Sáng ngày 8/11, Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã phối hợp cùng Sở TT&TT Hà Nội, Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Sáng tạo ứng dụng số trong thương mại điện tử”.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, ông Nguyễn Việt Hùng cho hay, đây là hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam.
Sự kiện này cũng là nơi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội kết nối với doanh nghiệp công nghệ, phát triển thương mại điện tử, giao dịch điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh thế số.
Theo ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông, thương mại điện tử đã trở thành yếu tố chủ chốt, tạo động lực phát triển kinh tế số.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 227.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo trong năm 2025, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia dẫn đầu thế giới.
Việt Nam có dân số đông, lại trong độ tuổi vàng nên cơ hội bùng nổ thương mại điện tử sẽ ngày càng lớn. Theo báo cáo eCommerce của Bain & Company, trong thời gian tới, thương mại điện tử sẽ còn phát triển mạnh mẽ. Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á.
Nhận thức được tầm quan trọng của thương mại điện tử trong nền kinh tế số, Bộ TT&TT đã phát triển nhiều chương trình, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thương mại điện tử. Các bộ ngành khác cũng đã đẩy mạnh nội dung này trong lĩnh vực mà mình quản lý.
Theo ông Vũ Minh Ngọc, đại diện Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), để kiến tạo môi trường thương mại điện tử an toàn và đáng tin cậy, đơn vị này đã phát triển hệ thống xác thực uy tín gian hàng thương mại điện tử.
Hệ thống này gồm nhiều tính năng, giúp xác minh chủ sở hữu gian hàng thương mại điện tử, xác thực uy tín gian hàng dựa trên công nghệ Big Data, ngoài ra còn có tính năng tra cứu thông tin, dán nhãn uy tín, xác thực đa kênh, đồng thời có thể cảnh báo sớm cho người tiêu dùng.
Ở góc độ đơn vị quản lý chuyên ngành, ông Lê Nam Trung cho hay, Bộ TT&TT sẽ cố gắng tạo ra các thể chế để hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ số, gỡ bỏ dần các vướng mắc về pháp lý, mở rộng thị trường, hướng đến việc tạo cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông nhận định, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có cơ hội thực hiện ước mơ của mình nhờ việc thúc đẩy thương mại điện tử trên môi trường số.
“Thương mại điện tử là lĩnh vực đầy tiềm năng, là linh hồn của kinh tế số. Thương mại điện tử phát triển thì kinh tế số mới phát triển, từ đó tạo động lực cho sản xuất, sáng tạo, tạo ra thị trường mới, giúp doanh nghiệp số phát triển sản phẩm. Đây là cơ hội chung cho tất cả chứ không phải cơ hội riêng của các doanh nghiệp lớn”, ông Lê Nam Trung nói.
Theo đại diện Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông, Hà Nội là địa bàn có nhiều thách thức nhưng cũng nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ số phát triển, tạo ra các doanh nghiệp số mới, các kỳ lân công nghệ tiềm năng, tạo ra các sản phẩm số, đem lại giá trị cho người dùng, xã hội, thậm chí vươn mình ra thế giới.