Kinh tế thế giới chuyển mình ra sao sau 10 tháng chiến sự Nga-Ukraina?

29/12/2022 01:00

Cuộc xung đột Nga - Ukraina không chỉ làm suy yếu nền kinh tế hai nước trong cuộc mà còn làm chậm đáng kể quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 của thế giới.

Kinh tế thế giới chuyển mình ra sao sau 10 tháng chiến sự Nga-Ukraina?
Binh sĩ Nga đứng gác bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, ngày 1.5.2022. Ảnh: AFP

Ukraina trong vũng lầy kinh tế

Ukraina đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ cuộc xung đột. Nền kinh tế hiện đang sa lầy trong một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Bà Yulia Svyrydenko - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế của Ukraina - đã dự đoán trong một cuộc họp báo gần đây rằng GDP của nước này sẽ giảm mạnh 32 - 33,5% vào năm 2022 do thiệt hại về cơ sở hạ tầng năng lượng.

Chính phủ Ukraina, Ủy ban Châu Âu và Ngân hàng Thế giới ước tính hồi tháng 9 rằng chi phí tái thiết và phục hồi ở Ukraina có thể lên tới 349 tỉ USD, gấp hơn 1,5 lần GDP nước này năm ngoái.

Đồng thời, nợ của Chính phủ Ukraina đã tăng lên 103,1 tỉ USD vào cuối tháng 10. Ông Daniil Getmantsev - người đứng đầu Ủy ban Verkhovna Rada về chính sách tài chính, thuế và hải quan - cho biết việc vay nợ để bù đắp thâm hụt ngân sách là lý do chính đẩy lãi suất tăng.

Người dân nhận hàng viện trợ ở Avdiivka, Donetsk, ngày 15.12.2022. Ảnh: AFP
Người dân nhận hàng viện trợ ở Avdiivka, Donetsk vào ngày 15.12.2022. Ảnh: AFP

Tổng thống Ukraina - ông Volodymyr Zelensky tuyên bố vào tháng 10 rằng đất nước cần 38 tỉ USD để trang trải thâm hụt ngân sách ước tính vào năm tới và 17 tỉ USD khác để xây dựng lại cơ sở hạ tầng quan trọng. Theo ông, một nửa cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina đã bị hư hại trong 10 tháng chiến tranh.

Tờ The Washington Post đưa tin Kiev có thể không còn đủ dự trữ ngoại hối để thanh toán cho các mặt hàng nhập khẩu quan trọng và không thể đáp ứng các nghĩa vụ nợ nước ngoài của mình.

Nga ngược dòng mọi dự báo

Kể từ khi cuộc xung đột nổ ra, các nước phương Tây đã liên tục nã các đợt trừng phạt về kinh tế, thương mại và năng lượng. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng điều này nhằm phá hoại nền kinh tế Nga, thiệt hại đồng rúp và gây ra lạm phát nghiêm trọng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Nga đã đứng vững trước tác động của đồng rúp giảm giá mạnh và sự thoái vốn ồ ạt của các công ty phương Tây để ổn định hệ thống tài chính và duy trì trật tự kinh tế. Nga cũng được hưởng lợi từ việc bán năng lượng của mình, vốn vẫn có nhu cầu rộng rãi.

"Kinh tế Nga suy thoái ít nghiêm trọng hơn so với dự kiến trước đó. Điều này phản ánh khả năng phục hồi trong xuất khẩu dầu thô và nhu cầu trong nước cùng với sự hỗ trợ chính sách tiền tệ và tài khóa lớn hơn cũng như niềm tin vào hệ thống tài chính được khôi phục", Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá trong báo cáo triển vọng mới đây.

Hầu hết các công ty hàng đầu của Nga được hỏi tin rằng tình hình sẽ cải thiện hơn nữa vào năm 2023 bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây.
Hầu hết các công ty hàng đầu của Nga được hỏi tin rằng tình hình sẽ cải thiện hơn nữa vào năm 2023 bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây. Ảnh: AFP

Ông Putin tiết lộ tổng sản phẩm quốc nội của Nga dự kiến sẽ giảm 2,5% vào năm 2022, tích cực hơn nhiều so với mức giảm 20% mà nhiều chuyên gia phương Tây dự báo trước đó. Sau khi tăng đột biến vào tháng 3 và tháng 4, lạm phát đã ổn định dần kể từ tháng 5. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách liên bang dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp, khoảng 2% GDP trong năm nay và năm sau.

"Mỹ không mất gì mà được mọi thứ khi kéo dài xung đột Ukraina"

Các nước Châu Âu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động lan rộng của cuộc xung đột khi giá năng lượng cao ngất ngưởng. Thị phần cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga tại Châu Âu giảm từ 40% năm ngoái xuống còn 9% trong năm nay. Các quốc gia Châu Âu buộc phải mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng đắt hơn nhiều từ Mỹ.

Không những thế, giá năng lượng tăng cao đang buộc hàng loạt nhà máy sử dụng nhiều năng lượng ở Châu Âu phải cắt giảm hoặc thậm chí tạm ngưng sản xuất. Giới quan sát cảnh báo nếu xu hướng này tiếp tục, cấu trúc công nghiệp của Châu Âu có thể bị xói mòn nghiêm trọng.

Đối với nền kinh tế toàn cầu, cuộc khủng hoảng Ukraina là "yếu tố tiêu cực cốt yếu nhất" trong năm nay và có thể là năm tiếp theo, Giám đốc điều hành IMF - bà Kristalina Georgieva nhận định.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự đoán rằng nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm nay và 2,2% trong năm tới. IMF dự báo rằng tăng trưởng trong năm 2023 sẽ giảm xuống 0,5% ở khu vực đồng euro và 1% ở Hoa Kỳ.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới - ông David Malpass cảnh báo rằng cuộc xung đột Nga Ukraina và tác động của nó đối với giá lương thực, năng lượng và phân bón có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Các nước đang phát triển sẽ "ngấm đòn" rõ nét nhất.

Đối với Mỹ, Ukraina là một loại “tàu sân bay không thể chìm” đi kèm với khả năng vô tận - theo đánh giá của chuyên gia Nga. Ảnh: AFP
Đối với Mỹ, Ukraina là một loại “tàu sân bay không thể chìm trên đất liền” đi kèm với khả năng vô tận - theo đánh giá của chuyên gia Nga. Ảnh: AFP

Người được lợi nhất trong đại cuộc này là Mỹ. Washington đã bỏ túi hàng tỉ đô la nhờ bán vũ khí và nhiên liệu đắt đỏ cho các đồng minh tại Châu Âu. Theo tờ Politico (Mỹ), kể từ cuối tháng 2, các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu đã cam kết tăng cường kho vũ khí của họ thêm khoảng 230 tỉ USD. Ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ nhờ đó đã được hưởng lợi đáng kể.

Ông Fyodor Lukyanov - Tổng Biên tập Tạp chí Russia in Global Affairs - viết: "Mỹ không mất gì mà được mọi thứ khi kéo dài xung đột Ukraina. "Tàu sân bay không thể chìm trên đất liền” này sẽ rất hữu ích. Một vệ tinh trung thành và được huấn luyện như vậy sẽ mở ra nhiều cơ hội".

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/kinh-doanh/kinh-te-the-gioi-chuyen-minh-ra-sao-sau-10-thang-chien-su-nga-ukraina-1131945.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/kinh-doanh/kinh-te-the-gioi-chuyen-minh-ra-sao-sau-10-thang-chien-su-nga-ukraina-1131945.ldo
    Bài liên quan
    • Kinh tế thế giới 2023 sẽ thế nào?
      Giới phân tích dự đoán bức tranh kinh tế toàn cầu năm sau không tới mức quá bi quan, khi nhiều điểm sáng vẫn xuất hiện ở các nền kinh tế lớn.
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Kinh tế thế giới chuyển mình ra sao sau 10 tháng chiến sự Nga-Ukraina?
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO