Covid-19 vẫn hoành hành, vì sao kinh tế 2021 lại được dự báo sáng hơn 2020?

02/03/2021 11:25

Bộ Công Thương cho rằng triển vọng kinh tế thế giới 2021 sẽ tích cực hơn so với năm 2020 khi các quốc gia triển khai tiêm đại trà vắc xin ngừa Covid-19.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 2 tháng đầu năm 2021.

Theo Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế thế giới, khu vực vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với những thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và đời sống, xã hội.

Tuy nhiên, dẫn đánh giá của các chuyên gia, Bộ Công Thương cho rằng triển vọng kinh tế thế giới 2021 sẽ tích cực hơn so với năm 2020 khi các quốc gia triển khai tiêm đại trà vắc xin ngừa Covid-19. Do đó, triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2021 phụ thuộc nhiều vào hiệu quả vắc-xin và thuốc đặc trị Covid-19.

Covid-19 vẫn hoành hành, vì sao kinh tế 2021 lại được dự báo sáng hơn 2020? - 1

Mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020.

Trong kịch bản bất lợi, nếu tình trạng lây lan của đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp hoặc các chiến dịch tiêm chủng vắc xin bị đình trệ, tăng trưởng toàn cầu sẽ chỉ ở mức 1,6%. Thương mại toàn cầu vẫn sẽ khởi sắc hơn so với năm 2020, dự báo đạt mức tăng tưởng 7,2-8%.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp tháng 02/2021 ước tính giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước do số ngày làm việc của tháng Hai năm nay ít hơn 8 ngày và ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại một số địa phương.

Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp tháng 1/2021 tăng khá so với tháng 01/2020 (tăng 22,5%) nên tính chung 2 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất 2 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất kim loại tăng 30,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 21,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 17,5%; khai thác quặng kim loại tăng 14,9%...

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số giảm như: Sản xuất mô tô, xe máy giảm 1,7%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 5%; khai thác than cứng và than non giảm 8,6%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 15,6%...

Đáng lưu ý theo Bộ Công Thương, mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 95,81 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,26 tỷ USD, tăng 25,9%.

Bộ Công Thương cho biết thêm, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày và dịch Covid-19 diễn ra tại một số địa phương trong tháng 02/2021 làm cho hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng giảm so với tháng trước.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ước tính đạt 439,7 nghìn tỷ đồng, giảm 5,4% so với tháng trước và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 354,5 nghìn tỷ đồng, giảm 3,5% và tăng 10,5%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 41,5 nghìn tỷ đồng, giảm 11,5% và giảm 0,1%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 915 tỷ đồng, giảm 40,8% và giảm 60,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt 42,7 nghìn tỷ đồng, giảm 12,6% và tăng 2,7%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 904,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,4%).

Nguyễn Mạnh

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Covid-19 vẫn hoành hành, vì sao kinh tế 2021 lại được dự báo sáng hơn 2020?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO