Nhiều khó khăn “bủa vây” các startup
Tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo 2023 được Forbes Việt Nam, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Do Ventures, Bộ Kế hoạch và Đầu tư,… vừa tổ chức tại TP.HCM các diễn giả đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm cho các startup trong bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn.
Ông Vũ Quốc Huy, giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết: “Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sức tăng trưởng và năng động nhất trong việc thúc đẩy hệ đổi mới sáng tạo, điều đó thể hiện ở các chỉ số quan trọng là số lượng người dùng internet đạt 72 triệu người, xếp thứ 12 thế giới; xếp 48 về chỉ số sáng tạo toàn cầu. Tuy nhiên, còn có nhiều thách thức cần vượt qua để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, còn nhiều việc phải làm trong 7 năm tới để hướng tới mục tiêu đến năm 2030 nền kinh tế số chiếm 30% GDP, phủ sóng 5G…”.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, giám đốc điều hành Do Ventures cho hay, năm 2022, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam ở lĩnh vực công nghệ đạt 634 triệu đô la Mỹ, giảm 56% so với con số kỷ lục 1,44 tỉ đô la Mỹ của năm 2021. Số lượng thương vụ còn 134, giảm so với 165 thương vụ của năm 2021.
Các thương vụ đầu tư dưới 10 triệu đô la Mỹ giảm nhưng không nhiều bằng mức trên 10 triệu. Tuy nhiên, vòng đầu tư từ 10 – 50 triệu đô la Mỹ lại tăng so với 2021, điều đó cho thấy các doanh nghiệp ở vòng Pre-A và Series A đã trưởng thành và tiếp tục gọi được vốn. Tính chung, Việt Nam thứ 3 về thương vụ nhưng thứ 4 về giá trị trong khu vực. Ngành tăng trưởng và thu hút đầu tư nhất là dịch vụ tài chính, tới 249% so với năm 2021. Bên cạnh đó là ngành y tế, giáo dục.
Tổng số nhà đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022 là 137, giảm so với 2021 nhưng điều đặc biệt là nhóm nhà đầu tư nội địa vươn lên dẫn đầu và đang hoạt động tích cực Đây là lần đầu tiên xảy ra điều này. Trong 134 thương vụ thì các nhà đầu tư nội địa tham gia 64 vụ với tổng số vốn là 287 triệu đô la Mỹ. Các nhà đầu tư nội địa đã thể hiện vai trò quan trọng và là nguồn động lực để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển.
Trong bảng xếp hạng do StartupBlink thực hiện về hệ sinh thái startup các quốc gia năm 2022, Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm trước. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đều được cải thiện và đứng thứ hạng cao cùng với các nước phát triển. Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 50 quốc gia đổi mới sáng tạo dẫn đầu (Việt Nam đứng thứ 44/132 nước) là một nỗ lực rất lớn.
Năm 2022, Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế số ở Đông Nam Á với mức tăng 28% so với năm ngoái, từ 18 tỉ USD lên 23 tỉ USD. Nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh gấp hai lần GDP cho đến năm 2030 (19% so với 9%). “Đó là dấu hiệu đáng khích lệ khi Việt Nam chuyển từ khả năng phục hồi sang chế độ tái tạo,” Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết.
Startup cần học cách thích nghi
Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng cạnh tranh địa chính trị, các cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc cùng tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 khiến vấn đề tự cường trong phát triển sản xuất trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
“Yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là phải xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, tự chủ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết.
Trần Vũ Quang, nhà sáng lập kiêm CEO OnPoint cho biết: “OnPoint đã gọi 60 triệu đô la Mỹ. Trong quý 1.2023, công ty tăng trưởng 60% so với năm ngoái và vẫn vận hành bình thường nhưng triển vọng tương lai, cần cẩn trọng hơn khi kinh tế vĩ mô thay đổi liên tục. Những thứ lãng phí không cần thiết như tiền điện, tiền nước mình liên tục nhìn vào để cắt giảm. Năm nay OnPoint không có kế hoạch gọi vốn. Quay lại bài toán cơ bản trong kinh doanh với hai vế cung-cầu, startup của bạn liệu cần vốn đến đâu và có lựa chọn khác không.
Sẽ có nhiều startup ngoài kia phải chấp nhận down round (giá trị của công ty được định giá thấp hơn so với vòng gọi vốn trước đó). Nhưng định giá chỉ là chỉ số mang tính thời điểm và điều quan trọng là tạo giá trị cho khách hàng, khi có dòng tiền tốt thì định giá sẽ tăng lên. OnPoint may mắn hoạt động trong mảng thương mại điện tử, lĩnh vực sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Chúng tôi cũng đang tìm kiếm các cơ hội M&A cả với nhãn hàng (kênh online và offline), công ty trong lĩnh vực marketing… để gia tăng giá trị cho chuỗi giá trị của mình”.
Đặng Hoàng Minh, đồng sáng lập kiêm CEO Cooky cho biết: “Hiện tại Cooky rất quan tâm đến việc có khách hàng, có đơn hàng không lỗ. Sẽ khó trong thời điểm hiện tại để mơ mộng có vài triệu người sử dụng hàng tháng. Trong mảng giao nhận thực phẩm, trên cả thế giới gần như tất cả các công ty giống Cooky đều đang gặp khó khăn. Tuy nhiên vẫn có điểm sáng là có vài công ty không bị lỗ và có công ty có lợi nhuận. Mình đang học hỏi các công ty có khả năng tự sống sót thay vì suốt ngày đi gọi vốn đầu tư. Nhìn sang thị trường Hàn Quốc, có một công ty tương tự là Oasis với chuỗi cửa hàng bán thực phẩm với 50% từ online, đã có lãi, sẽ niêm yết trong năm nay hoặc năm sau. Trong khi có, có những công ty lỗ nặng hoặc bị down road. Nếu mảng này làm nghiêm túc và chi tiết sẽ có lợi nhuận”.
Nguyễn Bá Cảnh Sơn, nhà sáng lập kiêm CEO Dat Bike thì cho biết: “Tất cả vòng vốn từ trước đến nay của của Datbike, từ lúc gọi 200.000 đô la Mỹ đến vài triệu đô la Mỹ, đều chỉ tập trung vào hai việc là nghiên cứu để có sản phẩm tốt hơn và nâng cao quy mô sản xuất, tiếp cận khách hàng. Datbike không có sức ép về mặt ngắn hạn và đang tăng trưởng đều nhưng thận trọng để quan sát. Tất cả startup đều muốn thay đổi thế giới bằng một cách nào đó (thông qua mục tiêu dài hạn) nhưng tài nguyên, nguồn lực hữu hạn nên phải chọn lựa là hiện nay cần đạt mục tiêu ngắn hay dài hạn.
Với tôi, vấn đề down round (trường hợp trong lần gọi vốn sau, giá trị của công ty được định giá thấp hơn lần gọi vốn trước) không quan trọng lắm nhưng cần xem xét, với vấn đề đó, nhà đầu tư có bị ảnh hưởng không; mối quan hệ giữa mình và nhà đầu tư có bị ảnh hưởng không. Tôi thấy một số startup thay vì chọn down road, chọn tạo giá trị cho mục tiêu ngắn hạn thì chuyển hướng sang làm việc khác để kiếm tiền. Nhưng khi làm việc khác thì phải tính toán kĩ hơn vì có thể khi đó chi phí cơ hội lớn, ảnh hưởng lớn đến con đường dài hạn của công ty”.
Các nhà đầu tư đều tin vào tương lai Việt Nam, nền kinh tế vững chắc, dân số trẻ, am hiểu công nghệ và sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ về đổi mới sáng tạo. Các nhà đầu tư đều cho biết sẽ giữ được nhịp đầu tư như hiện nay, thậm chí một số sẽ giải ngân nhiều hơn vì có nhiều cơ hội. Các nhà đầu tư xem đây là thời kỳ quan trọng, kỳ vọng các startup tập trung vào những yếu tố cốt lõi, xây dựng được những công ty bền vững và có sự uyển chuyển để vươn lên trong khó khăn, bà Lê Hoàng Uyên Vy chia sẻ.
Quy mô nền kinh tế số Việt Nam được dự báo chạm mốc 43 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025 theo ước tính của Google và Temasek. Đã có sự thay đổi về xu hướng, khẩu vị và tiêu chí lựa chọn đầu tư khi các nhà đầu tư thiên thần và quỹ mạo hiểm thận trọng hơn trong việc rót vốn. Tuy nhiên nhiều lĩnh vực tại Việt Nam vẫn được đánh giá hấp dẫn: công nghệ tài chính, thương mại điện tử và các hệ sinh thái liên quan. Dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút đầu tư quốc tế nhờ lợi thế đang ở trong thời kỳ dân số vàng với thị trường 100 triệu dân, tỷ lệ dân số trẻ cao giúp thúc đẩy nền kinh tế số phát triển nhanh chóng.
Google và Temasek