Ngày 20/7, nhà khoa học Rohan Naidu thuộc Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard (Mỹ) cho biết kính viễn vọng không gian James Webb có thể đã tìm thấy một thiên hà tồn tại cách đây 13,5 tỷ năm.
Nhà khoa học Naidu cho biết thiên hà GLASS-z13 có niên đại 300 triệu năm sau vụ nổ Big Bang, sớm hơn khoảng 100 triệu năm so với bất cứ thứ gì được xác định trước đó.
Ông nói: "Chúng tôi có khả năng đang quan sát được ánh sao ở khoảng cách xa nhất mà chưa ai từng thấy."
Mặc dù thiên hà GLASS-z13 tồn tại vào kỷ nguyên sớm nhất của vũ trụ, song độ tuổi chính xác của thiên hà này vẫn chưa được xác định bởi thiên hà này có thể hình thành bất cứ lúc nào trong vòng 300 triệu năm đầu tiên của vũ trụ.
GLASS-z13 được phát hiện trong dữ liệu "phát hành sớm" từ máy ảnh hồng ngoại chính được gọi là NIRcam của kính thiên văn James Webb.
Tuy nhiên, khám phá về thiên hà xa xôi này không được tiết lộ trong bộ ảnh đầu tiên của James Webb mà Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) công bố hồi tuần trước.
Khi chuyển từ hồng ngoại sang phổ nhìn thấy được, thiên hà GLASS-z13 xuất hiện dưới dạng một đốm màu đỏ có màu trắng ở trung tâm.
Nhà khoa học Naidu và các cộng sự - một nhóm gồm 25 nhà thiên văn học khắp thế giới - đã gửi phát hiện về thiên hà xa xôi nhất trong vũ trụ mà James Webb chụp được cho một tạp chí khoa học.
Phát hiện này đã khiến cộng đồng thiên văn học toàn cầu kinh ngạc. Nhà khoa học trưởng của NASA Thomas Zurbuchen nhận định: "Các dữ liệu thiên văn đang sụp đổ và nhiều dữ liệu hơn nữa đang rung chuyển."
Theo chuyên gia Naidu, một nhóm các nhà thiên văn khác do Marco Castellano dẫn đầu đã làm việc trên cùng một dữ liệu này và đưa ra kết luận tương tự. Ông nói: "Điều đó mang lại cho chúng tôi sự tự tin."
Kính viễn vọng James Webb được phóng vào không gian hồi tháng 12/2021 và hoạt động hoàn toàn từ tuần trước.
Các nhà thiên văn học tin rằng kính thiên văn trị giá 10 tỷ USD này sẽ báo hiệu một kỷ nguyên mới khám phá vũ trụ./.