booking.

Tuy vậy, cách thức duy nhất để đánh giá mức độ phù hợp của KOL với nhãn hàng là thử nghiệm.

“Không thể tránh việc tốn tiền cho người nổi tiếng nhưng không tạo ra doanh thu. Chúng tôi buộc phải thử mời nhiều người, hao hụt chi phí nhiều lần”, Quỳnh Anh chia sẻ với Zing.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    KOL, KOC thời trang không dễ kiếm tiền
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO